Sign In

Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang

24/03/2017

Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang
Vừa qua, thay mặt Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Phạm Minh Huấn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh đã ký Quyết định số 01/QĐ-BCĐ ngày 20/02/2017 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh
Quy chế quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh; nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ban Chỉ đạo; chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo
Quy chế gồm 4 chương, 15 điều. Trong đó Chương I - Những quy định chung gồm 3 điều; Chương II - Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban, các thành viên và Tổ thư ký Ban Chỉ đạo gồm 5 điều; Chương III - Chế độ làm việc và mối quan hệ công tác gồm 6 điều; Chương IV - Tổ chức thực hiện.
Theo quy định tại khoản 1 điều 2 của Quy chế thì Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh Tuyên Quang có chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 173 Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014); Điều 3 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự và theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, bao gồm: i) Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn; giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự. ii) Chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Ban Chỉ đạo có 6 nhiệm vụ, quyền hạn, bao gồm:
1) Xây dựng dự thảo chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
2) Tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.
3) Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan với cơ quan Thi hành án dân sự tham mưu, đề xuất các biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc thực hiện các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.
4) Tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo, ý kiến, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.
5) Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự tại địa phương.
6) Kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời đối với những vi phạm pháp luật về thi hành án dân sự.
Ngoài quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban Chỉ đạo (Chủ tịch UBND tỉnh), Phó Trưởng Ban Chỉ đạo (Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh), Quy chế cũng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Ban Chỉ đạo (Giám đốc Sở Tư pháp; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc Sở Tài chính; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) và các thành viên được mời tham gia Ban Chỉ đạo (đạo diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; đại diện lãnh đạo Toà án nhân dân tỉnh) và nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ thư ký Ban Chỉ đạo. Quy chế có hiệu lực kể từ ngày ký/. 

Các tin đã đưa ngày: