Sign In

Vướng mắc về giải quyết tranh chấp kết quả bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự

13/11/2018

Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự là một trong những tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Loại tranh chấp này trong thực tiễn không nhiều, nhưng việc giải quyết tranh chấp lại tương đối phức tạp và khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những bất cập trong quy định của pháp luật có liên quan.
1. Quyền yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản
Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định những người sau đây có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy kết quả bán đấu giá tài sản: Đương sự (bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án), chấp hành viên (khoản 1 Điều 102 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định: “Đương sự, chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản”). Tuy nhiên, khi Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì người có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy kết quả bán đấu giá tài sản là: Người mua được tài sản bán đấu giá và chấp hành viên (khoản 2 Điều 102 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014: “Người mua được tài sản bán đấu giá, chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản”).
Như vậy, theo quy định hiện hành, ngoài chấp hành viên thì chỉ người mua được tài sản bán đấu giá mới có quyền yêu cầu Tòa án hủy kết quả bán đấu giá; còn người được thi hành án và người phải thi hành án không có quyền này. Từ những quy định này mà trong thực tiễn đã gặp phải vướng mắc đó là người phải thi hành án (là người bị chấp hành viên kê biên tài sản để bán đấu giá) có căn cứ cho rằng việc bán đấu giá không thực hiện đúng quy định pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ nhưng họ lại không có quyền yêu cầu Tòa án hủy kết quả bán đấu giá; trong khi người mua được tài sản và chấp hành viên là những người tham gia bán đấu giá thì không yêu cầu Tòa án hủy kết quả bán đấu giá tài sản. Cho nên đã dẫn đến việc người phải thi hành án khiếu nại nhiều nơi gây kéo dài thời gian thi hành án, cơ quan thi hành án thì không giao được tài sản cho người mua tài sản bán đấu giá dẫn đến người mua tài sản bán đấu giá khiếu nại cơ quan thi hành án dân sự và rất nhiều hệ lụy khác.
Ngoài ra, quy định chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy kết quả bán đấu giá tài sản còn tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau. Cụ thể là chấp hành viên nào mới có quyền yêu cầu: Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành quyết định thi hành án có liên quan đến tài sản bán đấu giá hay bất kỳ chấp hành viên nào. Thực tế chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này. Tuy nhiên, quan điểm được đồng thuận nhiều nhất là chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành quyết định thi hành án có liên quan tài sản bán đấu giá vì họ là người được giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện việc bán đấu giá tài sản và chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động liên quan đến việc bán đấu giá tài sản.
2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết
Thẩm quyền giải quyết vụ án thực hiện theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ và theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn. Tuy nhiên, trong thực tiễn có một vấn đề vẫn còn quan điểm khác nhau. Chẳng hạn, việc nguyên đơn khởi kiện Trung tâm bán đấu giá tài sản (có trụ sở tại huyện A, tỉnh N) tại Tòa án nhân dân huyện B nơi tổ chức việc bán đấu giá tài sản và là nơi có tài sản bán đấu giá để yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản có đúng quy định không. Vấn đề là, thẩm quyền thuộc Tòa án nhân dân huyện A nơi bị đơn là Trung tâm bán đấu giá tài sản có trụ sở (theo điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này) hay Tòa án nhân dân huyện B nơi hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá được thực hiện (theo điểm a khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết).
Quan điểm xác định Tòa án nhân dân huyện B có thẩm quyền giải quyết cho rằng, việc tranh chấp kết quả bán đấu giá tài sản xuất phát từ hợp đồng bán đấu giá giữa Chi cục Thi hành án dân sự huyện B với Trung tâm bán đấu giá tài sản và hợp đồng mua bán giữa Trung tâm bán đấu giá tài sản với người mua được tài sản bán đấu giá. Cho nên nguyên đơn có thể viện dẫn quy định tại điểm g khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện B. Quan điểm xác định Tòa án nhân dân huyện A có thẩm quyền giải quyết thì cho rằng, nguyên đơn không tranh chấp hợp đồng với bị đơn mà đơn thuần là tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
3. Xác định bị đơn
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm (khoản 1 Điều 68). Tuy nhiên, trong thực tiễn có trường hợp khi tham gia tố tụng, bị đơn cho rằng mình không phải là bị đơn vì không có quyền, nghĩa vụ gì liên quan đến vụ án đối với nguyên đơn. Ví dụ: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy kết quả bán đấu giá do Trung tâm bán đấu giá tài sản tỉnh N thuộc Sở Tư pháp tỉnh N tổ chức vào năm 2016 và xác định trong đơn khởi kiện bị đơn là Sở Tư pháp tỉnh N vì là cơ quan kế thừa quyền, nghĩa vụ dân sự của Trung tâm bán đấu giá tài sản do tại thời điểm khởi kiện, Trung tâm bán đấu giá tài sản tỉnh N đã giải thể. Khi tham gia tố tụng, bị đơn cho rằng mình không phải là bị đơn vì việc bán đấu giá tài sản là do Trung tâm bán đấu giá thực hiện, nay Trung tâm bán đấu giá đã giải thể nên không còn liên quan gì đến Sở Tư pháp tỉnh N, nếu cho rằng Sở Tư pháp tỉnh N là cơ quan kế thừa quyền, nghĩa vụ dân sự của Trung tâm bán đấu giá tài sản thì phải chỉ ra căn cứ pháp lý.
Nghiên cứu quy định pháp luật thấy rằng, Trung tâm bán đấu giá tài sản (Tổ chức bán đấu giá tài sản) được thành lập theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, là đơn vị sự nghiệp công lập, có tư cách pháp nhân, có thu, có tài sản riêng và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Cho nên sau khi giải thể, các khoản phí mà cá nhân, cơ quan, tổ chức còn nợ Trung tâm bán đấu giá thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thường sẽ giao cho một cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm thu và nộp vào ngân sách nhà nước; còn tài sản khác của Trung tâm bán đấu giá sẽ bàn giao cho cơ quan khác theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2005 và năm 2015 có quy định về việc giải thể pháp nhân. Tuy nhiên, pháp luật lại không quy định về việc kế thừa quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân là đơn vị hành chính sự nghiệp bị giải thể và không có quy định cụ thể cơ quan, tổ chức nào phải kề thừa trách nhiệm dân sự của pháp nhân là Trung tâm bán đấu già tài sản bị giải thể. Trong khi đó, khi giải quyết vụ án, Tòa án phải xác định ai là bị đơn trong vụ án và căn cứ pháp lý là gì, để từ đó xác định nghĩa vụ dân sự (nếu có) của họ đối với nguyên đơn và đương sự khác trong vụ án.
4. Thời hiệu khởi kiện
Khoản 2 Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 2 Điều 140 Bộ luật Dân sự năm 2015 đều có chung quy định: Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Thực tiễn là trong quá trình giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, đã có bị đơn yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản của nguyên đơn và đề nghị Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án vì thời hiệu khởi kiện đã hết. Vấn đề đặt ra là, tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản có áp dụng thời hiệu khởi kiện hay không? Nếu có thì thời hiệu khởi kiện là bao lâu.
Nghiên cứu quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì không có quy định cụ thể thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản. Luật Bán đấu giá tài sản có hiệu lực từ ngày 01/7/2017 cũng không có quy định cụ thể về thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản. Vì vậy, trong thực tiễn đã có hai quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, đối với tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện vì pháp luật không có quy định. Quan điểm thứ hai cho rằng tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản là tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng, vì vậy, phải áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp về hợp đồng để xem xét thời hiệu khởi kiện còn hay không. Theo quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Hơn nữa, Điều 155 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã quy định rất rõ là thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây: (i) Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản; (ii) Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác; (iii) Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; (iv) Trường hợp khác do luật quy định.
Dương Tấn Thanh
Tòa án nhân dân thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh


Theo Tạp chí Dân chủ và pháp luật

Các tin đã đưa ngày: