Sign In

Bàn về một số nội dung trong Dự thảo Bộ Luật tố tụng hình sự (sửa đổi) liên quan đến công tác thi hành án dân sự

09/01/2015

Có thể nói, qua hơn 10 năm thi hành, Bộ Luật Tố tụng hình sự 2003 (BLTTHS) đã thực sự phát huy tác dụng. Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được thực hiện tốt; quyền con người, quyền công dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự ngày càng được đảm bảo.
Có thể nói, qua hơn 10 năm thi hành, Bộ Luật Tố tụng hình sự 2003 (BLTTHS) đã thực sự phát huy tác dụng. Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được thực hiện tốt; quyền con người, quyền công dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự ngày càng được đảm bảo.
Tuy nhiên đến nay do yêu cầu của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, một số quy định tại một số điều của Bộ luật không còn phù hợp với thực tiễn. Vì thế, việc sửa đổi, bổ sung BLTTHS là việc làm rất cần thiết nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp năm 2013; đảm bảo tính liên tục, hiệu lực, hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự. 
Dự thảo BLTTHS sửa đổi gồm 8 phần, 36 chương, 476 điều, trong đó có 286 điều sửa đổi, 142 điều bổ sung mới, giữ nguyên 48 điều và bỏ 12 điều. Trong đó có những nội dung lớn như: Về tăng quyền, tăng trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán; về mở rộng diện người tiến hành tố tụng đối với Trợ lý điều tra viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên; về quyền im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; về quyền của bị can đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra; về căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam; về trình tự xét hỏi; về thẩm quyền khởi tố của Tòa án; về giới hạn xét xử; về sự có mặt của Điều tra viên tại phiên tòa v.v… 
Đối với công tác thi hành án dân sự, từ khi Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực thi hành, đến nay, qua tổng kết thực tiễn áp dụng không gặp vướng mắc, mâu thuẫn, bất cập gì lớn so với nội dung của BLTTHS. Tuy vậy, vẫn có một số điều luật liên quan đến công tác thi hành án dân sự chưa được quy định rõ ràng, cụ thể. Nay, trong dự thảo đã được sửa đổi, bổ sung khắc phục phù hợp hơn, như:
1. Về Thu thập và bảo quản vật chứng:  
Trước đây tại điểm đ, khoản 2 Điều 85 BLTTHS 2003 quy định: “Đối với vật chứng đưa về cơ quan tiến hành tố tụng bảo quản thì cơ quan Công an có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành án có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án.”
Quy định như vậy là chưa rõ ràng, vì thực tế có hai hệ thống cơ quan: Cơ quan thi hành án hình sự và Cơ quan thi hành án dân sự. Nay trong dự thảo tại điểm đ khoản 2 Điều 85 đã quy định rõ hơn: “Đối với vật chứng đưa về cơ quan tiến hành tố tụng bảo quản thì cơ quan Công an có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành án dân sựcó trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án.”  
2. Về giao, gửi, thông báo, công khai bản án: 
BLTTHS năm 2003 tại Điều 229 quy định: “Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; gửi bản án cho người bị xử vắng mặt, cơ quan Công an cùng cấp; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo cư trú hoặc làm việc.”  
Nay tại khoản 1, Điều 258 dự thảo quy định: “Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, bị hại, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, người bào chữa; gửi bản án cho người bị xử vắng mặt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 282, Cơ quan thi hành án hình sự, Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong trường hợp bản án sơ thẩm có tuyên hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự, Trại tạm giam, trại giam nơi đang giam giữ bị cáo…”
Theo quy định này, đối tượng được giao bản án mở rộng hơn, trong đó có cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, điều này hoàn toàn phù hợp với Luật Thi hành án dân sự, đồng thời khắc phục việc BLTTHS 2003 không quy định Tòa án phải giao bản án cho cơ quan Thi hành án dân sự, gây khó khăn cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Thi hành án dân sự. 
3. Về Cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành bản án và quyết định của Toà án
BLTTHS năm 2003 tại khoản 6, Điều 257 quy định: “Cơ quan thi hành án dân sự thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự trong vụ án hình sự. Chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giúp chấp hành viên trong việc thi hành án. Nếu cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án thì cơ quan Công an và các cơ quan hữu quan khác có nhiệm vụ phối hợp”. 
Nay, tại khoản 6, Điều 358 dự thảo quy định: Cơ quan thi hành án dân sự thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản, quyết định dân sự và việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự. Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giúp chấp hành viên trong việc thi hành án. Nếu cần phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án thì Cơ quan thi hành án dân sự đề nghịcơ quan công an có thẩm quyền và các cơ quan hữu quan khác phối hợp trong thi hành án”.
Quy định như dự thảo là cụ thể và rõ ràng hơn, tránh những quy định chung chung như trong BLTTHS 2003.
Bên cạnh đó, trong dự thảo đã đưa thêm điều luật về “Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác hoặc kho bạc nhà nước”. Đây là một điều luật mới, đảm bảo cho việc tổ chức thi hành án được thuận lợi, phù hợp với pháp luật về thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong công tác thi hành án dân sự, trong dự thảo BLTTHS (sửa đổi), cần bổ sung một số nội dung sau:
1. Về Kê biên tài sản (Điều 107 dự thảo) và Phong tỏa tài khoản (Điều 108 dự thảo): Để đảm bảo cho việc thi hành án dân sự đối với các bị can, bị cáo phạm vào các tội liên quan đến bồi thường, hình phạt bổ sung… cần quy định chặt chẽ hơn, trách nhiệm hơn đối với những người có thẩm quyền ra lệnh kê biên tài sản, những người có thẩm quyền ra lệnh phong tỏa tài khoản, như vậy mới không để người phạm tội tẩu tán tài sản trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.  
2. Về nội dung Giao quyết định kháng nghị và hồ sơ vụ án bị kháng nghị: Tại khoản 1 Điều 376 dự thảo quy định: “Trong thời hạn hai ngày, kể từ ngày ra quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, quyết định phải gửi cho:
a) Tòa án đã ra bản án hoặc quyết định bị kháng nghị;
b) Tòa án sẽ xét xử giám đốc thẩm;
c) Người bị kết án và những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc kháng nghị.”
Để phù hợp với Điều 290 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 216 Luật Tố tụng hành chính, dự thảo cần bổ sung, sửa đổi điểm c khoản 1 Điều luật này thành: “Người bị kết án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và những người khác có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị.”
Tương tự như vậy, tại khoản 3 Điều 377 (Về Thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị) dự thảo quy định: “…Trong thời hạn hai ngày, kể từ ngày ra quyết định, quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm phải được gửi theo quy định tại khoản 1 Điều 376 của Bộ luật này ”.
Dự thảo cần sửa đổi, bổ sung đối tượng tại khoản 1 Điều 376 thành: “Người bị kết án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và những người khác có quyền lợi và nghĩa vụ  liên quan đến việc kháng nghị.” như góp ý trên.
Trên đây là một số ý kiến qua nghiên cứu BLTTHS với những nội dung liên quan đến công tác thi hành án dân sự./.
Hoàng Thu Lê

Các tin đã đưa ngày: