Sign In

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN CỦA NGÀNH THADS TỈNH KIÊN GIANG

14/12/2021

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN CỦA NGÀNH THADS TỈNH KIÊN GIANG
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới phát triển Chính phủ điện tử là xu thế tất yếu, rất nhiều nước trên Thế giới đã thực hiện, đặc biệt là các nước phát triển và đang phát triển. Chính phủ điện tử là Chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, giảm phiền hà, tham nhũng, tiết kiệm chi phí, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển ứng dụng CNTT, thời gian qua, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, chương trình ứng dụng CNTT trong Hệ thống cơ quan THADS hết sức cụ thể. Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục, THADS tỉnh Kiên Giang cũng đã triển khai, quán triệt, chỉ đạo công chức, người lao động ngành THADS trong tỉnh Kiên Giang thực hiện, bước đầu cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Tổng cục. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức:
Một là, Về ý thức: Do trước giờ ngành THADS thực hiện công việc chủ yếu là thủ công, chỉ khoảng vài năm trở lại đây cán bộ, công chức (kể cả công chức giữ chức vụ lãnh đạo) mới áp dụng công nghệ phục vụ cho công việc nên còn nhiều đồng chí chưa quen, chưa thay đổi được cách thức thực hiện công việc nên khi thực hiện thì có tâm lý ngán ngại, cảm thấy phiền hà, rắc rối, tốn thời gian.
Hai là, Về nhân sự và trình độ ứng dụng CNTT: Số lượng cán bộ chuyên trách về CNTT trong ngành THADS tỉnh Kiên Giang là không có. Tại Cục, là nơi trung gian truyền tải, hướng dẫn, kiểm tra việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc toàn tỉnh nhưng không có cán bộ chuyên về CNTT, hiện tại lại đang tận dụng 01 đồng chí là Lái xe để đảm nhận công việc này. Đa số còn lại là cán bộ kiêm nhiệm, vừa làm nghiệp vụ chuyên môn, vừa ứng dụng CNTT, kỹ năng sử dụng công nghệ còn hạn chế, trong khi đó, người thực hiện trực tiếp là Lãnh đạo, Chấp hành viên, thư ký nhưng đối với những đối tượng này thì đa số chưa được đào tạo về CNTT (chỉ dừng lại ở trình độ tin học A, B).
Ba là, Về máy móc, trang thiết bị: Cũ, lỗi thời.
Bốn là, Đối với ngành THADS, cấp Cục và Chi cục là cấp thực hiện, việc thực hiện các Phần mềm phải phụ thuộc vào hệ thống máy chủ do Tổng cục quản lý, bên cạnh đó, các Phần mềm do Tổng cục, Bộ Tư pháp triển khai thực hiện chưa hoàn chỉnh, vừa thực hiện vừa chỉnh sửa nên phần nào cũng ảnh hưởng.
Năm là, Công việc ngành THADS ngày càng nặng nề, phát sinh nhiều, chỉ tiêu giao ngày càng cao, nhưng theo lộ trình thì biên chế ngày càng giảm. Chấp hành viên, thư ký phải thường xuyên đi công tác, giải quyết án và thường tập trung vào công việc chuyên môn chính nên ít giành thời gian (hoặc không còn thời gian) để cập nhật hồ sơ vào Phần mềm.
Mặt dù đặt ra nhiều khó khăn, thách thức nêu trên, nhưng vẫn phải xác định ứng dụng CNTT là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả và chất lượng phục vụ cho công tác lãnh đạo điều hành của Lãnh đạo, bên cạnh đó còn phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp. Cho nên, thời gian qua, thực hiện theo chỉ đạo của Tổng cục THADS, Cục THADS tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các Chi cục THADS huyện, thành phố triển khai đầy đủ các phần mềm về THADS do Bộ Tư pháp, Tổng Cục THADS cấp để nâng cao hiệu quả công tác. Đến nay, việc ứng dụng CNTT ngày càng được triển khai sâu rộng, phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Cục. Đồng thời, góp phần đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm thiểu các quy trình công việc đang được tiến hành theo phương pháp thủ công.
Từ năm 2018 đến nay, các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã cập nhật đầy đủ hồ sơ thi hành án vào Phần mềm quản lý quá trình Thi hành án và báo cáo thống kê, thực hiện tốt việc cập nhật đầy đủ, kịp thời tất cả trình tự, thủ tục Thi hành án từ khâu thụ lý, ra Quyết định, xử lý tiền, tài sản… đến khi kết thúc hồ sơ thi hành án đưa vào lưu trữ. Ưu điểm của Phần mềm này là giúp Lãnh đạo quản lý, theo dõi được toàn bộ hồ sơ thi hành án từ quá trình thụ lý đến tổ chức thi hành và trích xuất báo cáo thống kê số liệu THADS… Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành, tạo sự công khai, minh bạch trong công tác THADS.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống Thi hành án dân sự, trong đó đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ, ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp, tăng cường tính công khai minh bạch trong hoạt động thi hành án dân sự. Từ năm 2019 đến nay, Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục triển khai thêm nhiều Phần mềm: Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, Phần mềm hỗ trợ trực tuyến THADS, sử dụng chữ ký số, giao nhận văn bản điện tử, quản lý Trang TTĐT của Cục....
Bước đầu thực hiện có kết quả, tuy nhiên việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực THADS trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết tín năng sử dụng của từng loại, từng Phần mềm. Chưa cập nhật kịp thời, đầy đủ theo yêu cầu. Cán bộ, công chức, người lao động chưa có ý thức tự giác thực hiện, còn trong chờ vào sự chỉ đạo của cấp trên.
Với mong muốn ngành THADS tỉnh Kiên Giang ngày một phát triển, đi lên, theo kịp với các ngành khác, các tỉnh khác, nhất thiết không thể phủ nhận vai trò của công nghệ cũng như không thể không áp dụng CNTT vào công việc. Từ thực tế trên, để nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong Thi hành án dân sự trong thời gian tới, cần thực hiện như sau:
Một là, Nâng cao trình độ nhận thức cho cán bộ, công chức về ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ: Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin chưa thể đạt được hiệu quả cao là do việc chưa nhận thức đúng và đánh giá đúng vai trò của việc ứng dụng công nghệ thông tin. Vì vậy, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những giải pháp hết sức quan trọng. Để làm được điều này thì không ai khác hơn là vai trò của người Lãnh đạo (Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Phòng và Lãnh đạo Chi cục).
Hai là, Tăng cường trang bị kiến thức về công nghệ thông tin, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ công chức. Tổ chức các lớp tập huấn hoặc đưa đi đào tạo.
Ba là, Tạo ra các hiệu ứng lan tỏa bằng cách tổ chức các phong trào, các hội thi ứng dụng công nghệ thông tin. Từ đó, khuyến khích được việc tự nâng cao trình độ, tăng nhận thức và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ở các đơn vị, đồng thời tạo được môi trường học tập kinh nghiệm lẫn nhau.
Bốn là, Bố trí, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin: Đội ngũ cán bộ chuyên trách là điều kiện để đảm bảo cho việc ứng dụng công nghệ thông tin được ổn định và cải tiến thường xuyên. Chỉ khi có một đội ngũ cán bộ chuyên trách có trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ tin học mới có thể đảm bảo cho việc ứng dụng công nghệ thông tin được ổn định và phát triển lâu dài. Vì vậy, nhất thiết tại Cục và mỗi 01 Chi cục phải có 01 cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan không được tăng thêm biên chế, do đó cần xây dựng chính sách đào tạo đội ngũ công chức, người lao động, ưu tiên đào tạo đội ngũ sẵn có.
Năm là, Thường xuyên sử dụng hệ thống hòm thư điện tử công vụ để trao đổi công việc và văn bản điện tử, chữ ký số. Sử dụng có hiệu quả mạng nội bộ để trao đổi công việc cũng như công tác quản lý, điều hành. Chỉ đạo triệt để việc ứng dụng chữ ký số trong phát hành văn bản.
Sáu là, Ứng dụng các công nghệ truyền thông đa phương tiện để thực hiện việc trao đổi thông tin, điều hành, họp, làm việc qua mạng. Điều này sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác lãnh đạo, điều hành, đồng thời tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí./.
                                 Võ Thị Hồng Thắm – CVP Cục THADS tỉnh Kiên Giang

Các tin đã đưa ngày: