Sign In

ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA THẨM TRA VIÊN TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

07/02/2018

Thi hành án dân sự  (THADS) có thể coi là giai đoạn cuối cùng để buộc một cá nhân, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ về dân sự theo nội dung phán quyết đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Trong THADS, Chấp hành viên đóng vai trò là trung tâm, nhưng không thể thiếu được Thẩm tra viên. Tuy nhiên, trên thực tế, khi nhìn vào thành quả hoạt động của công tác THADS khó thấy những đóng góp công sức của các Thẩm tra viên, là những người hàng ngày tận tâm thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, kiểm tra, rà soát, phát hiện những thiếu sót, vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án của Chấp hành viên, cán bộ, công chức có liên quan kịp thời khắc phục, sửa chữa, hoàn thiện và góp phần đưa đến kết quả cuối cùng trọn vẹn. Đồng thời, trên lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo và tham mưu trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát thì đội ngũ Thẩm tra viên là những người trực tiếp thực hiện, trực diện đối mặt với nhiệm vụ không ít những khó khăn, phức tạp này.

Tuy nhiên, chức danh Thẩm tra viên chính thức được pháp luật công nhận từ Luật THADS năm 2008, mà cụ thể là Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ, hiện nay được thay thế bằng Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Mới đây, theo Chương III Thông tư số 03/2017/TT-BTP ngày 05/4/2017 của Bộ Tư pháp quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức chuyên ngành thi hành án dân sự thì thẩm tra viên có ba ngạch: Thẩm tra viên cao cấp, Thẩm tra viên chính và Thẩm tra viên. Như vậy, chức danh Thẩn tra viên đã được quy định rõ hơn và cụ thể hơn.

1. Quan niệm về Thẩm tra viên
Thẩm tra viên có nhiệm vụ thẩm tra, kiểm tra thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trả lời kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Từ đó có thể nói: Thẩm tra viên là công chức làm chuyên môn nghiệp vụ về THADS , được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật về THADS , có nhiệm vụ giúp thủ trưởng cơ quan THADS thực hiện việc thẩm tra, kiểm tra những vụ việc thi hành án đã và đang thi hành; thẩm tra xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo; thẩm tra thống kê, báo cáo, dữ liệu THADS và những hồ sơ, tài liệu khác có liên quan đến công tác THADS , tham mưu cho thủ trưởng cơ quan trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân theo thẩm quyền và thực hiện các nhiệm vụ khác do thủ trưởng cơ quan giao.”

2. Lịch sử hình thành Thẩm tra viên
Hoạt động THADS ở nước ta được hình thành khá sớm. Đó là vào ngày 19/7/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án, quy định thời kỳ sơ khai và các yêu cầu cơ bản về tổ chức bộ máy thực hiện công tác thi hành án.
Qua các giai đoạn cách mạng cũng như thời kỳ đổi mới, các chức danh hoạt động thi hành án được đặt ra đó là Thừa phát lại, Thẩm phán thi hành án nhân viên chấp hành án đã được đặt ra. Mãi đến năm 2005, bằng Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ chức danh thẩm tra viên mới được đặt ra, cụ thể chức thanh Thẩm tra viên được quy định trong các điều như Điều 7 quy định về tổ chức và cán bộ, công chức của Cục THADS thuộc Bộ Tư pháp, Điều 9 quy định về Tổ chức và cán bộ của Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng, Điều 13 quy định về tổ chức của THADS cấp tỉnh, Điều 17 quy định về tổ chức của THADS cấp huyện. Qua đó, cho thấy chức danh Thẩm tra viên bắt đầu chính thức được định danh và là chức danh, vị trí quan trọng phải có trong bộ máy các cơ quan THADS từ trung ương đến địa phương. Quyết định số 01/2007/QĐ-BNV ngày 17 tháng 01 năm 2007 của Bộ Nội vụ đã ban hành tiêu chuẩn ngạch Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính và Thẩm tra viên cao cấp THADS , đã quy định rõ hơn, chi tiết hơn về tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ của các ngạch Thẩm tra viên. Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLTBTP-BNV ngày 29 tháng 3 năm 2007 của Bộ Tư pháp-Bộ Nội vụ về hướng dẫn tổ chức, cán bộ của THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã quy định rõ việc bổ nhiệm vào các ngạch Thẩm tra viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định. Luật THADS năm 2008 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2009 đã đánh dấu một bước ngoặt lớn về kiện toàn của hệ thống các cơ quan THADS , các chức danh THADS , một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế về THADS . Tuy nhiên, trong Luật THADS năm 2008 và trong cả những nội dung sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 64/2014/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS , có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015, cũng không có điều khoản riêng nào quy định đối với chức danh Thẩm tra viên. Mà chức danh Thẩm tra viên tiếp tục được quy định trong Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ, hiện nay được thay thế bằng Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS .

3. Đặc điểm, phân loại Thẩm tra viên THADS
3.1. Đặc điểm Thẩm tra viên

Thẩm tra viên THADS có các đặc điểm cơ bản sau:
- Thẩm tra viên là một công chức. Chức danh Thẩm tra viên THADS được chia làm ba ngạch, với tên, mã ngạch như sauThẩm tra viên  - Mã số ngạch  03.232; Thẩm tra viên chính  - Mã số ngạch  03.231; Thẩm tra viên cao cấp  - Mã số ngạch  03.230.
- Thẩm tra viên là người giúp việc thủ trưởng cơ quan thi hành án. Thẩm tra viên làm nhiệm vụ theo phân công, chỉ đạo, giao việc của thủ trưởng cơ quan thi hành án, không có quyền độc lập nhân danh nhà nước thực thi quyền lực nhà nước một cách trực tiếp như Chấp hành viên. Và vai trò của Thẩm tra viên trong tổ chức THADS không phải là người trực tiếp tổ chức thi hành án. 

3.2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm tra viên
- Thẩm tra viên cao cấp là công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao nhất về lĩnh vực thẩm tra THADS , giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS , cơ quan THADS  thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, kiểm tra những vụ việc THADS  quan trọng, phức tạp có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và nhiều địa phương; thực hiện một số công việc khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS , cơ quan THADS .

- Thẩm tra viên chính là công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực thẩm tra THADS , giúp Thủ trưởng cơ quan trực tiếp hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ thẩm tra những vụ việc đã và đang thi hành án, thẩm tra, kiểm tra, xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo về THADS  và thực hiện một số nhiệm vụ khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS , cơ quan THADS.

- Thẩm tra viên là công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực thẩm tra THADS , thi hành án hành chính, giúp Thủ trưởng cơ quan trực tiếp thực hiện việc thẩm tra những vụ việc đã và đang thi hành án thẩm tra xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS , cơ quan THADS.

3.3. Bổ nhiệm, miễn nhiệm Thẩm tra viên THADS
3.3.1. Bổ nhiệm Thẩm tra viên
Mỗi ngạch Thẩm tra viên sẽ phải có các điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ ở mức tương ứng. Tổng cục trưởng Tổng cục THADS sẽ có thẩm quyền bổ nhiệm Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính. Trên cơ sở kết quả học và trên cơ sở nhu cầu của đơn vị, nguyện vọng của cá nhân đủ điều kiện bổ nhiệm Thẩm tra viên, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS xem xét quyết định bổ nhiệm Thẩm tra viên. Căn cứ kết quả thi nâng ngạch, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS bổ nhiệm vào ngạch Thẩm tra viên chính theo quy định. Đối với ngạch Thẩm tra viên cao cấp, căn cứ kết quả thi nâng ngạch, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định bổ nhiệm vào ngạch Thẩm tra viên cao cấp.

3.3.2. Miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm tra viên
a) Miễn nhiệm Thẩm tra viên
Trong Luật THADS và các văn bản hướng dẫn hiện hành không quy định cụ thể về miễn nhiệm đối với Thẩm tra viên. Tuy nhiên, Thẩm tra viên là một công chức, do đó, việc miễn nhiệm Thẩm tra viên có thể áp dụng trong các trường hợp sau đây:
- Được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển, bố trí, phân công công tác khác mà không được kiêm nhiệm chức vụ cũ;
- Không đủ sức khỏe để tiếp tục lãnh đạo, quản lý;
- Không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước nhưng chưa đến mức bị kỷ luật bằng hình thức cách chức;
- Không đủ năng lực, uy tín để làm việc;
- Vi phạm quy định của cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ chính trị nội bộ.
Thẩm tra viên cao cấp sẽ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp  miễn nhiệm, Thẩm tra viên chính và Thẩm tra viên sẽ do Tổng cục trưởng Tổng cục THADS miễn nhiệm.

b) Điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm tra viên
Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thẩm quyền điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm tra viên cao cấp, Thẩm tra viên đang giữ chức vụ lãnh đạo thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
Tổng cục trưởng Tổng cục THADS quyết định việc điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm tra viên từ tỉnh này sang tỉnh khác; Thẩm tra viên đang giữ chức vụ Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục THADS , trừ trường hợp thuộc Thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
Cục trưởng Cục THADS quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm tra viên trong địa bàn do mình quản lý. Trường hợp điều động, luân chuyển Thẩm tra viên giữ chức vụ lãnh đạo quản lý thì phải xin ý kiến của người có thẩm quyền bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo trước khi thực hiện điều động, luân chuyển, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS.

4. Địa vị pháp lý của Thẩm tra viên THADS
Địa vị pháp lý là tổng thể các quyền, nghĩa vụ của một chủ thể pháp luật, phản ánh vị trí, tư cách pháp lý của chủ thể đó trong các mối quan hệ pháp luật. Theo đó, địa vị pháp lý của Thẩm tra viên chính là tổng thể các quyền, nghĩa vụ của thâm tra viên trong mối quan hệ pháp luật THADS , cụ thể:
Thứ nhất, thực hiện việc thẩm tra, kiểm tra những vụ việc thi hành án đã và đang thi hành; Thẩm tra xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo theo sự chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS và cơ quan THADS; thẩm tra thống kê, báo cáo, dữ liệu THADS và những hồ sơ, tài liệu khác có liên quan đến công tác THADS .
Thứ hai, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để xác minh, kiểm tra và đề xuất biện pháp giải quyết theo nhiệm vụ được phân công.
Thứ ba, tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân theo thẩm quyền.
Thứ tư, thực hiện các nhiệm vụ khác do thủ trưởng giao.
Ngoài ra, Thẩm tra viên các cấp còn thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể:
Thứ nhất, nhiệm vụ cụ thể đối với ngạch Thẩm tra viên là:
- Tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo;
- Thẩm tra, kiểm tra, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác tổ chức cán bộ trong hệ thống tổ chức THADS;
- Thẩm tra, kiểm tra, tổng hợp báo cáo liên quan đến công tác THADS , báo cáo kế toán nghiệp vụ THADS của các đơn vị trực thuộc;
- Tham mưu xây dựng dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tổ chức THADS ;
- Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác thẩm tra theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan;
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện công tác thẩm tra các vụ việc được phân công theo quy định của pháp luật;
Thứ hai, nhiệm vụ cụ thể đối với ngạch Thẩm tra viên chính là:
- Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để xác minh, kiểm tra và đề xuất biện pháp giải quyết nhiệm vụ được phân công;
- Thẩm tra, kiểm tra báo cáo thống kê, báo cáo dữ liệu THADS  của Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên sơ cấp và của các cơ quan THADS  trực thuộc;
- Biên soạn tài liệu, tham gia hướng dẫn nghiệp vụ đối với ngạch Chấp hành viên sơ cấp, ngạch Thẩm tra viên, ngạch Thư ký thi hành án;
Thứ ba, nhiệm vụ cụ thể đối với ngạch Thẩm tra viên cao cấp gồm:
- Lập kế hoạch trình Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS , cơ quan THADS  phê duyệt, tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để thẩm tra, kiểm tra, xác minh và đề xuất biện pháp giải quyết đối với các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo về THADS , quản lý thi hành án hành chính theo sự chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS , Thủ trưởng cơ quan THADS ;
- Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, thẩm tra, xác minh, kiểm tra thống kê, báo cáo dữ liệu THADS , thi hành án hành chính và những hồ sơ, tài liệu khác có liên quan đến công tác THADS  của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; của các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS , cơ quan THADS  chỉ đạo hoặc trình cấp có thẩm quyền chỉ đạo các cơ quan THADS  cấp dưới thi hành các vụ việc phức tạp;
- Giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý THADS , cơ quan THADS  trong việc hướng dẫn, chỉ đạo thẩm tra, kiểm tra nghiệp vụ THADS  trong toàn quốc (đối với Thẩm tra viên cao cấp tại Tổng cục THADS ), trong toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với Thẩm tra viên cao cấp tại Cục THADS  tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và đề xuất các biện pháp điều chỉnh nhằm bảo đảm việc tổ chức THADS  đúng pháp luật và hiệu quả;
- Tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học về công tác thi hành án;
- Tham gia xây dựng mục tiêu, nội dung, chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các ngạch Thẩm tra viên THADS ;
Qua kết quả phân tích trên cho thấy, chức danh Thẩm tra viên THADS xét về cả phương diện lý luận và thực tiễn là một chức danh không mới, nó đã có mầm móng hình thành nằm trong hệ thống thi hành án từ khi mới hình thành tổ chức thi hành án. Như vậy, Thẩm tra viên có vai trò rất quan trọng trong hoạt động THADS,  họ là người trực tiếp thực hiện việc kiểm tra hồ sơ thi hành án do Chấp hành viên đã và đang tổ chức thi hành, thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong thi hành án, đây là một công việc khó, đòi hỏi Thẩm tra viên phải có đủ trình độ, bản lĩnh, không ngại va chạm, có đủ hiểu biết, chuyên môn, nghiệp vụ mới đảm nhiệm được công việc này. Vì thế, trong thời gian tới cần có giải pháp để nâng cao địa vị pháp lý của họ trong công tác THADS.

Nguyễn Thanh Thúy - Phòng Kiểm tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo

Các tin đã đưa ngày: