Sign In

Chuyển biến từ Chỉ thị số 09 trong công tác thi hành án dân sự

01/11/2021

(BGĐT) - Tháng 3/2017, Ban Thường vụ (BTV)  Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Chỉ thị số 09 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án (THA) Dân sự. Sau 4 năm thực hiện, Chỉ thị đã tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực THA.
Tập trung giải quyết việc khó
Từ năm 2017 trở về trước, qua đánh giá, công tác THA Dân sự còn bộc lộ hạn chế như: Chất lượng, hiệu quả THA chưa cao, nhiều năm không hoàn thành chỉ tiêu được giao. Đáng chú ý, có nhiều án phức tạp, tồn đọng, kéo dài chưa được tập trung giải quyết. Xuất phát từ thực trạng đó, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 09 nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng THA.
Theo đó, các cơ quan THA Dân sự đã tích cực tham mưu với UBND cùng cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác này; quan tâm rà soát, thống kê lượng án tồn đọng, chủ động đề xuất Ban Chỉ đạo THA Dân sự trong việc giải quyết, tránh để xảy ra tình trạng dồn ứ việc.
Trao đổi với ông Giáp Văn Bền, Chi cục trưởng Chi cục THA Dân sự huyện Tân Yên được biết, trong 4 năm đơn vị xác định tập trung giải quyết dứt điểm 22 vụ việc phức tạp, kéo dài. Đến nay, còn 5 việc đang được đẩy nhanh thực hiện. Điển hình là vụ tranh chấp đất đai giữa gia đình ông Nguyễn Văn Thanh (phải THA) với hai ông Dương Quốc Hoan và Lê Thanh Nghị đều ở xã Ngọc Châu. Bản án phúc thẩm TAND tỉnh tuyên có hiệu lực từ năm 2014 yêu cầu ông Thanh phải trả cho hai hộ liền kề nói trên gần 50 m2 đất. Cơ quan THA đã tổ chức cưỡng chế lần đầu vào giữa năm 2015 nhưng phát sinh một số tình huống không an toàn nên bị hoãn.
Nhận thấy vụ việc đã kéo dài nhiều năm, ông Thanh thường xuyên không hợp tác, năm vừa qua, Chi cục THA Dân sự huyện một mặt tích cực tuyên truyền, vận động, mặt khác chuẩn bị phương án cưỡng chế nếu gia đình ông Thanh không tự nguyện thi hành. Nhờ vậy, vụ việc đã được giải quyết dứt điểm sau nhiều năm.
Được biết, để giải quyết hiệu quả các vụ việc, nhất là những án khó, tồn đọng, ngành THA đã chú trọng rà soát phân loại đúng vụ việc, đối tượng. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các phòng, ban chuyên môn để tổ chức THA. Căn cứ vào danh sách đối tượng phải THA theo từng địa bàn, các chấp hành viên lập danh sách án còn phải thi hành ở từng nơi và phối hợp với UBND phường, xã, thị trấn cùng tuyên truyền, thuyết phục đối tượng thực hiện nghĩa vụ. Với những án liên quan đến tín dụng ngân hàng, đơn vị chủ động phối hợp với các ngân hàng làm việc với bên phải THA, động viên, thuyết phục, đồng thời đưa ra điều kiện thích hợp để đương sự tự nguyện thi hành. Nếu cố ý lẩn tránh sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản.
Trong 4 năm (từ 2017- 2021), toàn tỉnh đã thi hành hơn 34.800 việc với số tiền gần 1.100 tỷ đồng, tăng hơn 5.000 việc và hơn 4 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 09.
Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác THA Dân sự của tỉnh. Kết quả THA năm sau luôn cao hơn năm trước và vượt chỉ tiêu được giao. Trong 4 năm (từ 2017- 2021), toàn tỉnh đã thi hành hơn 34.800 việc với số tiền gần 1.100 tỷ đồng, tăng hơn 5.000 việc và hơn 4 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị.
Đẩy mạnh cải cách tư pháp
Xác định nhiệm vụ cải cách tư pháp có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động THA, theo tinh thần của Chỉ thị số 09, Cục THA Dân sự tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Chi cục trực thuộc quan tâm quán triệt tới đội ngũ cán bộ, chấp hành viên về nâng cao chất lượng, hiệu quả THA, tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự khi đến giải quyết công việc tại đơn vị.
Điển hình là việc ứng dụng cơ chế một cửa và hỗ trợ trực tuyến THA được Cục THA Dân sự tỉnh và các Chi cục huyện, TP đưa vào ứng dụng từ đầu năm 2020. Trước đây, khi giao dịch với cơ quan THA Dân sự, đương sự phải đến trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua bưu điện, nếu như hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì phải quay về hoàn thiện hồ sơ, mất nhiều thời gian, chi phí đi lại. Thực hiện hỗ trợ trực tuyến, đương sự chỉ cần gửi hồ sơ qua hệ thống thư điện tử, công chức sẽ xem xét, hướng dẫn đương sự hoàn thiện hồ sơ, khi đầy đủ sẽ mang đến nộp tại bộ phận một cửa hoặc gửi qua bưu điện. Công chức tại bộ phận một cửa sẽ hoàn thiện các thủ tục tiếp theo và chuyển lại cho đương sự.
Cục THA Dân sự tỉnh và 10 Chi cục trực thuộc đã công khai quy trình giải quyết đối với 16 thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa đối với 5 thủ tục hành chính. Ngoài hỗ trợ trực tuyến, ngành THA Dân sự còn ứng dụng nhiều phần mềm khác vào hoạt động nghiệp vụ như: Phần mềm quản lý thu, nộp tạm ứng án phí; quản lý quá trình thụ lý, tổ chức THA...
Bà Nguyễn Thị Bích Tần, Cục trưởng Cục THA Dân sự tỉnh cho biết: Kinh nghiệm để thực hiện tốt Chỉ thị số 09 là chấp hành nghiêm quy định về chế độ báo cáo. Theo đó định kỳ 3 tháng báo cáo với Thường trực cấp ủy, 6 tháng báo cáo với Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp về kết quả THA nói chung và kết quả giải quyết các vụ việc trọng tâm, phức tạp. Quá trình triển khai theo phương châm nếu phải tổ chức cưỡng chế thì duy trì tuyên truyền, vận động giảm căng thẳng khi thực hiện. Đối với số vụ việc đã kê biên đang xử lý tài sản, lãnh đạo Cục và các Chi cục thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhằm bảo đảm thực hiện đúng thời hạn.
Thời gian tới, ngành tiếp tục tập trung cao đối với nhóm việc theo đơn có số tiền thi hành lớn. Mặt khác, các đơn vị tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm tiền THA cho các đương sự đủ điều kiện.
Sưu tầm


Theo baobacgiang.com.vn

Các tin đã đưa ngày: