Những vụ việc phải THA trong bản án, quyết định hình sự thuộc thẩm quyền của cơ quan THADS bao gồm: Phạt tiền, xử lý vật chứng, tài sản, án phí... Có những bản án, thời gian thụ lý hồ sơ, xét xử chỉ trong vài tháng nhưng thời gian THADS “đi kèm” có khi kéo dài gấp nhiều lần.
Trường hợp Lê Trường Dương (SN 1989) ở xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy là một ví dụ. Năm 2020, sau khi đối tượng đi chấp hành án phạt tù, để làm thủ tục xử lý tiền, tài sản, cơ quan THADS và Trại giam đã hướng dẫn cho bị cáo viết giấy ủy quyền cho thân nhân nhận lại tài sản là giấy tờ cá nhân, ví da... Tuy nhiên sau nhiều lần liên lạc, người nhà Dương không đến nhận nên cơ quan THADS chưa thể hoàn tất việc giải quyết án.
Hay như năm 2020, căn cứ vào bản án của TAND TP Bắc Giang tuyên phạt bị cáo Trần Văn Hùng (SN 1980) ở phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) 7 năm tù về tội cố ý gây thương tích và phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân 55 triệu đồng. Quá trình xác minh, Chi cục THADS TP xác định Hùng có một phần giá trị tài sản trong khối tài sản chung là quyền sử dụng đất trong hộ gia đình do bố đẻ đứng tên. Dù nhiều lần thông báo cho các thành viên gia đình về việc xác định tài sản chung nhưng mọi người không đồng ý, buộc Chi cục phải có đơn khởi kiện đề nghị tòa phân chia phần sở hữu của đương sự dẫn đến thời gian giải quyết án phải kéo dài.
Ông Nguyễn Thành Bắc, Chi Cục trưởng Chi cục THADS TP cho biết: "Mỗi năm, số vụ án hình sự thường chiếm hơn 50% tổng số án đơn vị thụ lý. Qua thực tế triển khai việc tổ chức thi hành phần trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự gặp những khó khăn chung. Đó là: Không xác định được nơi cư trú do người phải THA sau khi mãn hạn tù đã rời địa phương đi nơi khác nên không thể trả lại được các tài sản là hiện vật; không có điều kiện để THA vì các đối tượng đang chấp hành án phạt tù, nhất là án liên quan đến trộm cắp, ma túy, cờ bạc... cơ bản họ không có tiền, tài sản; những vụ việc phải xử lý tài sản hộ gia đình không xác định rõ công sức đóng góp của các thành viên nên phải thực hiện khởi kiện ra tòa dẫn đến kéo dài thêm thời gian giải quyết".
Bên cạnh đó, việc tổ chức thi hành phần trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự không quy định cụ thể thời gian từ khi bắt đầu thụ lý đến khi kết thúc một vụ việc mà chỉ quy định một số thủ tục trong quá trình thực hiện. Theo bà Nguyễn Thị Lan, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh, để giảm án kéo dài, án tồn đọng liên quan đến đối tượng là người đang chấp hành án phạt tù, Cục THADS tỉnh đã chỉ đạo các Chi cục THADS trên địa bàn thường xuyên phối hợp với các trại giam trong việc tống đạt, xác minh, cung cấp thông tin nơi chấp hành án và thu tiền do thân nhân người phải THA nộp tại trại giam để chuyển trả cho cơ quan THA xử lý theo thẩm quyền.
Từ năm 2021 đến nay, tổng số việc phải thi hành của người phải THA đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam là 1.947 việc, đã thi hành xong 1.443 việc.
Theo quy định của pháp luật, sau khi đã chấp hành án một thời gian, nếu người phải THA gặp khó khăn thì được xem xét miễn, giảm đối với các khoản nộp ngân sách nhà nước. Cơ quan THADS sẽ lập hồ sơ đề nghị TAND có thẩm quyền xem xét miễn, giảm nghĩa vụ THA để kết thúc quá trình giải quyết. Năm 2021, các cơ quan THADS đã phối hợp với Viện KSND cùng cấp rà soát, lập hồ sơ và đề nghị TAND xét miễn, giảm THA đối với 59 việc, tương ứng với số tiền hơn 245 triệu đồng.
Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ giải quyết loại án này, một số huyện, TP còn xây dựng kế hoạch phối hợp xác minh điều kiện THA. Trong đó phân công rõ trách nhiệm cho từng đơn vị. Ví như cơ quan THADS có nhiệm vụ rà soát, lập danh sách vụ việc, phân công cán bộ, chấp hành viên phụ trách phối hợp xác minh, giải quyết án; cơ quan công an cung cấp thông tin về nhân thân, nơi cư trú, nơi đang chấp hành án của người phải THA...
Thống kê của Cục THADS tỉnh cho thấy, từ năm 2021 đến nay, tổng số việc phải thi hành của người phải THA đang chấp hành hình phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam là 1.947 việc, đã thi hành xong 1.443 việc. Thời gian tới, Cục THADS tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp theo Thông tư số 07, ngày 6/2/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính về hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải THA nhằm góp phần giảm án tồn đọng.
Sưu tầm
Theo baobacgiang.com.vn