Trước tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, trong bối cảnh hiện nay thì tốc độ phục hồi kinh tế chậm, thị trường bất động sản trầm lắng, lãi suất cho vay của các ngân hàng tăng cao là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng tăng lên. Để giải quyết nợ xấu này, không chỉ riêng ngành ngân hàng mà cần phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong bối cảnh đó, hoạt động của các cơ quan THADS có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Việc phải tổ chức thi hành án để thu hồi số tiền có giá trị rất lớn cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng tạo ra áp lực lớn cho các cơ quan THADS nói chung và các Chấp hành viên nói riêng.
1. Thực trạng thi hành án tín dụng ngân hàng.
Trong những năm qua, hệ thống các quy định pháp luật về THADS và pháp luật có liên quan ngày càng được quan tâm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, góp phần giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Tuy nhiên trước thực trạng lượng án tín dụng ngân hàng ngày càng tăng nhanh, nhất là về giá trị. Mặc dù với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Lãnh đạo Chi cục và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ công chức, thực hiện đầy đủ, đúng quy định các chỉ đạo của cấp trên, kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; đơn vị đã chủ động đề ra các giải pháp để đẩy nhanh việc tổ chức thi hành như: Tham mưu Ban chỉ đạo THADS chỉ đạo công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan, yêu cầu báo cáo tiến độ từng vụ việc để nắm bắt, kịp thời chỉ đạo nhưng các vụ việc thi hành án tín dụng ngân hàng chỉ đạt được ở mức độ nhất định. Đối với số việc phải thi hành án tín dụng ngân hàng là 341 việc (sau khi chuyển sổ theo dõi 143 việc) còn phải thi hành án 198 việc (chiếm 2,57% về việc so với tổng việc thi hành án) , tương ứng với số tiền là 584 tỷ, 847 triệu, 122 nghìn đồng (chiếm 38,08% về tiền so với tổng số tiền phải thi hành). Kết quả: trong số việc loại này, đã thi hành xong 25 việc, tương ứng với số tiền là 56 tỷ, 851 triệu, 806 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 29,07% về việc và 24,80% về tiền.
Từ số liệu trên cho thấy: Việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng là có tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ thi hành án. Đây là thuận lợi đối với cơ quan THADS do công tác xác minh thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm tài sản. Tuy nhiên, thực tế việc thi hành án các vụ việc loại này cũng gặp khó khăn do nhiều trường hợp tài sản nằm ở nhiều nơi; chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật khác nhau, từ pháp luật về thi hành án, pháp luật về dân sự, pháp luật về đất đai, pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật về doanh nghiệp. Do đó, trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên, cơ quan THADS cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
Thứ nhất: Khó khăn, vướng mắc về thể chế do quy định của pháp luật còn chung chung, chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn vụ thể việc áp dung, cụ thể tại điểm d khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án quy định: “Tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này…”. Căn cứ quy định trên, trong thực tiễn thi hành án, để gây khó khăn, kéo dài thời gian thi hành án, người phải thi hành án thường tạo ra những việc tranh chấp không có thật đối với tài sản thế chấp, sau khi Tòa án có thông báo thụ lý vụ án, Cơ quan thi hành án phải hoãn thi hành án để chờ kết quả giải quyết tranh chấp của Tòa án.
Tài sản thế chấp có diện tích thực tế không đúng với giấy chứng nhận, phần diện tích còn thiếu hiện trạng đang do người khác quản lý sử dụng hoặc tài sản thế chấp đã có giấy chứng nhận nhưng khi đưa ra xử lý thì bị tranh chấp khởi kiện dẫn đến hồ sơ thi hành án phải bị hoãn (có trường hợp đã hoãn 6 năm mà Tòa án vẫn chưa xử xong). Khi này hiện trạng tài sản cũng đã có phần thay đổi, giá trị cũng không còn như lúc kê biên. Trường hợp đưa ra xử lý tiếp sẽ phải làm lại từ đầu rất nhiều thủ tục, gây mất thời gian, công sức và tiền của.
Khó khăn trên cũng xuất phát từ việc pháp luật THADS chưa có quy định cụ thể về việc hoãn thi hành án hoặc tiếp tục xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp này.
Thứ hai: Đối với những án tín dụng ngân hàng vay bằng tín chấp không có tài sản thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán nợ, quá trình tổ chức thi hành án không đạt được hiệu quả cao, không thể xử lý xong việc thi hành án do người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án, dẫn đến án tồn đọng kéo dài nhiều năm. Một số trường hợp mà tài sản thế chấp là động sản thì đa số không thể thu hồi được tài sản để xử lý, tuy nhiên hiện nay những chế tài có thể áp dụng để xử lý người phải thi hành án không chấp hành thông báo giao tài sản thế chấp để giải quyết rất ít và rất khó thực hiện. có những trường hợp tồn rất lâu vẫn chưa có hướng giải quyết (vì người phải thi hành án đã bỏ địa phương, đi đâu không nắm được).
Thứ ba: Một số án tín dụng ngân hàng, tài sản thế chấp bảo đảm thi hành án là quyền sử dụng đất nông nghiệp, quá trình cho vay, đất còn thời hạn sử dụng, nhưng đến giai đoạn thi hành án quyền sử dụng đất đã hết hạn sử dụng nên rất khó khăn trong việc kê biên, xử lý bán đấu giá thi hành án. Vì theo quy định tại Điều 188 Luật đất đai quy định: Quyền sử dụng đất còn thời hạn sử dụng thì chủ sử dụng đất mới được quyền chuyển nhượng. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có Công chứng, chứng thực nên khi quyền sử dụng đất hết thời hạn sử dụng thì Công chứng viên không công chứng hợp đồng chuyển nhượng. Mặc dù hiện nay, Tổng cục THADS đã có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ nhưng do cách hiểu và áp dụng pháp luật không thống nhất giữa các cơ quan nên Cơ quan có thẩm quyền đăng ký đất đai sẽ không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá tài sản.
Một số trường hợp bản án, quyết định của Tòa án không tuyên cụ thể nghĩa vụ đảm bảo của tài sản thế chấp của bên thứ ba trong Hợp đồng tín dụng; không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng và chậm giải thích bản án, quyết định đã tuyên; không phân định rõ được phần quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung, không xác minh kiểm tra thực tế tài sản mà xét xử căn cứ hợp đồng thế chấp tài sản dẫn đến khó khăn trong quá trình thi hành án.
Thứ tư. Về việc lập hồ sơ cho vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng
Việc thẩm định giá trị tài sản thế chấp ban đầu của tổ chức tín dụng chưa đúng thực tế (diện tích chênh lệch, tài sản thấp hơn so với nghĩa vụ bảo đảm), khi cho vay không kiểm tra hiện trạng tài sản, chỉ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có tài sản. Điều này gây khó khăn cho cơ quan THADS trong việc xử lý tài sản (đo vẽ, xác định vị trí, tài sản bảo đảm giảm giá nhiều lần không có người mua,...); kéo dài thời gian tổ chức thi hành vụ việc như: Chấp hành viên phải cho đương sự thỏa thuận việc xử lý diện tích thực tế hoặc diện tích không bị chồng lấn, mới tiến hành kê biên, xử lý tài sản hoặc yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích hoặc đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại nội dung bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm ...
Thứ 5. Tài sản thế chấp là QSD đất và tài sản gắn liền với đất, tuy nhiên hiện trạng tài sản không đúng với hiện trạng được cấp trong giấy chứng nhận, tài sản được xây dựng trên 2 thửa đất khác nhau mà không thể chia tách được dẫn đến thi hành án không thể kê biên xử lý được. Tài sản thế chấp không có lối đi, vấn đề này có thể giải quyết được tuy nhiên rất mất thời gian và giá trị tài sản sẽ giảm đáng kể, gây thiệt hại cho Ngân hàng rất lớn, đồng thời cũng sẽ phát sinh rất nhiều tranh chấp, khiếu kiện giữa chủ tài sản và chủ của lối đi nhờ.
Thứ 6. Tài sản thế chấp là cổ phần, cổ phiếu, quyền thuê sạp, kiot chợ … đối với các loại tài sản này cần được hướng dẫn chi tiết qui trình xử lý, trong đó khó nhất là định giá và xác định ai là người có thể đăng ký mua đấu giá, sau khi trúng đấu giá thì thủ tục chuyển tên như thế nào.
Thứ 7. Tài sản thế chấp là nhà ở và những người đang ở trên đó không phải là chủ tài sản (Đây là trường hợp rất phổ biến – đa số bản chất vấn đề là những người đang ở trong căn nhà đó chính là chủ trước nhưng vay mượn bên ngoài bằng hình thức hợp đồng chuyển nhượng và người nhận cầm cố đã sang tên và thế chấp cho ngân hàng). Dẫn đến khi xử lý thì bị phản ứng rất gay gắt. trường hợp này lỗi chủ yếu nhất thuộc về cán bộ tín dụng khi cho vay đã không đi thẩm định thực tế. Đa số khi xử lý các trường hợp này thì phát sinh rất nhiều khiếu nại, tố cáo.
2. Một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân
Kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng năm 2023 của Chi cục THADSTP Biên Hoà tuy có chuyển biến nhưng kết quả thi hành xong chưa đạt chỉ tiêu nhiệm vụ theo yêu cầu, số việc và tiền có điều kiện thi hành án chuyển kỳ sau còn nhiều.
Nhiều vụ việc Chấp hành viên đã tiến hành kê biên, thẩm định giá, tuy nhiên bị khiếu nại tố cáo nên bị kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.
Trước thực trạng công tác thi hành án có nhiều vi phạm, có những vi phạm phải kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự dẫn đến tâm lý một số Chấp hành viên khi xử lý tài sản còn lúng túng vận dụng pháp luật hoặc pháp luật chưa điều chỉnh sợ sai, sợ phải bồi thường, trách nhiệm hình sự, nên phải kéo dài thời gian để xin ý kiến xử lý vụ việc nên chậm thi hành án.
Thị trường bất động sản có nhiều biến động, trầm lắng dẫn đến việc thu hút khách hàng mua tài sản là bất động sản có chiều hướng giảm mạnh, nhất là tâm lý e ngại mua tài sản thi hành án vì thủ tục quá nhiều, việc nhận tài sản phức tạp, kéo dài thời gian (nếu có khiếu nại, tố cáo).
Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người phải thi hành án chưa cao, chây ỳ, chống đối, cản trở việc thi hành án; thậm chí có trường hợp còn lợi dụng vấn đề tôn giáo để cản trở, chống đối việc thi hành án. Phần lớn người phải thi hành án trong các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng đã mất khả năng thanh toán các khoản tiền vay, họ đang đứng trước nguy cơ bị xử lý tài sản, cố tình dây dưa kéo dài, chống đối việc thi hành án bằng nhiều cách khác nhau, như: Thay đổi hiện trạng tài sản thế chấp; cản trở việc xác minh điều kiện thi hành án, định giá tài sản, bán đấu giá tài sản để thi hành án; đưa tài sản (ôtô, máy xúc...) khỏi địa phương, không thể truy tìm được để xử lý.
Một số trường hợp tài sản thế chấp là nhà ở duy nhất, có nhiều nhân khẩu cùng sống chung, trong đó có người già, trẻ nhỏ, dẫn đến việc cưỡng chế giao tài sản gặp rất nhiều khó khăn. Có trường hợp đồng thế chấp của người thứ ba không chặt chẽ khi ký kết, thế chấp diện tích quyền sử dụng đất, nhà, tài sản trên đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không theo hiện trạng thực tế, khi tòa án giải quyết (đặc biệt là trong các vụ tòa án công nhận thỏa thuận của các đương sự) cũng không xem xét thực tế hiện trạng tài sản khác biệt rất nhiều so với thông tin trong giấy chứng nhận, gây khó khăn cho công tác kê biên, xử lý tài sản. Có trường hợp người phải thi hành án tự nguyện bàn giao tài sản cho Cơ quan thi hành án xử lý bán, nhưng khi đấu giá thành, tổ chức giao tài sản cho người trúng đấu giá thì diện tích ghi trong giấy chứng nhận đã cấp có sự sai lệch so với thực trạng sử dụng đất, dẫn đến không thể giao ngay được tài sản cho người trúng đấu giá.
Một số Ngân hàng cho vay tín chấp không có tài sản bảo đảm ngày càng tăng, việc xác minh điều kiện thi hành án gặp nhiều khó khăn. Mốt số cán bộ tín dụng ngân hàng khi thực hiện tham mưu cho vay, thẩm định giá tài sản quá cao, đến khi xử lý tài sản không đủ để thi hành án, điều này cũng tăng tỷ lệ án tồn tại cơu quan thi hành án.
Đặc tính của các tài sản bảo đảm cũng gây khó khăn cho cơ quan THADS trong việc giải quyết như tranh chấp, tài sản không kê biên được, tài sản bán nhiều lần không có người mua; nghĩa vụ bảo đảm lớn nhưng tài sản bảo đảm có giá trị tài sản thực tế thấp; bản án tuyên không rõ khó thi hành.
Việc Ngân hàng không chủ động phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc miễn giảm lãi suất nhằm động viên thuyết phục chủ tài sản hợp tác giải quyết cũng phần nào gây ra khó khăn cho công tác thi hành án vì đôi khi phần lãi suất bằng hoặc hơn cả tiền gốc phải trả, nếu có sự phối hợp thì sẽ dễ hơn trong việc vận động, thuyết phục.
Quy định của pháp luật có liên quan vẫn còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn với pháp luật chuyên ngành và không còn phù hợp với thực tiễn.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án tín dụng, ngân hàng.
Để nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự nói chung và THADS liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng, khắc phục khó khăn, vướng mắc nêu trên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, cần tập trung một số giải pháp như sau:
Kiến nghị Cục THADS có kiến nghị Tổng cục THADS tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc tổ chức thi hành án tín dụng ngân hàng đạt hiệu quả.
Tiếp tục chỉ đạo Chấp hành viên, bám sát hồ sơ, xây dựng kế hoạch chi tiết để giải quyết các vụ việc, nhất là các vụ việc còn tồn đọng, kéo dài. Mặt khác, chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, ban, ngành có liên quan tại địa phương, báo cáo Ban chỉ đạo THADS để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải quyết dứt điểm các vụ việc. Tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm tra chỉ đạo quyết liệt giải quyết án TDNH. Chủ động rà soát, kiểm tra để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, khắc phục ngay các sai sót, vi phạm (nếu có), hạn chế việc khiếu nại, tố cáo kéo dài ảnh hưởng đến kết quả thi hành án, xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án
Đối với các Chấp hành viên: Để từng hồ sơ thi hành án tín dụng, ngân hàng giải quyết triệt để chặt chẽ, Chấp hành viên cần phải nghiên cứu hồ sơ, các quy định pháp luật; xây dựng Kế hoạch chi tiết từ khâu xác minh điều kiện thi hành án, đến việc lựa chọn và ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá, bán đấu giá tài sản,…Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức tín dụng trong việc kê biên, xử lý tài sản bảo đảm đảm bảo hiệu quả. Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án để lãnh đạo đơn vị biết và chỉ đạo giải quyết.
Đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng: Phát huy vai trò trách nhiệm trong việc phối hợp với các cơ quan THADS trong việc xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; hỗ trợ cơ quan THADS trong việc tiếp nhận trông coi, bảo quản tài sản sau khi kê biên, tìm và giới thiệu khách hàng mua tài sản để đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá; chủ động phối hợp cùng cơ quan THADS và Chấp hành viên tìm biện pháp giải quyết cụ thể đối với từng hồ sơ thi hành án. Đối với những trường hợp đương sự đã thi hành được phần lớn nghĩa vụ thi hành án theo án tuyên, cần có chính sách miễn, giảm một phần lãi suất để có hướng giải quyết xong vụ việc.
Trước những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động THADS liên quan đến án tín dụng, ngân hàng, Chi cục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại tiếp tục quan tâm hơn, kịp thời chỉ đạo các nội dung còn vướng mắc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc (về cơ chế, về quy định pháp luật…), đa dạng hóa các phương pháp phối hợp để nâng cao hiệu quả của công tác THADS liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.
Tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban chỉ đạo THADS thành phố, tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành trong công tác THADS; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban Chỉ đạo THADS trong việc chỉ đạo phối hợp...
Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Biên Hoà