Sign In

Kê biên vốn góp để thi hành án dân sự còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế

18/02/2020

Thi hành án dân sự được hiểu là việc tổ chức thi hành các Bản án, quyết định về dân sự theo Luật Thi hành án dân sự 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014 bao gồm: Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm; Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án; Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam; Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 15 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Tòa án; Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại; Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản và những bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị, cụ thể: Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc; Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
 
 Để giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án mà người phải thi hành án có điều kiện thi hành án, đã hết thời gian tự nguyện thi hành án nhưng cố tình không tự nguyện thi hành án, thì Chấp hành viên có thể lựa chọn một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế được quy định tại Điều 71 Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, trong các biện pháp cưỡng chế đó, thì biện pháp cưỡng chế kê biên vốn góp theo Điều 92 của Luật thi hành án dân sự hiện nay gặp nhiều khó khăn, vướng mắc không mang tính khả thi trên thực tế. Điều 92 Luật thi hành án dân sự quy định: 
"1. Chấp hành viên yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án có vốn góp cung cấp thông tin về phần vốn góp của người phải thi hành án để kê biên phần vốn góp đó. Trong trường hợp cần thiết, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định phần vốn góp của người phải thi hành án; trưng cầu tổ chức, cá nhân có chuyên môn xác định phần giá trị vốn góp của người phải thi hành án để cưỡng chế thi hành án.
2. Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần vốn góp của người phải thi hành án.”
Để thực hiện việc kê biên phần vốn góp theo quy định trên, thì trước hết Chấp hành viên cần phải tìm hiểu và phân biệt rõ các khái niệm “Góp vốn” và “Vốn góp” theo Luật doanh nghiệp năm 2014 như thế nào. Cụ thể theo khoản 13 Điều 2 Luật doanh nghiệp 2014 thì: "Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập” và theo quy định tại khoản 21 Điều 2 Luật doanh nghiệp 2014, thì vốn góp được hiểu như sau: “Phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Tỷ lệ phần vốn góp là tỷ lệ giữa phần vốn góp của một thành viên và vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh.”

Với khái niệm góp vốn như trên, chúng ta có thể hiểu tài sản mang vào góp vốn rất đa dạng nó bao gồm rất nhiều loại tài sản khác nhau như đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị bất động sản, động sản, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật và các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam... Như vậy, tài sản góp vốn rất đa dạng, có thể là tài sản hữu hình hoặc tài sản vô hình.

Còn phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty. Phần vốn góp của mỗi thành viên thường được tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng số vốn điều lệ của công ty. Khi tài sản của thành viên công ty đã được góp vào công ty theo đúng trình tự thủ tục quy định, thì những tài sản này sẽ được chuyển quyền sở hữu cho công ty (mà theo Bộ Luật dân sự 2015 thì quyền sở hữu có 3 quyền năng cơ bản đó là: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt). Như vậy, Công ty chính là chủ sở hữu, sử dụng đối với tài sản mà thành viên đã góp vốn, còn thành viên góp vốn chỉ là chủ sở hữu của phần giá trị đã góp vào công ty.

Từ việc phân biệt “Vốn góp” và “Góp vốn” như trên chúng ta thấy được sự khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tế khi Chấp hành viên tiến hành kê biên Vốn góp theo quy định tại Điều 92 Luật Thi hành án dân sự. Để minh chứng nội dung này, tôi xin đưa ra ví dụ như sau:
Tại nội dung Bản án dân sự sơ thẩm số: 35/2018/DSST ngày 12/12/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Q, tỉnh B tuyên: Buộc ông Trương Công Sơn phải có nghĩa vụ trả cho bà Vũ Thị Lan số tiền 500.000.000 đồng, kể từ ngày bà Lan có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông Sơn không thi hành hoặc thi hành chưa đầy đủ số tiền trên, thì hàng tháng còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Sau khi án có hiệu lực pháp luật, bà Lan có đơn yêu cầu thi hành án, Chi cục Thi hành án thành phố Q đã ra Quyết định số 350/QĐ-CCTHADS ngày 01/02/2019 đưa bản án nêu trên ra thi hành.
Quá trình tổ chức thi hành án thì được biết ông Sơn không có tài sản nào khác ngoài số tài sản mà trước đây (năm 2017) ông Sơn góp vốn để mở Công ty TNHH thương mại Hòa Bình. Cụ thể Công ty có 02 thành viên gồm ông Nguyễn Trọng Đại và ông Trương Công Sơn; vốn điều lệ là 10 tỷ đồng, trong đó ông Đại góp 7 tỷ đồng tiền mặt (chiếm tỷ lệ 70%) và ông Sơn góp 01 Hệ thống dây chuyền phun sơn công nghiệp trị giá 3 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 30%). Công ty TNHH thương mại Hòa Bình do ông Đại làm giám đốc và là người đại diện theo pháp của Công ty.

Như vậy, khẳng định người phải thi hành án là ông Sơn có điều kiện thi hành án, nên Chấp hành viên thành phố Q phải áp dụng biện pháp cưỡng chế phần vốn góp của ông Sơn. Nếu như cưỡng chế kê biên bán đấu giá Hệ thống dây chuyền phun sơn công nghiệp chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của Công ty TNHH thương mại Hòa Bình, vì công nhân không có việc làm, mất thu nhập của Công ty, phát sinh những đơn đặt hàng gia công..., dẫn đến việc khiếu nại, khiếu kiện và bồi thường xảy ra là điều không tránh khỏi. Còn nếu như Chấp hành viên tiến hành kê biên phần vốn góp 3 tỷ đồng tương đương với 30% vốn điều lệ, thì không có cơ sở, bởi lẽ tại thời điểm góp vốn thì giá trị của Hệ thống dây chuyền phun sơn công nghiệp là 3 tỷ đồng còn tại thời điểm cưỡng chế thì giá trị tài sản đã có sự thay đổi không như ban đầu.
Thực tế hiện nay, pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập doanh nghiệp và pháp luật cũng không bắt buộc doanh nghiệp khi thành lập mới hay đăng ký lại phải chứng minh cụ thể sự tồn tại số tiền đăng ký vốn điều lệ cũng như không có cơ quan nào kiểm tra vốn điều lệ. Việc đăng ký vốn điều lệ và việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức vốn điều lệ là vấn đề nội bộ của doanh nghiệp, doanh nghiệp chỉ cần kinh doanh đúng luật và chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn điều lệ mình đăng ký khi xảy ra các vấn đề liên quan đến giải thể, phá sản thì cần đảm bảo nghĩa vụ với người lao động, đối tác, chủ nợ... Do vậy, mà nhiều doanh nghiệp trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có số tiền vốn điều lệ rất cao, nhưng thực tế khi doanh nghiệp bị phá sản hoặc bị cưỡng chế thi hành án thì tài sản của doanh nghiệp có giá trị nhỏ hơn rất nhiều lần so với số vốn được ghi trong giấy phép đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, thì vốn điều lệ của công ty là căn cứ để chịu trách nhiệm về mặt tài sản của công ty và để xác định trách nhiệm từng thành viên của công ty tương ứng với vốn góp mà họ đã cam kết góp vào công ty. Như vậy, khi kê biên phần vốn góp cũng chính là kê biên một phần giá trị của công ty mà người phải thi hành án đang sở hữu tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của họ.

Đối với ví dụ nêu trên thì Chấp hành viên sẽ tiến hành kê biên 30% vốn góp của ông Sơn vào công ty, mà muốn biết 30% giá trị tài sản của công ty thì phải thẩm định giá toàn bộ giá trị tài sản của công ty mới biết 30% phần vốn góp của ông Sơn là bao nhiêu, nhưng thực tế tài sản của công ty bao gồm tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Do vậy, việc Chấp hành viên tiến hành kê biên và thẩm định giá trị vốn góp của ông Sơn là hết sức khó khăn, phức tạp.

Từ khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên vốn góp theo Điều 92 của Luật thi hành án dân sự như trên, để tránh việc khiếu nại, khiếu kiện và bồi thường xảy ra trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, trong thời gian đến, tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn cụ thể trong trường hợp kê biên vốn góp của người phải thi hành án, có như vậy mới giảm thiểu lượng án tồn đọng kéo dài và nhất là đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự./.
(ThS. Nguyễn Trọng Tài – Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Quy Nhơn)
 
 

 

Các tin đã đưa ngày: