Sign In

Một số khó khăn, vướng mắc về cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất trong thi hành án dân sự

06/07/2024

Theo quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014 (gọi tắt là Luật THADS), thì người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế thi hành án. Kê biên quyền sử dụng đất (KBQSDĐ) của người phải thi hành án là một trong các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự được quy định tại khoản 3, Điều 71 của Luật thi hành án dân sự (THADS). Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trong THADS nói chung và KBQSDĐ nói riêngthể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo cho các bản án, quyết định của Tòa án được thi hành trên thực tế. Tuy nhiên, thực tiễn khi KBQSDĐ của người phải thi hành án, ngoài việc Chấp hành viên (CHV) áp dụng các quy định của Luật THADS ra, thì còn phải áp dụng các văn bản pháp luật có liên quan khácnhư pháp luật về đất đai. Trong nội dung bài viết này, tác giả chỉ phân tích, đánh giá một số hạn chế, vướng mắc từ thực tiễn KBQSDĐ của người phải thi hành án, từ đó đề xuất kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về nội dung này.
Hiện nay, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế KBQSDĐ và xử lý tài sản đã kê biên được quy định bởi Luật THADS và một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật THADS như: Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS năm 2014; Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sựTuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định về KBQSDĐ vẫn tồn tại những vướng mắc, bất cập. Cụ thể:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1, Điều 188 Luật Đất đai 2013, thì: “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.”
Như vậy, trước khi CHV áp dụng biện pháp cưỡng chế KBQSDĐ phải xác minh rõ nguồn gốc đất, nếu thỏa mãn các quy định trên thì sau khi cưỡng chế kê biên mới xử lý được tài sản, nghĩa là làm thủ tục sang tên được cho người đấu giá trúng.
Mặt khác, tại khoản 1 Điều 110 Luật THADS quy địnhChấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đấtcủa người phải thi hành án thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Theo quy định của Luất Đất đai, điều kiện chuyển quyền sử dụng đất là đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, thực tế, khi KBQSDĐ đã có giấy chứng nhận, nhưng vẫn gặp khó khăn, vướng mắc, như  trong trường hợp kê biên đối với quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản hay đất làm muối mà người phải THADS là người trực tiếp lao động sản xuất, nguồn sống chủ yếu của họ là thu nhập có được từ hoạt động sản xuất đó. Trước đây, tại khoản 1 và khoản 2, Điều 4 Nghị định 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo THADS quy định: “Diện tích đất để lại cho người phải thi hành án
1. Trường hợp người phải thi hành án là người trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối, mà nguồn sống chủ yếu của họ là thu nhập có được từ các hoạt động sản xuất đó và được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất được kê biên xác nhận thì khi kê biên, Chấp hành viên phải để lại cho người phải thi hành án diện tích nhất định đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất làm muối, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất nông nghiệp khác để sản xuất, trừ trường hợp người phải thi hành án đồng ý kê biên, đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất đó.
2. Diện tích đất để lại cho người phải thi hành án quy định tại khoản 1 Điều này được quyết định trên cơ sở mức lương thực thu nhập bình quân của một người trong năm năm gần nhất ở địa phương theo các điều kiện cụ thể sau đây:
a) Trường hợp người phải thi hành án là cá nhân hoặc thành viên hộ gia đình thì diện tích đất để lại là diện tích đất bình quân cho từng nhân khẩu trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối tại địa bàn cấp xã đủ bảo đảm cho họ sản xuất để có lương thực sinh sống trong sáu tháng đối với người sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất làm muối; trong mười hai tháng đối với người sử dụng đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thuỷ sản hoặc đất nông nghiệp khác;
b) Trường hợp người phải thi hành án là hộ gia đình thì diện tích đất để lại cho hộ gia đình đó là tổng diện tích đất để lại của các thành viên hộ gia đình quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
Hiện nay, Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định diện tích đất để lại cho người phải thi hành án là bao nhiêu. Do vậy, trong quá trình kê biên, xử lý những loại đất này CHV không biết để lại một diện tích đất cần thiết cho người phải thi hành án bao nhiêu. Vì vậy, việc kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án trong trường hợp nêu trên là rất khó khăn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người phải THADS. Nếu CHV để lại phần diện tích đất cho người phải thi hành án thì điều kiện diện tích đất được để lại phải tách được thửa (Đối với quy định diện tích đất nông nghiệp tối thiểu được tách thửa, thì tùy theo tình hình quỹ đất của địa phương). Ví dụ: theo Quyết định số 40/2014/QĐ-UBND ngày 25/12/2014của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, có hiệu lực từ ngày 04/01/2015, thì diện tích tối thiểu của một thửa đất nông nghiệp sau khi tách thửa là 300m2. 
Thứ hai, nhiều trường hợp CHV cơ quan THADS xác minh diện tích đất thực tế và diện tích đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không trùng khớp,cần phải xác minh làm rõ và nhất thiết phải có ý kiến trả lời của cơ quan có thẩm quyền, như: Văn phòng đăng ký đất đai và UBND cấp xã nơi có đất, nhưng pháp luật chưa có quy định cụ thể về thời hạn trả lời là bao lâu và cũng chưa có chế tài gì đối với các cơ quan nàydẫn đến việc xử lý tài sản là quyền sử dụng đất kéo dài là điều không tránh khỏi, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo và có nguy cơ bồi thường nhà nước trong THADS.
 
Cơ quan THADS thực hiện việc cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất (Ảnh minh họa)
Thứ ba, Theo quy định tại khoản 2 Điều 110 Luật THADS năm 2014, thì: “Người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì vẫn được kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó”. Như vậy, Theo quy định này, người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận thì CHV vẫn tiến hành cưỡng chế KBQSDĐ được. Việc quy định như trên là rất khó khăn trong quá trình áp dụng trong thực tiễn, vì căn cứ nào để xác định thuộc trường hợp được cấp, quá trình xác minh nguồn gốc đất không có cơ quan quan nào khẳng định đất đang xác minh là trường hợp được cấp giấy chứng nhậnquyền sử dụng đất, vì thủ tục cấp giấy chứng nhận phải do người có đất làm đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận và phải kê khai rõ ràng về nguồn gốc đất, trước khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì phải thông qua cuộc họp Hội đồng nhà đất của UBND cấp xã (phường) nơi có đất… Do vậy, việc quy định như tại khoản 2 Điều 110 Luật THADS không tương thích với Điều 188 Luật Đất đai năm 2013(điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì đất đó phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), nên trên thực tế CHV các cơ quan THADS áp dụng không có tính khả thi, tìm ẩn rủi ro cho CHV là điều không tránh khỏi.
Để công tác KBQSDĐ của người phải thi hành án đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu công tác THADS trong điều kiện tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì trong thời gian đến thiết nghĩ các cấp có thẩm quyền cần xem xét sớm ban hành văn bản hướng dẫn mang tính đồng bộ và dễ áp dụng./.
ThS. Nguyễn Trọng Tài
   Chi cục THADS thành phố Quy Nhơn  
                                                                     

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: