Sign In

Bàn về việc phân chia tài sản chung vợ chồng là cổ phần, phần vốn góp và doanh nghiệp tư nhân hoặc tài sản của doanh nghiệp tư nhân trong thi hành án dân sự.

11/03/2019

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự lớn mạnh của các công ty, các doanh nghiệp thì đi kèm với nó là sự tác động đến các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự mà buộc pháp luật phải có sự điều chỉnh. Vấn đề về xử lý tài sản chung vợ chồng là cổ phần, phần vốn góp và tài sản của doanh nghiệp tư nhân trong thi hành án dân sự hiện nay còn nhiều bỡ ngỡ. Tác giả của bài viết mong muốn đưa ra một số quan điểm về vấn đề xử lý tài sản chung vợ chồng là cổ phần, phần vốn góp và tài sản của doanh nghiệp tư nhân trong quá trình tổ chức thi hành án trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật để người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về việc phân chia tài sản chung vợ chồng trong thi hành án.
 
Thứ nhất, cần làm rõ khái niệm tài sản bởi vì bản chất của mỗi loại tài sản khác nhau thì pháp luật áp dụng cũng khác nhau. Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 thì: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.” Có thể thấy chủ sở hữu cổ phần hay phần vốn góp được hưởng lợi từ quyền nắm giữ cổ phần hay phần vốn góp đó, ví dụ như quyền biểu quyết, quyền hưởng cổ tức, quyền ưu tiên mua cổ phẩn... nên về bản chất cổ phần trong công ty cổ phần hay phần vốn góp trong công ty TNHH, công ty hợp danh chính là quyền tài sản (tài sản vô hình). 

          Khác với cổ phần hay phần vốn góp, doanh nghiệp tư nhân hay tài sản của doanh nghiệp tư nhân là tài sản hữu hình. Tài sản của doanh nghiệp tư nhân có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Trong đó, người chủ doanh nghiệp tư nhân được quyền quyết định mọi hoạt động của doanh nghiệp. Điều 183 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định về doanh nghiệp tư nhân như sau: Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Tại sao doanh nghiệp tư nhân cũng là đối tượng nghiên cứu của bài viết này? Bởi vì bản thân doanh nghiệp tư nhân cũng đã là một loại tài sản. Doanh nghiệp tư nhân chỉ do một cá nhân làm chủ nhưng vẫn có thể là tài sản chung vợ chồng, cũng giống như ô tô chỉ do một cá nhân đứng tên chủ sở hữu nhưng vẫn là tài sản chung vợ chồng.

          Thứ hai, tài sản chung của vợ chồng và nguyên tắc xác định tài sản chung vợ chồng. Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau “1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung....

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

          Như vậy, về nguyên tắc tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung vợ chồng không cần biết sự đóng góp thực tế là bao nhiêu. Vậy thì Cổ phần, phần vốn góp đứng tên vợ hoặc chồng mà vợ hoặc chồng mua trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung vợ chồng.
Đối với Doanh nghiệp tư nhân, đây là loại hình doanh nghiệp mà không có sự tách biệt tài sản chủ doanh nghiệp tư nhân và tài sản của doanh nghiệp. Chủ tài sản doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản. Theo quy định khoản 2 Điều 36 luật doanh nghiệp: Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp. Như vậy, rất khó để phân biệt được tài sản của doanh nghiệp tư nhân và tài sản riêng của chủ doanh nghiệp tư nhân.

Câu hỏi đặt ra là: tài sản của doanh nghiệp tư nhân có phải là tài sản chung vợ chồng hay không? Doanh nghiệp tư nhân chỉ đứng tên một người chủ sở hữu nhưng doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp mà rất khó để phân định tài sản của doanh nghiệp với tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp, pháp luật cũng không yêu cầu chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp tư nhân nên về nguyên tắc, doanh nghiệp tư nhân hình thành trong thời kỳ hôn nhân hoặc phát sinh lợi nhuận trong thời kỳ hôn nhân thì doanh nghiệp tư nhân đó hoặc lợi nhuận phát sinh đó là tài sản chung vợ chồng. Trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Xuất phát điểm của chế định pháp lý về doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiêp tư nhân thường mang tính chất gia đình, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản nên rất khó có sự phân định rạch ròi giữa tài sản của doanh nghiệp tư nhân và chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân.

Trước kia Luật doanh nghiệp 2014 quy định Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Tuy nhiên, luật không quy định Doanh nghiệp tư nhân không được mua trái phiếu, cũng không cấm doanh nghiệp tư nhân sở hữu cổ phần, phần vốn góp. Trong trường hợp trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu thì doanh nghiệp tư nhân vẫn có thể sở hữu cổ phần hoặc phần vốn góp. Đến Luật doanh nghiệp sửa đổi thì luật đã bỏ quy định trên. Câu hỏi đặt ra là: cổ phần hay phần vốn góp mà doanh nghiệp tư nhân sở hữu có phải là tài sản chung vợ chồng không? Theo nguyên tắc, doanh nghiệp tư nhân hay tài sản của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung vợ chồng nên cổ phần hay phần vốn góp mà doanh nghiệp tư nhân sở hữu đương nhiên là sở hữu chung vợ chồng.

Thứ ba, xử lý tài sản chung vợ chồng

Trong trường hợp vợ chồng đã chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để một bên đầu tư kinh doanh riêng thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thuộc sở hữu riêng của mỗi người, nghĩa vụ tài sản phát sinh từ việc đầu tư kinh doanh của mỗi bên được xác định là nghĩa vụ tài sản riêng trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi bổ sung 2014 quy định về xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án như sau: “Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.

Tại khoản 2, Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 đã hướng dẫn thi hành quy định trên như sau: Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết.

Như vậy, nếu xác định được phần sở hữu của vợ chồng theo luật hôn nhân gia đình thì chấp hành viên thông báo cho vợ, chồng biết rồi tiến hành các thủ tục kê biên, xử lý tài sản. Trường hợp chấp hành viên không xác định được phần sở hữu của vợ, chồng thì thông báo cho vợ, chồng biết về quyền yêu cầu Tòa án xác định. Khi Tòa án thụ lý giải quyết thì cơ quan thi hành án ra quyết định hoãn thi hành án.

Thứ 4, ưu tiên mua tài sản

Người có quyền ưu tiên mua tài sản chung vợ chồng là vợ hoặc chồng của người phải thi hành án. Theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Thông tư liên tịch số 11, thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định giá, chấp hành viên thông báo cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án. Đồng thời, theo khoản 3 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự quy định: Trước khi bán tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung, chấp hành viên thông báo và định thời hạn cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định trong thời hạn 03 tháng đối với bất động sản, 01 tháng đối với động sản; Như vậy, nếu tài sản là cổ phần, phần vốn góp thì thời hạn là 01 tháng. Đối với những lần bán tài sản tiếp theo thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn ưu tiên mà vợ hoặc chồng của người phải thi hành án không mua tài sản thì tài sản được bán theo quy định tại Điều 101 Luật Thi hành án dân sự.

Khi vợ hoặc chồng của người phải thi hành án mua tài sản kê biên thì chấp hành viên thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 11, cụ thể, đối với tài sản là bất động sản và động sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, chấp hành viên ra quyết định bán tài sản cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án; đối với tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì chấp hành viên lập biên bản giao tài sản cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án. Cổ phần, phần vốn góp hay doanh nghiệp tư nhân đều là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, chấp hành viên ra quyết định bán tài sản cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án.

Thời gian gần đây, cơ quan thi hành án phải thi hành các Bản án liên quan đến việc phân chia tài sản chung vợ chồng trong đó vợ hoặc chồng là người phải thi hành án mà tài sản chung là cổ phần,cổ phiếu phần vốn góp. Có quan điểm cho rằng, vì giá cổ phiếu thay đổi từng giờ, nếu như không xử lý mà giá cổ phiếu xuống để thất thoát tài sản thì ai là người chịu trách nhiệm. Theo quan điểm của tác giả, một khi chưa có quy định cụ thể về việc xử lý tài sản là cổ phần, cổ phiếu thì chấp hành viên nên thực hiện theo các nguyên tắc chung mà luật đã quy định. Hơn nữa như đã phân tích ở trên cổ phần, phần vốn góp là tài vô hình, giá trị tài sản không chỉ nằm ở giá của cổ phần, phần vốn góp mà còn liên quan đến quyền biểu quyết, quyền phủ quyết, quyền ưu tiên,… gọi chung là quyền tài sản. Quyền này đôi khi làm ảnh hưởng đến sự sống còn của cả doanh nghiệp, tập đoàn. Nên nếu để xảy ra trách nhiệm bồi thường thì rất khó để xác định giá trị bồi thường.
                                                                                      Phương Quỳnh
 

Các tin đã đưa ngày: