Sign In

Xử lý tài sản tươi sống, mau hỏng trong thi hành án dân sự

30/12/2019

Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật THADS) và các văn bản hướng dẫn thi hành còn thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể về vấn đề bảo quản, xử lý tài sản là vật nuôi, tài sản tươi sống, mau hỏng… dẫn đến việc xử lý loại tài sản này trong thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn.
 
Đối với tài sản là vật nuôi, trong nhiều trường hợp cơ quan thi hành án dân sự (THADS) tổ chức cưỡng chế giao nhà, trả nhà, buộc chuyển giao quyền sử dụng đất, trên đất có các loại tài sản là vật nuôi (ví dụ: Lợn, bò, gà…). Theo Điều 115 Luật THADS, trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ trả nhà thì chấp hành viên buộc người phải thi hành án và những người khác có mặt trong nhà ra khỏi nhà, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra khỏi nhà; nếu họ không tự nguyện thực hiện thì chấp hành viên yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi nhà. Trường hợp họ từ chối nhận tài sản, chấp hành viên phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và giao tài sản cho tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan THADS và thông báo địa điểm, thời gian để người có tài sản nhận lại tài sản. Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều 115 Luật THADS mà người có tài sản bảo quản không đến nhận thì tài sản đó được xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 126 Luật THADS, trừ trường hợp có lý do chính đáng. Do Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể trong việc xử lý tài sản là vật nuôi nên việc xử lý vật nuôi còn gặp nhiều vướng mắc như: việc xác định tổ chức, cá nhân nào có điều kiện trông giữ, bảo quản vật nuôi; cá biệt có trường hợp vật nuôi là động vật hoang dã thì xử lý ra sao? động vật có giấy phép nuôi dưỡng và không có giấy phép nuôi dưỡng thì xử lý như thế nào?...Mặt khác, việc áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 126 Luật THADS (Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng thì chấp hành viên xử lý tài sản theo quy định tại các điều 98, 99 và 101 của Luật THADS  và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự) cũng gặp khó khăn do vật nuôi là động vật hoang dã thì không thuộc đối tượng được bán đấu giá[1]. Do vậy, cần có quy định cụ thể, chi tiết trong việc xử lý tài sản là vật nuôi trong THADS.

Đối với tài sản tươi sống, mau hỏng, hiện nay chưa có điều luật nào quy định thế nào là tài sản tươi sống, mau hỏng. Tuy nhiên, theo nghĩa thông thường thì tài sản tươi sống, mau hỏng là các loại tài sản mà trạng thái hoặc tính chất ban đầu có thể bị hư hỏng khi chịu tác động của sự thay đổi quá mức về nhiệt độ, độ ẩm, thời gian hoặc các điều kiện khách quan khác. Các loại tài sản tươi sống, mau hỏng thường gặp có thể bao gồm các loại: Thịt, cá, hải sản, rau quả tươi hoặc đông lạnh, trứng ấp, cá, cua, tôm sống (đã đánh bắt)... Việc xác định tài sản nào là tài sản tươi sống, mau hỏng tuỳ từng trường hợp cụ thể để xác định. Ví dụ: Tài sản là con trâu, con bò, con lợn đang sống bình thường thì không được gọi là tài sản tươi sống. Tuy nhiên, thịt trâu, thịt bò, thịt lợn mới bị giết mổ là tài sản tươi sống, mau hỏng.

Theo quy định tại Điều 98 Luật THADS và khoản 2 Điều 26 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, đối với tài sản kê biên thuộc loại tài sản tươi sống, mau hỏng CHV cầu người được thi hành án, người phải thi hành án thỏa thuận về giá tài sản kê biên. Nếu đương sự thỏa thuận được thì chấp hành viên lập biên bản về việc đương sự thỏa thuận giá tài sản kê biên. Trường hợp đương sự không thỏa thuận được thì chấp hành viên tiến hành xác định giá tài sản.

Trước đây, điểm b khoản 3 mục IV Thông tư liên tịch số 12/2001/TTLT/BTP-VKSTC ngày 26/2/2001 của Bộ Tư pháp và VKSNDTC hướng dẫn thực hiện một số quy định pháp luật về Đối với tài sản thuộc diện tươi sống, mau hỏng như: rau quả, thực phẩm tươi sống... sau khi kê biên, cơ quan thi hành án tổ chức bán ngay với sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp, Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi bán tài sản và phải lập biên bản về việc bán tài sản.

Bên cạnh đó, đối với việc bảo quản và xử lý tài sản thì tại khoản 6 và khoản 7 mục II Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BTC-BCA ngày 24/10/1998 của TANDTC,VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự: “Vật chứng là tài sản thuộc loại mau hỏng (như rau, quả, thực phẩm tươi sống, hoá chất...) thì cơ quan thu giữ tiến hành lập biên bản ghi rõ tình trạng vật chứng đó, tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật và gửi tiền vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước, đồng thời thông báo cho Viện kiểm sát, Toà án, cơ quan tài chính cùng cấp và chủ sở hữu tài sản (nếu biết).

Đối với vật chứng là tài sản thuộc loại có quy định thời hạn sử dụng ngắn, tài sản đã gần hết hạn sử dụng hoặc việc bảo quản gặp khó khăn, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể và căn cứ vào hiện trạng vật chứng, sau khi trao đổi thống nhất ý kiến với Toà án, Viện kiểm sát, Cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan đang bảo quản tài sản lập Hội đồng tổ chức bán đấu giá vật chứng đó và gửi số tiền thu được vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước, đồng thời thông báo cho chủ sở hữu tài sản”.

Mặc dù pháp luật chưa quy định trình tự, thủ tục xác định giá đối với tài sản tươi sống, mau hỏng nhưng trong thực tiễn, để xác định giá tài sản này CHV thường mời đại diện Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, đại diện cơ quan tài chính, đại diện chính quyền địa phương nơi có tài sản kê biên để cùng tham gia việc xác định giá. Tuy nhiên, cần có quy định pháp luậthướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục định giá tài sản trong trường hợp này.
Ths. Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội
 

[1] Đặng Hùng Dũng; Vướng mắc về việc xử lý tài sản là vật nuôi, tài sản tươi sống, mau hỏng; http://thads.moj.gov.vn/hatinh/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_detail.aspx?itemid=17.
 
 

Các tin đã đưa ngày: