Sign In

Những khó khăn vướng mắc trong việc xử lý tài sản của người phải thi hành án thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng?

15/08/2024

Những khó khăn vướng mắc trong việc xử lý tài sản của người phải thi hành án thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng?
Việc kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác để thi hành án được quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi tắt là Luật THADS).
Đối với tài sản chung của người phải thi hành án với người khác mà xác định được theo phần thì được xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật THADS.
Đối với tài sản chung của người phải thi hành án với người khác mà chưa xác định được theo phần quyền sở hữu, sử dụng thì được xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS, cụ thể:
Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật THADS hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án”.
Theo nội dung quy định của khoản 1 Điều 74 trên, trước khi kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác để thi hành án thì trước hết phải xác định được phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung với người khác. Như vậy, trừ trường hợp các đồng sở hữu thoả thuận phân chia tài sản chung thì còn lại các trường hợp khác đều phải khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định, mà không phân biệt các loại sở hữu chung theo quy định của Bộ luật dân sự.
Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, thì tài sản chung bao gồm: Sở hữu chung cộng đồng, Sở hữu chung của các thành viên gia đình, Sở hữu chung vợ chồng, Sở hữu chung trong nhà chung cư, Sở hữu chung hỗn hợp và Bộ luật này cũng qui định việc quản lý, định đoạt, phân chia và chấm dứt sở hữu chung.
Tuy nhiên, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ về Qui định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật THADS đã hướng dẫn xử lý tài sản chung của vợ chồng và của hộ gia đình như sau:
“Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết.
Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Chấp hành viên thông báo kết quả xác định phần sở hữu, sử dụng cho các thành viên trong hộ gia đình biết.
Trường hợp vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình không đồng ý với việc xác định của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản và trả lại cho vợ hoặc chồng hoặc các thành viên hộ gia đình giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của họ”. 
Theo hướng dẫn trên thì Chấp hành viên có quyền quyết định việc phân chia tài sản chung của vợ chồng và xác định phần sở hữu của vợ chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Trường hợp vợ chồng không đồng ý việc xác định của Chấp hành viên mà cũng không khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia thì quyết định phân chia của Chấp hành viên có hiệu lực.
Những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện hướng dẫn trên là:
1. Với nội dung hướng dẫn của điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ đã vi phạm nguyên tắc Hiến định là: Văn bản hướng dẫn cấp dưới không được trái với nội dung của văn bản cấp trên.
Thứ nhất, nội dung hướng dẫn của Nghị định trái với nội dung quy định của Luật THADS, cụ thể: Theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS qui định về xử lý tài sản chung thì ngoài trường hợp đồng sở hữu thoả thuận được phần sở hữu, còn lại các trường hợp khác đều phải khởi kiện ra Tòa án để phân chia, mà không phân biệt tài sản chung với ai. Sau khi có kết quả giải quyết của Tòa án, Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án. Hướng dẫn của Nghị định cho phép Chấp hành viên tự xác định phân chia tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp một bên là người phải thi hành án.
Thứ hai, nội dung hướng dẫn của Nghị định trái với nội dung quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, cụ thể:
Điều 213 BLDS năm 2015 quy định về chế độ sở hữu chung vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Tài sản chung của vợ chồng chỉ có thể phân chia theo thoả thuận của vợ chồng hoặc theo quyết định của Toà án (khoản 4 Điều 213). Không có trường hợp tài sản chung của vợ chồng có thể bị phân chia bởi Chấp hành viên.
2. Với nội dung hướng dẫn của điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62 thì Chấp hành viên cũng không thể thực hiện được vì Chấp hành viên phải xác định được phần sở hữu của vợ chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tài sản chung của vợ chồng được phân chia, xác định theo nguyên tắc quy định tại Điều 59 như sau:
“1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này”
Theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06 tháng 01 năm 2016 đã hướng dẫn giải quyết tài sản chung của vợ chồng như sau:
“ 1. Vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định, tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý như sau:
a) Trường hợp không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng hoặc văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn;
b) Trường hợp có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và văn bản này không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng các nội dung của văn bản thỏa thuận để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Đối với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu thì áp dụng các quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 59 và các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật hôn nhân và gia đình để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
Như vậy, Chấp hành viên muốn xác định được phần sở hữu của vợ hoặc chồng trong khối tài sản chung phải thực hiện việc xác định theo các quy định, hướng dẫn trên của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Nếu Chấp hành viên chỉ xác định chia đôi là vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình vì khi xác định chia đôi mà không tính đến các yếu tố khác do luật quy định. Mà muốn xác định theo cả các yếu tố khác thì phải xác minh, giải quyết như một vụ án thì mới xác định được. Nên kết quả xác định của Chấp hành viên là chia đôi sản chung của vợ chồng làm căn cứ kê biên, xử lý, bán đấu giá nếu bị khiếu nại, khởi kiện xác định lại thì có thể bị huỷ toàn bộ, Chấp hành viên có thể phải bồi thường cho bên đồng sở hữu bị thiệt hại.
Hiện nay, để an toàn thì nhiều Chấp hành viên lựa chọn phương án yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung của vợ chồng theo thủ tục tố tụng dân sự và pháp luật về hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, nhiều Toà án đã căn cứ vào quy định hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ để trả hồ sơ cho Cơ quan Thi hành án dân sự. Tòa án cho rằng Chấp hành viên phải căn cứ vào điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ để xác định phần sở hữu và xử lý theo qui định nên Chấp hành viên không có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu.
Để giải quyết những “vướng mắc” như nêu ở trên, còn có ý kiến khác nhau, chưa thống nhất.
- Có ý kiến cho rằng để bảo vệ quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu theo Bộ luật dân sự và pháp luật về hôn nhân và gia đình thì Chấp hành viên phải áp dụng khoản 1 Điều 74 luật THADS để khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia phần sở hữu của các đồng sở hữu. Sau đó, căn cứ vào quyết định của Tòa án để xử lý phần tài sản của người phải thi hành án để thi hành án là đúng pháp luật. Tuy nhiên, Toà án có thể không thụ lý hoặc có thụ lý nhưng Chấp hành viên khó có thể cung cấp đầy đủ chứng cứ, căn cứ cho Toà án (nghĩa vụ cung cấp chứng cứ) để Toà án có thể phân chia, xác định phần của người phải thi hành án trong khối tài sản chung.
- Có ý kiến khác cho rằng điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ đã hướng dẫn thi hành cụ thể trong trường hợp tài sản chung của vợ chồng (đã là vợ chồng thì cộng đồng trách nhiệm chung, không tính toán lợi ích). Chấp hành viên có quyền phân chia phần cho vợ, chồng hoặc các thành viên trong hộ gia đình và thông báo cho họ biết theo qui định. Nếu họ không đồng ý với việc phân chia của Chấp hành viên, nhưng quá thời hạn qui định họ không khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia, Chấp hành viên vẫn tiến hành cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản để thi hành án là đúng qui định, không cần khởi kiện kéo dài thời gian thi hành án. Nếu họ khiếu nại, tố cáo thì giải quyết việc khiếu nại, tố cáo theo pháp luật qui định. Tuy nhiên có thể xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của đồng sở hữu theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Quan điểm của người viết:
Trường hợp, áp dụng điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/2015 thì khó xác định được phần quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; đồng thời còn vi phạm các nguyên tắc hiến định, có thể xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của đồng sở hữu là một bên vợ hoặc chồng của người phải thi hành án.
Theo Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nếu có xung đột pháp luật thì “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”.
Theo tinh thần này thì khoản 1 Điều 74 Luật THADS có hiệu lực pháp lý cao hơn hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/NĐ-CP năm 2015.
Tại Thông báo số 256/TB-BTP ngầy 28/01/2021 của Bộ Tư pháp về thông báo kết quả cuộc họp liên ngành Trung ương giữa Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết một số vướng mắc trong thi hành án dân sự thì 03 ngành Trung ương đã thống nhất: Về nguyên tắc phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật THADS.
Do vậy, trong khi chờ có hướng dẫn giải quyết khó khăn nêu trên thì Chấp hành viên nên áp dụng khoản 1 Điều 74 Luật THADS xử lý tài sản của người phải thi hành án để thi hành án là có căn cứ, đúng tinh thần chung của pháp luật, đảm bảo tính hiệu lực, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nói chung. Chấp hành viên và Cơ quan Thi hành án cần phối hợp tốt với Toà án để giải quyết vụ việc; đồng thời cần đề xuất sửa đổi, huỷ bỏ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định số 62/NĐ-CP năm 2015 theo đúng tinh thần của Luật THADS, Bộ luật dân sự và pháp luật về hôn nhân và gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của bên vợ hoặc chồng của người phải thi hành án theo các quy định của pháp luật./.
                      Người viết: Nguyễn Văn SửuCHVTC Chi cục THADS TP Chí Linh, HD
 

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: