Triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp thi hành án dân sự
Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ: Năm nay, Chính phủ tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự và nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với công tác.
Trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2021, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, năm qua Bộ Tư pháp ban hành hai thông tư, hai đề án; Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp ban hành một Nghị quyết để lãnh đạo công tác thi hành án dân sự.
Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp một số ban, bộ, ngành trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế để triển khai thực hiện trong toàn hệ thống chính trị.
Thi hành án giảm về việc và tiền
Báo cáo cũng đề cập, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương trên toàn quốc, diễn biến phức tạp, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành. Ngành tư pháp tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị trực tuyến, tăng cường lưu hành văn bản trên môi trường mạng (trục liên thông văn bản quốc gia), chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện phương án làm việc linh hoạt, cố gắng hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp cung cấp thông tin, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, kết quả chung về thi hành án giảm 5,59% về việc và 8,89% về tiền so với năm trước. Theo đó, từ tháng 6/2021, dịch bùng phát tập trung ở 23 tỉnh, thành như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và các tỉnh phía nam - đều là những địa bàn trọng điểm có nhiều vụ việc thi hành án.
Tổng số phải thi hành của 23 tỉnh/thành này lên tới gần 500.000 việc, chiếm hơn 61% tổng số việc của toàn quốc; số tiền, tài sản phải thu hơn 224.000 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng số tiền phải thu của toàn quốc. Khi thực hiện cách ly, phong tỏa theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và của địa phương, hoạt động thi hành án bị gián đoạn, nhiều việc thi hành án tài sản có giá trị lớn phải tạm dừng.
Vấn đề nữa là một số nhóm vụ việc, nhất là vụ việc liên quan án kinh tế, tham nhũng, mặc dù số vụ việc ít (chỉ chiếm 0,49% tổng số việc phải thi hành của toàn quốc) nhưng số tiền phải thu thì rất lớn - chiếm gần 25% tổng số tiền phải thi hành cả nước, và tập trung vào một số địa bàn trọng điểm như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... lượng tiền phải thu rất lớn, nhưng tài sản bảo đảm để thu hầu như không có.
Có vụ việc, số tiền phải thu lên đến hơn 15 nghìn tỷ đồng, nhưng tổng tài sản dự kiến có thể thu, chỉ khoảng 500 tỷ đồng; tài sản không rõ nguồn gốc hoặc liên quan nhiều người, phải khởi kiện để phân chia tài sản chung. Chỉ dừng một vụ việc sẽ ảnh hưởng kết quả chung của toàn ngành, làm kéo tỷ lệ chung xuống rất nhiều.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp đề cập một số vướng mắc về thể chế, trong đó có cơ chế ủy thác thi hành án. Hiện nay trong nhiều vụ việc, mặc dù tài sản đã được bản án tuyên kê biên, có thể xử lý đồng thời nhưng do nằm ở nhiều địa phương khác nhau nên phải xử lý xong tài sản ở nơi đang tổ chức thi hành rồi mới có thể ủy thác đến nơi có tài sản khác, làm thời gian thi hành án kéo dài.
Kết quả thi hành án dân sự về việc: tổng số việc phải thi hành là 843.917 việc; trong đó, số việc có điều kiện thi hành là 652.177; đã thi hành xong là 494.505 việc, đạt 75,82%.
Về tiền, tổng số phải thi hành hơn 289.190 tỷ đồng; số có điều kiện thi hành hơn 148.456 tỷ đồng; đã thi hành xong trên 46.328 tỷ đồng, đạt 31,21%. Về kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng, đã thi hành xong 4.503 việc, thu hơn 18.246 tỷ đồng. Về kết quả thi hành án kinh tế - tham nhũng, đã thi hành xong 2.697 việc, thu được hơn 4.094 tỷ đồng.
Kiểm sát ngay từ khi thụ lý thi hành án
Chính phủ đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục quan tâm, tăng cường giám sát theo thẩm quyền đối với công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, Thừa phát lại, thi hành án hình sự.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào Luật Thi hành án dân sự quy định mới về trường hợp ủy thác xử lý tài sản trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau để tạo điều kiện rút ngắn thời gian và xử lý có hiệu quả tài sản thi hành án, đặc biệt trong trường hợp thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Chính phủ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường kiểm sát ngay từ giai đoạn thụ lý thi hành án, nhất là công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; yêu cầu cơ quan chức năng kiên quyết lập hồ sơ xử lý nghiêm các đối tượng trốn tránh, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp tiếp tục phối hợp có hiệu quả với cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan; kịp thời giải quyết các yêu cầu đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định. Tập trung chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra đối với công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động thi hành án dân sự trên ba trục cơ bản là tham nhũng, tiêu cực và sai phạm.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đề nghị cơ quan thi hành án dân sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả với các bộ, ban, ngành ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thi hành án dân sự; chủ động báo cáo Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp những bản án khó khăn, vướng mắc, dư luận đặc biệt quan tâm để có phương án chỉ đạo tháo gỡ và giải quyết, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
Chính phủ sẽ tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết đại hội XIII; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025 vào lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thi hành án dân sự. (Theo Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV) |
Nguồn: nhandan.vn