Thẩm định tài sản là hoạt động nghiệp vụ bắt buộc trong hợp đồng tín dụng có thế chấp tài sản để vay vốn tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các tổ chức tín dụng thực hiện việc cho vay, cũng như đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng đã cam kết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động này ở một số tổ chức tín dụng, ngân hàng vẫn còn buôn lỏng, quy trình, thành phần thẩm định tài sản chưa đầy đủ, một số trường hợp thiếu cơ sở pháp lý, dẫn đến nhiều tài sản giá trị thẩm định không đúng với giá trị thực của nó. Điều này, dẫn đến tính thanh khoản thấp, rủi ro cao, khả năng thu hồi nợ vay rất khó khăn, nhiều trường hợp không thể thu hồi.
Một vụ cưỡng chế liên quan đến THA cho ngân hàng
Thành phần thẩm định tài sản không đảm bảo
Để thực hiện và kiểm soát tốt hoạt động này, việc thẩm định tài sản cần đảm bảo tính khách quan, phù hợp với các qui định của pháp luật, thành phần thẩm định cần bắt buộc phải có thẩm định viên hoặc người làm công tác chuyên môn, người có nhiều kinh nghiệm trong từng lĩnh vực cần thẩm định. Thực tế cho thấy, một số tổ chức tín dụng, ngân hàng thực hiện việc thẩm định rất sơ sài, thiếu khách quan, thành phần thẩm định chỉ có đại diện tổ chức tín dụng, ngân hàng và bên có tài sản thế chấp, không có cơ quan chuyên môn, trong khi đó có nhiều tài sản được thẩm định trong các hợp đồng thế chấp có giá trị rất lớn. Nhiều hợp đồng thế chấp, các bên còn thẩm định, xác định tài sản hình thành trong tương lai, nhưng không ít trường hợp hiểu chưa đúng, hoặc các bên tự đồng thuận, hợp thức hoá xác định tài sản hình thành trong tương lai để có cơ sở thực hiện hợp đồng vay vốn có tỷ lệ vượt quá giá trị hiện tại của tài sản.
Rủi ro lớn, nợ xấu khó thu hồi
Việc thẩm định tài sản thế chấp thiếu chặt chẽ như trên sẽ phát sinh nhiều hậu quả khó lường, rủi ro xảy ra là điều khó tránh khỏi. Theo số liệu tại một số cơ quan Thi hành án dân sự, hàng năm số tiền phải thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng thường chiếm khoảng từ 70 – 80% trong tổng số tiền phải thi hành án, và trong số này hàng năm chỉ thu được số tiến rất nhỏ, chiếm khoảng từ 01 - 05%. Một trong những nguyên nhân dẫn đến viêc thu hồi nợ xấu khó khăn là tài sản thế chấp khi thanh lý có giá trị thấp hơn rất nhiều lần so với thời điểm thẩm định. Một số tài sản thế chấp bán nhiều lần nhưng không có người mua do có tính đặc thù, như: quyền sử dụng đất thuê, nhà kho, khu sản xuất, các dây chuyền, trang thiết bị sản xuất, chế biến của doanh nghiệp đã lạc hậu, xuống cấp.
Để góp phần làm lành mạnh hoá hoạt động tín dụng, đảm bảo thu hồi vốn vay đúng như cam kết, thiết nghĩ, khi giao kết các hợp đồng tín dụng, các bên cần phải tuân thủ đúng và đầy đủ các qui định của pháp luật về tín dụng, ngân hàng, đồng thời phải chú trọng công tác quản lý, trong đó cần siết chặt các qui trình, thủ tục thẩm định giá tài sản thế chấp.
Công Hoàng