Là địa bàn trung tâm, mỗi năm Chi cục THA dân sự TP Bắc Giang phải thực hiện hàng chục vụ đấu giá tài sản THA. Ông Nguyễn Thành Bắc, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự TP Bắc Giang cho biết: Trong công tác bán đấu giá tài sản THA, quyền và lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá đôi khi còn chưa được bảo đảm. Đó là các trường hợp bán đấu giá tài sản để THA dù các cơ quan đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức kê biên, đấu giá nhưng người THA vẫn gây khó khăn, không hợp tác. Có những trường hợp, tài sản đã được bán đấu giá thành nhiều năm nhưng không giao được tài sản.
Số việc phải thẩm định, bán đấu giá nhiều lần trong quá trình THA còn chiếm tỷ lệ lớn. Một số việc phải đấu giá từ 6-10 lần. Cá biệt có vụ việc ở Chi cục THA dân sự huyện Lục Ngạn thụ lý từ năm 2017, qua 13 lần bán đấu giá nhưng vẫn không có người mua. Hầu hết các tài sản được đưa ra bán đấu giá nhiều lần nhưng không thành đều là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, thuộc các tình huống: Tài sản nằm ở vị trí không thuận lợi cho sinh hoạt; tài sản có giá trị nhưng xảy ra tranh chấp...
Theo thống kê của Cục THA dân sự tỉnh Bắc Giang, năm 2021, các cơ quan THA dân sự trên địa bàn tỉnh thực hiện kê biên tài sản, đưa ra thẩm định và tổ chức đấu giá thành 80 vụ, với số tiền hơn 108 tỷ đồng; chưa đấu giá thành 8 vụ với tổng số tiền 4,6 tỷ đồng. Tuy số lượng vụ đấu giá chưa thành thấp nhưng trong quá trình thực hiện thẩm định, đấu giá tài sản, các cơ quan THA dân sự còn có những vướng mắc chung, đó là tình trạng chống đối, gây khó khăn cho tổ chức thẩm định; đương sự khiếu nại, tố cáo việc thẩm định giá nhằm kéo dài thời gian...
Đặc biệt, các quy trình, thời hạn thủ tục kê biên, xử lý, bán đấu giá tài sản còn nhiều bất cập như: Pháp luật quy định trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày kê biên, chấp hành viên phải thông báo cho đương sự thỏa thuận về giá hoặc tổ chức thẩm định giá; quy định về việc ký hợp đồng bán đấu giá trong thời hạn 10 ngày gây khó khăn cho chấp hành viên khi thực hiện đối với các trường hợp một trong các đương sự có quyền thỏa thuận nhưng đang thụ án hình sự tại trại giam…
Trước thực tế trên, một số ý kiến đề xuất cần nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về THA theo hướng xem xét quy định ký hợp đồng dịch vụ đấu giá giữa cơ quan THA với tổ chức đấu giá tài sản thay vì chấp hành viên; các tổ chức bán đấu giá tài sản thực hiện đúng các quy định về bán đấu giá, hạn chế thấp nhất sai sót. Trong đó, chú trọng thực hiện đầy đủ quy định về thông báo, niêm yết bán đấu giá tài sản. Ban hành quy chế, nội quy cuộc bán đấu giá đúng quy định của pháp luật và thực hiện tốt việc định giá tài sản...
Bà Nguyễn Thị Bích Tần, Cục trưởng Cục THA Dân sự tỉnh nói: Bán đấu giá là hoạt động cuối cùng và quan trọng trong quá trình xử lý tài sản của người phải THA để bảo đảm thực thi công lý. Thực tế, nếu việc bán đấu giá tài sản THA được thực hiện tốt sẽ góp phần cho việc THA diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Thời gian tới, các cơ quan THA dân sự tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các vụ việc thẩm định, đấu giá tài sản, bảo đảm theo đúng trình tự, thời gian quy định.
Đối với tài sản đã đấu giá thành nhưng chưa giao được, các đơn vị cần chủ động giải quyết khiếu nại, tố cáo đi đôi với tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận. Trường hợp đã thực hiện đúng, đủ quy định, quy trình, thủ tục mặc dù đã giải thích, thuyết phục nhưng đương sự không nhất trí, chống đối quyết liệt thì phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương xây dựng phương án cụ thể, phù hợp nhằm bảo đảm an toàn về người và tài sản trong quá trình cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá.
Sưu tầm
Theo baobacgiang.com.vn