Sign In

Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong thi hành án dân sự

23/09/2021

Thi hành án dân sự (THADS) là hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền về tài sản và nhân thân của các bên đương sự, để giải quyết việc thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải tiến hành nhiều thủ tục như: Thông báo, xác minh, áp dụng các biện pháp đảm bảo, biện pháp cưỡng chế thi hành án…Đây là một khâu công tác cực kỳ khó khăn và nan giải vì thực tế đã thường xảy ra trường hợp không chấp hành (thậm chí mang tính chống đối, bất hợp tác) của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (chủ yếu là người phải thi hành án). Do đó, Cơ quan THADS không thể một mình thực hiện tốt các công việc trên, mà cần có sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Ngoài việc phải tuân thủ pháp luật để đảm bảo mọi quyết định, hành vi của Cơ quan THADS và Chấp hành viên được tốt, thì Cơ quan THADS cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Việc phối hợp tốt với các cơ quan, tổ chức, ban, ngành liên quan trong THADS là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của công tác THADS.
Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp trong thi hành án dân sự.

Nhìn chung, công tác phối hợp theo Quy chế phối hợp của liên ngành tư pháp trong công tác THADS của cơ quan THADS tương đối tốt, đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và một số khó khăn, vướng mắc như sau:

Thứ nhất, một số đơn vị cấp huyện chưa ký kết Quy chế liên ngành giữa Cơ quan THADS và VKSND do đó đối với các vụ cưỡng chế thi hành án, Chi cục THADS ban hành kế hoạch cưỡng chế và giấy mời Viện kiểm sát tham gia kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên tài sản, giao tài sản cho người mua trúng bán đấu giá, tiêu hủy vật chứng... Chi cục THADS không giao hồ sơ vụ cưỡng chế đó cho Viện kiểm sát nghiên cứu trước khi cưỡng chế theo Quy chế phối hợp, nên quá trình trực tiếp kiểm sát tại buổi cưỡng chế, kê biên Viện kiểm sát còn bị động.

 Thứ hai, Luật Thi hành án dân sự cũng như các văn bản hướng dẫn có liên quan không quy định về thời hạn Cơ quan THADS trả lời kiến nghị cho Viện kiểm sát. Từ đó, dẫn đến có kiến nghị của Viện kiểm sát Cơ quan THADS chậm trả lời, hoặc chỉ trả lời sau khi có đôn đốc, nhắc nhở.

Thứ ba, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất còn chậm trả lời xác minh của cơ quan THADS, thậm chí có những trường hợp cơ quan THADS làm văn bản nhiều lần nhưng Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất vẫn không trả lời hoặc còn có trường hợp cung cấp sai thông tin tài sản của người phải thi hành án, nhưng Cơ quan THADS chưa có biện pháp để giải quyết tồn tại này.

 Thứ tư, Trong công tác phối hợp với Trại giam khi tiếp nhận phạm nhân vào chấp hành hình phạt tù hoặc phạm nhân được chuyển trại nhưng có trường hợp chưa kịp thời thông báo cho cơ quan THADS nơi có tòa án đã xét xử sơ thẩm về nơi chấp hành hình phạt tù của người phải thi hành án (THA), nên cơ quan THADS không nắm được thông tin về đương sự, gây khó khăn trong quá trình tổ chức THA.

Thứ năm, Nhiều Bản án, quyết định của Toà án khi xét xử xong đã có hiệu lực pháp luật, nhưng chậm chuyển giao cho cơ quan thi hành án tổ chức thi hành.

Ngoài ra, do công tác phối hợp giữa Cơ quan THADS và Trại giam không chặt chẽ, nên có nhiều trường hợp người nhà của người phải thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù đã đến Cơ quan THADS nộp tiền thay cho người phải thi hành án, nhưng Cơ quan THADS không thông báo kết quả thi hành án cho Trại giam, nên Trại giam tiếp tục thu và chuyển về cho Cơ quan THADS. Do hậu quả của việc ủy thác đến Cơ quan thi hành án dân sự nơi cư trú của người phải THA đang thụ lý án (theo Bản án xét xử), sau đó Cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác xếp hồ sơ lưu trữ, nhưng không thông báo cho Trại giam biết về việc đã ủy thác đi, nên khi thu được tiền của phạm nhân, Trại giam vẫn chuyển tiền về cho Cơ quan THADS nơi có Bản án, hồ sơ đã đưa vào lưu trữ lâu năm, nên không kiểm tra xác định được, vì vậy đã làm tồn số tiền tạm thu kéo dài nhiều năm không xử lý được.

Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chung là bảo vệ pháp chế, đảm bảo việc thi hành các Bản án, Quyết định của Tòa án kịp thời, đầy đủ, đúng quy định, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và công dân, ngoài thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự được quy định tại Luật Thi hành án đân sự năm 2008 được sửa đổi bổ sung năm 2014 và các văn bản dưới Luật như Nghị định, Thông tư, cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp như sau:

Một là, công tác phối hợp giữa Cơ quan THADS, Chấp hành viên với cá nhân, tổ chức hữu quan cần được đặt đúng tầm, phải quy định chặt chẽ và có chế tài cụ thể để thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan hữu quan với Cơ quan THADS, để các cơ quan cùng thực hiện và thực hiện đầy đủ, thống nhất hạn chế những vấn đề thiếu sót trong công tác phối hợp trong thời gian qua.

Hai là, thời gian tới cần tiếp tục tôn trọng và thực hiện có hiệu quả Quy chế liên ngành tư pháp tại địa phương liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự. Hiện nay, có một bất cập thực tế là Quy chế phối hợp giữa UBND, Toà án nhân dân, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các ngành  được ký kết đã lâu còn nhiều bất cập, thay đổi so với các luật hiện hành,  dẫn đến nội dung trong công tác phối hợp trên cơ sở đó cũng không còn hiệu lực thi hành và không còn phù hợp với thực tiễn. Do đó trong thời gian tới Cục THADS tỉnh Kiên Giang cần phối hợp với các ngành hữu quan  xây dựng Quy chế phối hợp cho phù hợp với những quy định pháp luật hiện hành và phù hợp với thực tế.

Ba là, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những nội dung của Luật THADS năm 2014 và các văn bản liên quan đến công tác THADS đến các cấp, các ngành và phổ biến sâu rộng trong quần chúng nhân dân để người dân hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thực thi pháp luật nói chung và công tác THADS nói riêng. Đặc biệt đối với công tác phối hợp, nếu ngành nào thực hiện chưa tốt, chưa đúng quy định pháp luật thì Cơ quan THADS cần có các cuộc họp tổng kết công tác phối hợp từng năm để nêu lên những mặt đạt, chưa đạt trong công tác phối hợp của mỗi ngành và có những bài học kinh nghiệm rút ra cho những năm tiếp theo, để công tác phối hợp đạt kết quả cao hơn, đẩy nhanh tiến độ chất lượng, kết quả giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự trên địa bàn toàn tỉnh.

 Bốn là, cần nâng cao vai trò Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự để chỉ đạo điều hành hoạt động phối hợp thi hành án dân sự. Ban Chỉ đạo THADS cần có biện pháp đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các cá nhân, tổ chức không thực hiện việc phối hợp trong công tác thi hành án dân sự./.
 
                              Tin bài  
 Trịnh Thanh Vũ - Phó cục trưởng 

Các tin đã đưa ngày: