Thứ nhất, quy định mới về thẩm quyền ra quyết định thi hành bản án, quyết định (BA,QĐ) của Tòa án về vụ án hành chính. Luật TTHC năm 2010 đã quy định giao cho cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) có trách nhiệm đôn đốc việc thi hành BA,QĐ về hành chính, nhưng thực tế áp dụng trong thời gian qua đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc, không hiệu quả. Để khắc phục điều này, khoản 3 Điều 11 Luật TTHC (SĐ) đã quy định: “Quá thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà người phải THA không TH thì người được THA có quyền gửi đơn đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra Quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 312 của Luật”. Với quy định chuyển giao thẩm quyền buộc THA hành chính cho cơ quan Tòa án sẽ khắc phục được cơ bản những tồn tại, hạn chế; đồng thời phát huy vai trò trách nhiệm của Tòa án trong THA hành chính để bảo đảm bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành nghiêm chỉnh, hiệu quả.
Thứ hai, về thời hạn yêu cầu Tòa án (TA) ra quyết định buộc THA: Để nâng cao trách nhiệm của đương sự trong việc yêu cầu cơ quan nhà nước giải quyết khi có căn cứ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại, Khoản 1 Điều 312 Luật TTHC (SĐ) đã bổ sung, cụ thể: “Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 311 của Luật (là 30 ngày) mà người phải THA không tự nguyện TH thì người được THA có quyền gửi đơn kèm theo bản sao (BA,QĐ) của TA và tài liệu khác có liên quan đề nghị TA đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành BA,QĐ của TA” (thay vì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản quy định tại khoản 3 Điều 244 Luật TTHC hiện hành, người được THA có quyền gửi đơn đề nghị cơ quan THADS nơi xét xử sơ thẩm đôn đốc việc thi hành BA,QĐ của TA).
Thứ ba, Luật TTHC (SĐ) đã cho ra đời một loại quyết định do cơ quan TA ban hành, đó là “Quyết định buộc thi hành BA,QĐ” thay vì “Văn bản đôn đốc thi hành án” của Thủ trưởng cơ quan THADS trước đây. Quyết định này sẽ đảm bảo tính quyền lực nhà nước cao hơn, từ đó đóng góp tích cực cho việc BA,QĐ của TA phải được nghiêm chỉnh chấp hành theo quy định tại Điều 106 Hiến pháp 2013.
Thứ tư, Luật TTHC (SĐ) bỏ cơ chế cơ quan THADS ban hành văn bản đôn đốc THA hành chính. Xuất phát từ hạn chế của cơ chế “đôn đốc THA” theo Luật TTHC hiện hành không có tính khả thi và không hiệu quả, Luật TTHC (SĐ) đã bỏ cơ chế “đôn đốc THA hành chính” do cơ quan THADS thực hiện. Thay vào đó, tại khoản 2 điều 312 của Luật TTHC (SĐ) đã quy định: “Quyết định buộc THA phải được gửi cho người phải THA, người được THA, Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA và Viện kiểm sát cùng cấp. Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm của người phải THA theo quy định của pháp luật”.
Thứ năm, Luật TTHC (SĐ) tiếp tục giao chơ quan THADS nơi TA đã xét xử sơ thẩm có trách nhiệm theo dõi việc THA hành chính theo quyết định của TA. Khoản 2 Điều 312 đã quy định: “Quyết định buộc THA cũng phải gửi cho cơ quan THADS nơi TA đã xét xử sơ thẩm để theo dõi việc THA hành chính theo quyết định của TA”. Quy định trên là căn cứ để thời gian tới ngành THADS sửa đổi, bổ sung các quy định về báo cáo, thống kê, theo dõi việc THA hành chính cho phù hợp.
Việc sửa đổi, bổ sung những quy định về thẩm quyền ra quyết định thi hành BA,QĐ về hành chính, quyền yêu cầu THA hành chính, trách nhiệm của TA về vụ án hành chính theo Luật TTHC (SĐ) hy vọng sẽ khắc phục được những vướng mắc, bất cập trong việc THAHC thời gian qua, đảm bảo nâng cao hiệu quả thi hành BA,QĐ của TA về vụ án HC trong thời gian tới.
Công Hoàng