Sign In

Trả giá vì chống đối phán quyết của tòa án

24/11/2021

(BGĐT) - Với mục đích chiếm đoạt quyền sở hữu tài sản, quyền nuôi dưỡng người thân, không ít đương sự đã không chấp hành phán quyết của tòa án, chống đối việc thi hành án. Cơ quan tố tụng đã khởi tố, xét xử nhiều vụ án về hành vi này.
Theo thông tin từ cơ quan thi hành án dân sự, hành vi “không chấp hành án” thường gặp ở những vụ án dân sự đòi nợ, giành quyền nuôi con và tranh chấp đất đai, tài sản, nhà cửa. Sau nhiều lần áp dụng các biện pháp cưỡng chế, thi hành án bất thành, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Thị Nhuận (SN 1966) ở thôn Bãi Ban, thị trấn Nhã Nam về hành vi không chấp hành án.
tòa án, chiếm đoạt quyền sở hữu tài sản, chống đối thi hành án, Bắc Giang
Cán bộ Công an huyện Lạng Giang và Viện Kiểm sát nhân dân huyện trao đổi về một vụ không chấp hành phán quyết của tòa án.
Sau khi lấy nhau, vợ chồng bà Nhuận ở trên đất của bố mẹ chồng là cụ Lê Hèo (SN 1931) ở thôn Bãi Ban. Năm 2002, vợ chồng bà Nhuận tự kê khai với UBND xã để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với thửa đất hơn 500 m2 nhưng bố mẹ chồng không hay biết. 
Năm 2013, chồng mất nên bà Nhuận đã làm thủ tục thay đổi người sở hữu mảnh đất, lúc đó mới phát hiện sự việc này và làm đơn khởi kiện. TAND huyện Tân Yên nhận định quyền sở hữu mảnh đất trên thuộc về cụ Hèo, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với mảnh đất trên là không hợp pháp nên đã tuyên hủy. Vì muốn được sở hữu mảnh đất này, bà Nhuận nhất định không bàn giao lại tài sản và cố tình chống đối lại quyết định của tòa án.
Do tranh giành quyền nuôi con khiến Bùi Đức Sơn (SN 1992) ở thôn Hưởng 8, xã Hương Sơn (Lạng Giang) vướng vào lao lý. Dù đã qua hai cấp xét xử và có phần ăn năn trong phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 6 vừa qua nhưng bị cáo vẫn không được giảm nhẹ mức hình phạt. Sơn phải nhận bản án 4 tháng tù giam thay vì mong muốn được hưởng án treo như kháng cáo. 
Đó là cái giá mà bị cáo phải trả vì sự ngoan cố, coi thường pháp luật, không chấp hành án. Trước đó, tháng 9/2019, tại bản án sơ thẩm và phúc thẩm hôn nhân gia đình giữa bị cáo Sơn và chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1993), trú tại thôn Nghĩa Chỉ, xã Minh Đạo, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) đều quyết định giao con chung của hai người cho chị Hiền nuôi dưỡng. 
Tuy nhiên, sau khi bản án có hiệu lực, bị cáo vẫn không giao con lại cho vợ cũ nuôi dưỡng dù cơ quan thi hành án dân sự, chính quyền địa phương tổ chức nhiều cuộc vận động, tuyên truyền. Vẫn biết hành vi của bị cáo xuất phát từ tình thương yêu dành cho con và muốn được gần gũi con, nhưng trong quá trình phúc thẩm, bị cáo không cung cấp được thêm chứng cứ chứng minh mình có nhiều lợi thế để nuôi con. 
Sau hai lần cưỡng chế, Chi cục Thi hành án dân sự huyện đã xử phạt hành chính. Do Sơn vẫn tiếp tục không tuân theo nên tháng 10/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã khởi tố vụ án hình sự đối với Bùi Đức Sơn về hành vi không chấp hành án.
Thi hành án hành chính là việc thi hành bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật. Cá nhân, tổ chức phải thi hành án mà cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định buộc thi hành án của Tòa án thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp có điều kiện thi hành nhưng không chấp hành, thậm chí coi thường pháp luật, cố tình trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Một số trường hợp chống đối quyết liệt, cố tình không chấp hành gây khó khăn, trì hoãn việc thi hành án nhưng chưa có các biện pháp đủ mạnh để buộc thực hiện hoặc răn đe. 
Số vụ được đưa ra xét xử hình sự về hành vi không chấp hành án còn rất hạn chế, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi số lượng án chưa thi hành còn tồn đọng lớn gấp hàng chục lần.
Theo ông Lương Xuân Lộc, Chánh án TAND tỉnh, song song với xét xử nghiêm minh các vụ không chấp hành án, ngành thi hành án dân sự tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt trong việc thi hành những việc có đủ điều kiện; nâng cao vai trò chấp hành viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đối với những trường hợp cố tình trây ỳ cần sớm đề xuất biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, khởi tố hình sự nếu có dấu hiệu nghiêm trọng, kéo dài… 
Đối với loại án xảy ra nhiều thì tổ chức xét xử điểm, xét xử lưu động để tuyên truyền, giáo dục, răn đe. Lên án mạnh mẽ đối với những trường hợp thiếu ý thức chấp hành, coi thường pháp luật, trốn tránh, chống đối việc chấp hành bản án.
Sưu tầm


Theo baobacgiang.com.vn

Các tin đã đưa ngày: