Sign In

CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

16/03/2021

CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ  TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
        Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khi được chấp hành nghiêm chỉnh có tác động trực tiếp đến lòng tin của nhân dân đối với pháp luật. Vì vậy, hoạt động thi hành án có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giữ vững kỷ cương phép nước, củng cố pháp chế và trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, đảm bảo cho quyền lực tư pháp được thực thi trên thực tế. Hiến pháp 2013 khẳng định: "Các bản án và quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan nghiêm chỉnh chấp hành". Thi hành án dân sự là một bước cuối cùng trong tố tụng.
        Thi hành án dân sự là đưa bản án, quyết định về dân sự của Tòa án, Trọng tài thương mại, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đã có hiệu lực pháp luật ra thi hành trên thực tế. THADS bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và lợi ích của nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

        Để kịp thời triển khai và hoàn thành các chỉ tiêu và nhiệm vụ Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự giao hàng năm, Cục thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang cũng ra Quyết định về việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các Phòng chuyên môn, các Chi cục trực thuộc xây dựng kế hoạch công tác của đơn vị, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở để tổ chức thực hiện. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp như: tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương; tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với những đơn vị có lượng việc, tiền tổ chức thi hành lớn; kịp thời cho ý kiến chỉ đạo đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, án tín dụng ngân hàng, án có giá trị lớn; duy trì và tăng cường mối quan hệ với các cấp, ngành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao hàng năm.

        Kết quả là số lượng các bản án, quyết định phải thi hành ngày càng nhiều, tổng số tiền và hiện vật phải thi hành ngày càng lớn, trong đó có nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp trong việc tổ chức thi hành. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp Ủy Đảng, chính quyền và sự cố gắng, đoàn kết của đội ngũ cán bộ, chấp hành viên làm công tác thi hành án hàng năm đã làm giảm đáng kể số lượng án phải thi hành, nhưng số vụ việc và số tiền phải thi hành chuyển kỳ sau vẫn còn rất lớn, có xu hướng tăng lên. Đáng lo ngại là trên thực tế nhiều vụ việc không thể thi hành được còn tồn nhiều. Trong những năm qua, ngành thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang đã tổ chức thi hành đạt được kết quả cao theo chỉ tiêu mà Bộ Tư pháp cũng như Tổng cục Thi hành án dân sự giao hàng năm. Riêng năm 2020, tổng số việc thi hành là 19.355 việc, tương ứng với số tiền là 2.384.640.048.000đ. Kết quả: đã giải quyết xong 11.752 việc đạt kết quả 80,69%, vượt 0,69% và tương ứng với số tiền 586.336.485.000đ đạt 44,96%, vượt 6,96% so với chỉ tiêu Tổng cục giao.

        Kết quả đạt được nói trên phản ánh sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ thi hành án ở tỉnh Kiên Giang, sự quan tâm, chỉ đạo của cấp Ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan trong công tác thi hành án dân sự.

        Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm còn bộc lộ nhiều tồn tại, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, vẫn con trong tình trạng các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực nhưng chưa được nghiêm chỉnh thi hành. Việc thi hành án được thực hiện theo cơ chế tự thi hành, khối lượng việc, tiền phải thụ lý thi hành ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp hơn, nhưng các quy định của pháp luật liên quan đến công tác thi hành án dân sự chưa đồng bộ, thậm chí còn mâu thuẫn trong việc xử lý tài sản thế chấp, diện tích kê biên bán đấu giá không tách thửa được…đã làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả THADS trên địa bàn. Số việc phải thi hành chuyển sang năm sau tăng so với năm trước; số việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành chiếm tỷ lệ cao, nhất là về tiền vẫn chiếm tỷ lệ cao so với tổng số phải thi hành, dẫn đến chưa đảm bảo thực sự được quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân, từ đó mà hiệu quả công tác THADS chưa thật sự bền vững, vẫn đến tình trạng kéo dài nhiều năm chưa thi hành xong, án chưa có điều kiện thi hành chiếm tỷ lệ cao, song chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết dứt điểm làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cơ quan bảo vệ pháp luật.

        Để công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trong thời gian tới đạt hiệu quả cần một số giải pháp chung như sau:

        Thứ nhất: Tăng cường việc nghiên cứu, triển khai chủ trương của Đảng về xây dựng văn bản pháp luật nói chung về điều chỉnh hoạt động THADS và chủ trương thống nhất đầu mối quản lý công tác THADS.

        Thứ hai: Hoàn thiện việc thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Có thể nói rằng, qua thực tiễn triển khai Luật THADS đã có khá nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập xuất phát từ quy định của Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành cần được hoàn thiện theo hướng;

       Thứ ba: Tiến hành xã hội hóa công tác THADS. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì xã hội hóa lĩnh vực THADS là điều tất yếu và cần thiết.
        Thứ tư: Nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án nhân dân các cấp.

       Trên cơ sở những thuận lợi, khó khăn trên và các giải pháp chung nêu trên; để làm tốt công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cần đưa ra một số giải pháp cơ bản thể sau:

       Một là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp; nâng cao công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ trong lĩnh vực THADS trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

        Hai là kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan Thi hành án dân sự; nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ, Chấp hành viên, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động thi hành án; giáo dục nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức; thương xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ quản lý, cán bộ dự nguồn, cán bộ trẻ để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được cấp trên giao.

       Ba là tăng cường phối hợp giữa cơ quan THADS với các cơ quan, ban ngành trong công tác THADS; đẩy mạnh hoạt động giám sát trong lĩnh vực THADS của các cơ quan như: Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Viện kiểm sát nhân dân các cấp.

       Bốn là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về THADS cho cán bộ, nhân dân, các tổ chức kinh tế trên địa bàn

      Năm là trong thực hiện nhiệm vụ Chấp hành viên cần kết hợp linh hoạt giữa biện pháp giáo dục, thuyết phục, tự nguyện thi hành án, thỏa thuận trong thi hành án và áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án khi cần thiết.

       Sáu là tiếp tục kiện toàn Ban Chi đạo thi hành án dân sự các cấp theo quy định pháp luật; phát huy và đề cao vai trò các thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp hoạt động mang lại hiệu quả cao nhất; làm tốt vai trò tham mưu cho Trưởng Ban chỉ đạo, Chủ tích UBND cùng cấp quản lý công tác THADS trên địa bàn.
Bảy là cần có chế độ khen thưởng kịp thời và kỷ luật nghiêm minh.

       Tóm lại, Thi hành án dân sự là một trong những hoạt động của bộ máy Nhà nước nhằm đảm bảo cho các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực được thi hành trên thực tế. Hoạt động thi hành án có hiệu quả một mặt thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, thể hiện quyền lực nhà nước, mặt khác là công cụ hữu hiệu để khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và công dân bị xâm hại. Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vai trò pháp chế luôn được đề cao, pháp luật đảm bảo thực hiện. Pháp chế đòi hỏi nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân phải chấp hành nghiêm chỉnh các phán quyết mà Tòa án, thông qua hoạt động thi hành án, những bản án, quyết định của Tòa án được thực thi, quyền và lợi ích của công dân và tổ chức được bảo vệ, công bằng xã hội được bảo đảm.
Tin & Ảnh: Nguyễn Văn Lâm
P.Cục trưởng - Cục THADS tỉnh Kiên Giang

Các tin đã đưa ngày: