Kết quả thi hành án nhiều chuyển biến
Theo đánh giá của Lãnh đạo Cục THADS Hà Nội, mặc dù trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, đồng thời các cơ quan, đơn vị phải thực hiện chủ trương tinh giản biên chế trong khi số lượng việc và giá trị phải thi hành án tăng cao, ngày càng có nhiều vụ việc có tính chất phức tạp, có giá trị phải thi hành rất lớn nhưng các cơ quan THADS thành phố đã có nhiều nỗ lực, cố gắng tập trung triển khai các nhiệm vụ công tác và đạt được một số kết quả tích cực.
Theo đó, kỷ cương hành chính được tăng cường, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, công chức, người lao động được nâng lên. Kết quả thi hành án về việc, tiền có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ thi hành xong tăng, công tác theo dõi thi hành án hành chính được quan tâm triển khai, thực hiện. Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đạt được những kết quả khả quan, cơ bản đáp ứng yêu cầu, đã tập trung giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài. Tranh thủ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các sở, ban, ngành; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Quy chế phối hợp liên ngành đã ký kết. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành được tập trung, bảo đảm thông suốt; công tác tổ chức cán bộ được quan tâm, kiện toàn một bước.
Bên cạnh những thành quả đạt được, công tác THADS của các cơ quan THADS thành phố Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần thẳng thắn nhìn nhận như: Kết quả THADS còn thấp, chưa thực sự bền vững, chưa có chuyển biến rõ nét, nhất là kết quả về tiền; Số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo còn nhiều, một số trường hợp việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, chưa đảm bảo thời hạn theo quy định. Công tác tổ chức cán bộ còn chưa thực sự đem lại hiệu quả cao, chưa có những giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài để củng cố đội ngũ lãnh đạo cũng như công chức các cơ quan THADS…
Tạo “liên thông”, “dòng chảy” trong công tác cán bộ
Dự báo nhiệm vụ thời gian tới sẽ hết sức nặng nề, để đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, Cục trưởng yêu cầu Trưởng các Phòng chuyên môn, Chi cục trưởng các Chi cục THADS quận, huyện, thị xã tiếp tục bám sát, thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hài hòa “mục tiêu kép” đó là đảm bảo thực hiện tốt công việc gắn với với việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, cán bộ, công chức là trên hết, trước hết.
Đặc biệt quan tâm chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ và uy tín của các Cơ quan THADS trên địa bàn Thành phố. Cụ thể, tiếp tục quán triệt triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với việc thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của Chấp hành viên, Thẩm tra viên và các công chức khác trong thi hành công vụ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật phát ngôn khi tiếp công dân, làm việc với đương sự và thực hiện văn hóa công sở tại cơ quan, đơn vị. Cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thường xuyên giám sát, kiểm tra, nhắc nhở, phê bình, xử lý hoặc đề xuất người có thẩm quyền xử lý công chức, người lao động vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện nếu để xảy ra vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật, kỷ cương, tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị trực tiếp quản lý.
Lãnh đạo Cục yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải coi công tác cán bộ vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là giải pháp đột phá trong thời gian tới, trong đó quan tâm việc củng cố kiện toàn tổ chức các cơ quan THADS, kịp thời phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, đưa vào quy hoạch, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ có năng lực, trình độ. Tạo “liên thông”, “dòng chảy” trong công tác cán bộ giữa Cục với Chi cục, giữa các Chi cục để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách cán bộ thông qua công tác luân chuyển, điều động, biệt phái; chủ động xây dựng quy hoạch cán bộ, kế hoạch điều động, chuyển đổi vị trí công tác theo quy định. Chú trọng công tác thi đua, khen thưởng đảm bảo công tâm, khách quan, thực chất, không cào bằng, từ đó tạo động lực lan tỏa thực sự tới từng công chức, người lao động.
Cùng với đó, cần tập trung nguồn lực để chỉ đạo, tổ chức thi hành các vụ việc có điều kiện thi hành, nhất là các vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; các vụ việc thi hành cho các tổ chức tín dụng, đẩy nhanh việc giao tài sản trong các vụ bán đấu giá thành nhằm nâng cao kết quả, tỷ lệ thi hành án.
Rà soát, phân loại và thống kê các vụ việc đã thụ lý trên 3 năm, 5 năm, 10 năm nhưng chưa tổ chức thi hành xong; phân tích rõ nguyên nhân, chỉ đạo tập trung giải quyết dứt điểm. Chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra chéo giữa các Chấp hành viên trong việc tổ chức thi hành án đối với những vụ việc có giá trị thi hành lớn, phức tạp, đặc biệt là khâu trước khi đưa tài sản ra bán đấu giá. Tích cực, chủ động tham mưu đề xuất, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban Chỉ đạo THADS tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án trọng điểm, vụ việc có giá trị lớn, phức tạp, kéo dài…
K.Quy
Theo Báo điện tử Pháp luật Việt Nam