Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự
Đoàn công tác của HĐND tỉnh do Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo làm trưởng đoàn và Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh Tạ Quang Trường làm phó đoàn vừa có đợt đi giám sát công tác thi hành án dân sự (THADS) năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 tại 4 Chi cục THADS cấp huyện: Định Quán, Long Khánh, Long Thành, Biên Hòa và Cục THADS tỉnh.
Mục đích của đợt đi giám sát nhằm đánh giá toàn diện kết quả THADS trên địa bàn tỉnh; ghi nhận kết quả đạt được ,đồng thời cũng chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế để Cục THADS tỉnh (Cục) và các Chi cục THADS cấp huyện (Chi cục) cần quan tâm nhiều hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS trong thời gian tới.
Tích cực trong công việc
Theo báo cáo, Đồng Nai là một trong những địa phương có số vụ việc thụ lý hàng năm cao (bình quân đứng thứ 5 trên toàn quốc cả về tiền và việc), được Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp xác định đây là địa bàn trọng điểm trong công tác tổ chức THADS trên toàn quốc. Trong đó có nhiều vụ án lớn, phức tạp với nhiều loại tài sản phải xử lý, nhiều vụ án được dư luận, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, hệ thống THADS toàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện. Đồng thời bằng sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể công chức, người lao động, nhất là đội ngũ Chấp hành viên, Thẩm tra viên, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, công tác THADS của cả tỉnh đã đạt một số kết quả nhất định, góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, năm 2021, tổng số lượng phải thi hành trên 27 ngàn việc (số có điều kiện thi hành hơn 20 ngàn việc); đã thi hành xong trên 15 ngàn việc và đạt tỷ lệ 73,33 %. Tổng số tiền phải thi hành trên 5.500 tỷ đồng (số có điều kiện thi hành hơn 1.800 tỷ đồng); đã thi hành xong trên 882 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 49, 01 % số tiền có điều kiện thi hành và vượt chỉ tiêu được giao.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng số phải thi hành trên 19 ngàn việc (số có điều kiện thi hành hơn 12 ngàn việc); đã thi hành xong trên 6.100 việc và đạt tỷ lệ 68 %. Tổng số tiền phải thi hành trên 5.000 tỷ đồng (số có điều kiện thi hành hơn 1.400 tỷ đồng); đã thi hành xong trên 455 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 42% à vượt chỉ tiêu được giao năm 2022.
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Tạ Quang Trường, Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, mặc dù tình hình dịch bệnh trong thời gian qua diễn biến biến phức tạp nhưng công tác THADS trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của các cấp. Cục và các Chi cục cũng đã quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo, tập trung thực hiện rà soát phân loại án và tổ chức thi hành án đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, công tác THADS đã có những chuyển biến tích cực, góp phần giữ gìn an ninh trật trên địa bàn tỉnh.
Để công tác THADS ngày càng tốt hơn
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì công tác THADS trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một trong những vấn đề mà các thành viên trong đoàn quan tâm và có nhiều đóng góp ý kiến là số vụ việc tồn đọng kéo dài trên 3 năm còn nhiều. Hiện toàn hệ thống THADS tỉnh còn trên 6.100 việc chuyển kỳ sau với số tiền hơn 992 tỷ đồng.
Đại diện Cục và các Chi cục giải thích, nguyên nhân của vụ việc chuyển kỳ sau do có nhiều án cấp dưỡng, án góp phí tổn nuôi con, án thỏa thuận trả dần hàng tháng nên sẽ có các vụ việc thi hành án kéo dài. Người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án hoặc luôn tìm cách kéo dài, trì hoãn việc thi hành án thông qua khiếu nại tố cáo, khởi kiện tranh chấp tài sản…
Bên cạnh đó, công tác THADS còn gặp những khó khăn, vướng mắc, như: số lượng án chưa điều kiện còn nhiều, việc giải quyết dứt điểm loại án này rất khó khăn; số lượng án hình sự mới thụ lý với nhiều vụ việc phức tạp, giá trị tài sản phải thi hành ngày càng lớn; một số vụ việc bản án, quyết định của tòa án tuyên khó thi hành hoặc không thi hành được; công tác phối hợp xử lý tài sản thế chấp để thi hành án của một số ngân hàng chưa kịp thời; một số bất cập chồng chèo xung đột giữa Luật THADS và Luật Đất đai...
Tại các buổi giám sát, các thành viên đoàn đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong công tác THADS, đồng thời đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị để Cục và các Chi cục quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới. Trong đó, quan tâm xử lý án tồn đọng, nếu không xử lý kịp thời thì án tồn càng nhiều và khiến công việc càng khó khăn hơn; có giải pháp xử lý kiên quyết hơn đối với những án có điều kiện thi hành nhưng lại không chấp hành thi hành án; cần quan tâm đến việc bảo quản hồ sơ vụ án, tang vật chứng theo đúng quy định; coi trọng công tác xác minh vụ việc công tâm, khách quan, chặt chẽ; tiếp tục tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư cho đảm bảo, hiệu quả…
Phát biểu kết luận đợt đi giám sát, Chủ tịch HDND tỉnh Thái Bảo chia sẻ, Đồng Nai có đông dân cư, số lượng án dân sự phải thi hành án rất lớn, trong điều kiện đội ngũ cán bộ của toàn hệ thống THADS tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng đã có nhiều nỗ lực trong công việc, góp phần đảm bảo an ninh trật tư trên địa bàn. Đoàn ghi nhận những kết quả đạt được của Cục và các Chi cục trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác THADS vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thử thách. Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Cục và các Chi cục phải có những chương trình, kế hoạch cụ thể để giải quyết sớm những vấn đề còn hạn chế, thiếu sót mà các thành viên trong đoàn đã chỉ ra, nâng dần chất lượng hiệu quả công tác THADS trên địa bàn tỉnh.
Còn nhiệm vụ của đoàn là sau đợt đi giám sát sẽ hoàn thiện dự thảo, ban hành kết luận chính thức và báo cáo với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để có sự chỉ đạo trong thời gian tới, nhằm giúp việc THADS trên địa bàn ngày càng tốt hơn.
Giải pháp thực hiện trong thời gian tới
Hệ thống THADS tỉnh hiện đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, tăng cường công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; phối hợp thi hành hiệu quả các vụ việc THADS trọng điểm, các vụ việc liên quan đến thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng, ngân hàng; rà soát, xác minh phân loại chính xác các loại án còn tồn trên 3 năm để có biện pháp xử lý dứt điểm...