I. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM VÀ PHẠM VI SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
1. Mục đích
Mục đích sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, tạo cơ sở pháp lý cho sự chuyển biến cơ bản, bền vững, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, góp phần bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, theo đó bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
2. Quan điểm
Việc sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự trên cơ sở 03 quan điểm sau đây:
2.1. Tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó có nội dung liên quan đến quản lý công tác thi hành án dân sự theo hướng tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân địa phương trong công tác thi hành án dân sự;
2.2. Bảo đảm sự phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, trong đó Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, Thi hành án dân sự là cơ quan thuộc hệ thống hành pháp tham gia thực hiện kết quả hoạt động của quyền tư pháp; có tính đến những nội dung sửa đổi, bổ sung lớn trong các luật, bộ luật khác đang được sửa đổi, bổ sung như Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự;
2.3. Chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã được Bộ Chính trị kết luận, những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, đã được nghiên cứu rõ về lý luận, được thực tiễn kiểm nghiệm phù hợp.
3. Phạm vi
Với các quan điểm nêu trên, Luật sửa đổi, bổ sung 55/183 điều so với Luật hiện hành, trong đó bổ sung 03 điều; sửa đổi, bổ sung 44 điều và bãi bỏ 06 điều và bãi bỏ một phần của 02 điều (Điều 32, 33, 34, 51, 138 và 139, điểm b khoản 1 Điều 163, các khoản 3 và 4 Điều 179 của Luật thi hành án dân sự hiện hành), không kể một số từ ngữ được sửa đổi chung.
II. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Luật sửa đổi, bổ sung) có những nội dung cơ bản sau đây:
1. Quyền, nghĩa vụ của đương sự trong thi hành án dân sự
Để tạo cơ sở pháp lý tốt hơn bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp 2013, Luật sửa đổi, bổ sung có 03 điều (Điều 7, 7a và 7b) quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự trong thi hành án dân sự. Theo đó, quy định cụ thể, quyền nghĩa vụ của từng chủ thể:
1.1. Quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án
Điều 7 của Luật thi hành án dân sự 2008 về quyền yêu cầu thi hành án, đã được sửa đổi thành điều luật quy định về quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án. Điều 7 Luật sửa đổi, bổ sung được thiết kế để quy định về những quyền, nghĩa vụ cơ bản nhất của người được thi hành án, bên cạnh những quyền, nghĩa vụ cụ thể khác được quy định tại các điều luật liên quan xuyên suốt quá trình tổ chức thi hành án dân sự nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự thực hiện, do đó, điều luật được thiết kế với sự phân định rõ ràng giữa quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án.
Trong các quyền của người được thi hành án, Luật sửa đổi, bổ sung quy định rõ hơn về quyền yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án; được thông báo về thi hành án; thỏa thuận với người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án; tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; được ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình; chuyển giao quyền được thi hành án cho người khác.
Một quyền rất mới mà Luật sửa đổi, bổ sung bổ sung cho đương sự, đó là quyền được yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ. Quy định này phù hợp với quy định hiện hành về thay đổi người tiến hành tố tụng trong các thủ tục tố tụng, đảm bảo sự khách quan trong tổ chức thi hành án dân sự, tạo niềm tin cho nhân dân đối với hoạt động thi hành án dân sự.
Đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi một cách căn bản quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án liên quan đến việc xác minh điều kiện thi hành án. Theo đó, Điều 44 Luật thi hành án dân sự 2008 quy định người được thi hành án có nghĩa vụ tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; nếu muốn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiến hành xác minh thì phải chứng minh là đã tiến hành xác minh không có kết quả và phải chịu chi phí xác minh. Quy định trên trong thực tiễn thực hiện cho thấy chưa phù hợp ở giai đoạn hiện tại của điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước, do cơ chế quản lý, công khai tài sản chưa được hoàn thiện, minh bạch, sự hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân để người được thi hành án thực hiện nghĩa vụ này còn chưa hiệu quả, vì vậy, nghĩa vụ này trở thành gánh nặng cho người được thi hành án, nhất là đối với những người được thi hành án già cả, neo đơn, ốm đau, nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, ở địa phương khác với người phải thi hành án. Tiếp cận từ quan điểm “việc gì có lợi cho dân thì làm”, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người được thi hành án trong việc thực hiện quyền yêu cầu thi hành án đã được pháp luật công nhận, trên cơ sở khôi phục quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự 1993 và Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004, Luật sửa đổi, bổ sung bỏ nghĩa vụ của người được thi hành án trong việc phải chứng minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, phải chứng minh đã tiến hành xác minh mới có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiến hành xác minh, do đó, bỏ nghĩa vụ của người yêu cầu thi hành án phải nộp chi phí xác minh. Từ nghĩa vụ xác minh, Luật sửa đổi, bổ sung quy định chuyển hóa thành quyền của người được thi hành án trong việc cho phép họ được tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp cho cơ quan thi hành án thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án do Chấp hành viên thực hiện; trong trường hợp cung cấp thông tin chính xác về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ thì người được thi hành án còn được miễn, giảm phí thi hành án.
Mặt khác, một trong những sự bức xúc của người được thi hành án đó là tình trạng người phải thi hành án tìm mọi cách để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án, như: không nhận tài sản là của mình, đồng ý tài sản là của người khác, không khởi kiện yêu cầu phân chia tài sản chung. Do đó, Luật đã quy định bổ sung quyền của người được thi hành án trong việc yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án. Đây là quyền quan trọng để tạo cơ hội cho người được thi hành án bảo vệ kịp thời và đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp mà bản án, quyết định đã ghi nhận.
Người được thi hành án có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định; thực hiện các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án; thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú; chịu phí, chi phí thi hành án theo quy định.
1.2. Quyền, nghĩa vụ của người phải thi hành án
Tương tự như nội hàm của Điều 7, Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung mới Điều 7a về quyền, nghĩa vụ của người phải thi hành án. Bên cạnh các quyền của người phải thi hành án (cũng là các quyền chung với người được thi hành án), Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung điểm quan trọng là quy định người phải thi hành án có nghĩa vụ kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án; cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đó. Đây là quy định mới, vừa khuyến khích sự tự nguyện thi hành án, nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, ràng buộc trách nhiệm của người phải thi hành án đối với nghĩa vụ thi hành án, vừa giảm tải trách nhiệm của Chấp hành viên, chi phí của nhà nước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người được thi hành án.
Mặt khác, người phải thi hành án bổ sung quy định người phải thi hành án có nghĩa vụ thực hiện các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án; thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú.
1.3. Quyền, nghĩa vụ của người có quyền, nghĩa vụ liên quan
Với việc bổ sung mới Điều 7b về quyền, nghĩa vụ của người có quyền, nghĩa vụ liên quan, Luật sửa đổi, bổ sung đã làm rõ các quyền của người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án giữa các bên đương sự, giúp cho họ kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự.
Luật sửa đổi, bổ sung cũng khẳng định người có quyền, nghĩa vụ liên quan có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án; thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thi hành án dân sự.
2. Kiểm sát việc thi hành án
Luật sửa đổi, bổ sung quy định rõ hơn Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án dân sự.
Khi kiểm sát thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể. Theo đó, mở rộng đối tượng kiểm sát ngoài quyết định, hành vi của Chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thì còn kiểm sát cả quyết định, hành vi của Tòa án trong thi hành án dân sự, như: cấp, chuyển giao bản án, quyết định v.v. Đồng thời kiểm sát cả các tổ chức, cá nhân liên quan.
Mặt khác, quy định rõ hơn các hình thức kiểm sát, gồm: Yêu cầu, kiến nghị và kháng nghị. Trong 03 hình thức kiểm sát, riêng đối với kháng nghị thì cơ quan thi hành án dân sự phải trả lời và thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thi hành án dân sự
- Khoản 7 Điều 14 sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh: Báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định của pháp luật; báo cáo Tòa án nhân dân về kết quả thi hành bản án, quyết định khi có yêu cầu.
- Khoản 2 Điều 15 sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thi hành án cấp quân khu báo cáo Tòa án nhân dân về kết quả thi hành bản án, quyết định khi có yêu cầu.
- Khoản 7 Điều 16 sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện: Báo cáo công tác thi hành án dân sự trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định của pháp luật; báo cáo Tòa án nhân dân về kết quả thi hành bản án, quyết định khi có yêu cầu.
4. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên
Điều 18 Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định về điều kiện bổ nhiệm Chấp hành viên, chức danh được bổ nhiệm thông qua cơ chế thi tuyển. Trong đó, khoản 5 Điều 18 quy định việc bổ nhiệm Chấp hành viên trong quân đội thông qua việc thi tuyển theo quy trình chung.
Để tạo được sự an tâm công tác, tạo động lực phấn đấu, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ thi hành án, đồng thời tiếp tục sử dụng những người đã có thực tiễn làm Chấp hành viên nhiều năm nhưng do yêu cầu công tác đang làm nhiệm vụ khác; cũng như thu hút những người có kinh nghiệm làm công tác pháp luật ở ngoài đơn vị, ngoài ngành, từ đó, nâng cao chất lượng cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu thi hành án được Quốc hội giao, Dự án Luật tại khoản 6 quy định ngoài những người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên được điều động đến công tác tại cơ quan Thi hành án dân sự mà Luật Thi hành án dân sự 2008 đã quy định, thì Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung người đã từng là Chấp hành viên nhưng được bố trí làm nhiệm vụ khác nay được điều động trở lại và có đủ điều kiện quy định chung thì có thể được bổ nhiệm làm Chấp hành viên ở ngạch tương đương không qua thi tuyển.
Nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ, trong trường hợp đặc biệt, cấp bách phải bổ nhiệm ngay Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, kế thừa và cụ thể hóa quy định hiện hành, Luật đã làm rõ trường hợp đặc biệt do nhu cầu bổ nhiệm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 05 năm trở lên có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp; có 10 năm làm công tác pháp luật trở lên có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên trung cấp; có 15 năm làm công tác pháp luật trở lên có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên cao cấp không qua thi tuyển.
5. Thủ tục thi hành án dân sự
5.1. Chuyển giao bản án, quyết định
- Điều 28 bổ sung trách nhiệm của Trong tài thương mại phải chuyển giao quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay sau khi ra quyết định.
- Mặt khác, quy định cụ thể hơn thời hạn Tòa án, Trong tài phải chuyển giao bản án, quyết định:
+ Toà án đã ra bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b, c, d và g khoản 1 Điều 2 của Luật này phải chuyển giao bản án, quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
+ Toà án đã ra bản án, quyết định quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 của Luật này phải chuyển giao bản án, quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định.
+ Tòa án, Trọng tài thương mại đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chuyển giao quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay sau khi ra quyết định.
5.2. Thủ tục nhận bản án, quyết định
Quy định cụ thể về cách thức khi nhận bản án, quyết định do Toà án, Trọng tài thương mại chuyển giao, cơ quan Thi hành án dân sự phải kiểm tra, vào sổ nhận bản án, quyết định. Việc giao, nhận trực tiếp bản án, quyết định phải có chữ ký của hai bên; trường hợp nhận được bản án, quyết định và tài liệu có liên quan bằng đường bưu điện thì cơ quan Thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho Toà án đã chuyển giao biết.
5.3. Tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án (Điều 31) có các nội dung:
- Gộp các Điều 31, 32, 33 và 34 thành 01 điều.
- Thay đổi quy định “đơn yêu cầu thi hành án” bằng thuật ngữ có ý nghĩa chung hơn “yêu cầu thi hành án” để thể hiện việc yêu cầu thi hành án không chỉ bằng đơn mà còn bằng hình thức khác và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế không bắt buộc phải chỉ bằng đơn yêu cầu thi hành án.
- Quy định rõ hơn về tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án thay cho tiếp nhận, từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án.
- Không bắt buộc yêu cầu thi hành án phải có thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án (chỉ quy định nếu có).
- Quy định trường hợp người yêu cầu trực tiếp trình bày bằng lời nói thì cơ quan thi hành án dân sự phải lập biên bản có các nội dung cụ thể; biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu.
- Quy định khi tiếp nhận yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra nội dung yêu cầu và các tài liệu kèm theo, vào sổ tiếp nhận yêu cầu thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu thay cho việc cấp giấy xác nhận đã nhận đơn như trước đây.
5.4. Thẩm quyền thi hành án
- Cùng với các điều khoản khác trong Luật thi hành án dân sự số 26/2008/QH12, tại Điều 35 Luật thi hành án dân sự cụm từ “Tòa án cấp tỉnh” được thay bằng cụm từ “Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”; cụm từ “Tòa án cấp huyện” được thay bằng cụm từ “Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương”.
- Về nội dung, điểm c khoản 1, khoản 2 và điểm d khoản 3 Điều 35 được sửa đổi, bổ sung như sau:
+ Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có thẩm quyền thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở.
+ Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết của Tòa án nhân dân cấp cao; phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại.
+ Cơ quan thi hành án cấp quân khu có thẩm quyền thi hành quyết định dân sự của Toà án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan thi hành án cấp quân khu.
5.5. Ra quyết định thi hành án
Có những nội dung sửa đổi, bổ sung là:
- Thay đổi kỹ thuật xây dựng pháp luật quy định về ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu chuyển lên trước quy định về chủ động ra quyết định thi hành án nhằm đáp ứng hơn yêu cầu tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013.
- Bổ sung một số loại việc chủ động thi hành án để bảo đảm lợi ích Nhà nước, gồm:
+ Lệ phí Tòa án.
+ Các khoản thu khác cho Nhà nước (ngoài khoản tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản như Luật thi hành án dân sự năm 2008).
+ Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
- Quy định rõ hơn thời hạn ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với một số trường hợp cụ thể:
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định về hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án; trả lại tiền, tài sản cho đương sự; tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước; thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án.
+ Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải ra ngay quyết định thi hành án.
+ Đối với quyết định của Tòa án giải quyết phá sản thì phải ra quyết định thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định.
- Quy định rõ quyết định thi hành án phải ghi rõ họ tên, chức vụ của người ra quyết định; số, ngày, tháng, năm, tên cơ quan, tổ chức ban hành bản án, quyết định; tên, địa chỉ của người phải thi hành án, người được thi hành; phần nghĩa vụ phải thi hành án; thời hạn tự nguyện thi hành án.
5.6. Gửi quyết định về thi hành án
Quy định rõ trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, các quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
Quyết định cưỡng chế thi hành án phải được gửi cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án.”
5.7. Xác minh điều kiện thi hành án
Vấn đề này có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung:
- Chuyển trách nhiệm xác minh của người phải thi hành án thành trách nhiệm của Nhà nước (Chấp hành viên).
- Xác định rõ thời hạn Chấp hành viên phải tiến hành xác minh: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay.
Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan Thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
- Bổ sung quy định mới: “Người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình”.
- Cho phép cơ quan thi hành án dân sự có thể ủy quyền cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc hoặc có trụ sở để xác minh điều kiện thi hành án.
- Quy định khi xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên có trách nhiệm cụ thể như: Xuất trình thẻ Chấp hành viên; lập biên bản thể hiện đầy đủ kết quả xác minh có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh thay cho phải 03 chữ ký như trước đây.v.v.
- Quy định người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan Thi hành án dân sự. Trường hợp Chấp hành viên thấy cần thiết hoặc kết quả xác minh của Chấp hành viên và người được thi hành án khác nhau hoặc có kháng nghị của Viện kiểm sát thì phải xác minh lại. Việc xác minh lại được tiến hành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát.
- Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án phải cung cấp thông tin cho Chấp hành viên, người được thi hành trong thời hạn nhất định và phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin:
a) Cơ quan, tổ chức, công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường, cán bộ, công chức cấp xã khác và cá nhân có liên quan thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên và phải chịu trách nhiệm về các nội dung thông tin đã cung cấp;
b) Bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; ký vào biên bản trong trường hợp Chấp hành viên xác minh trực tiếp hoặc trả lời bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên, đối với thông tin về tài khoản thì phải cung cấp ngay;
c) Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được thi hành án có yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
- Trường hợp người được thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
5.8. Xác định việc chưa có điều kiện thi hành án
Đây là quy định hoàn toàn mới so với pháp luật hiện hành, Điều 44a được bổ sung với 02 khoản, với các nội dung sau đây:
- Căn cứ kết quả xác minh điều kiện thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người phải thi hành án không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án;
b) Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được; phải trả giấy tờ nhưng giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được mà đương sự không có thỏa thuận khác;
c) Chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án, người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng.
- Luật sửa đổi, bổ sung quy định thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành được đăng tải trên trang thông tin điện tử về thi hành án dân sự và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác minh để niêm yết. Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì cơ quan thi hành án phải tổ chức thi hành.
Quy định mới này nhằm nhắc nhở người phải thi hành án cân nhắc, lựa chọn biện pháp tự nguyện thi hành án, hạn chế các trường hợp không chấp hành án, góp phần giảm tải chi phí, thời gian, trách nhiệm của Chấp hành viên và người được thi hành án trong tiến trình tổ chức thi hành án; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người phải thi hành án đối với việc chấp hành pháp luật để tiếp tục giữ uy tín; từ đó, đảm bảo quyền lợi cho người được thi hành án, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự, phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc công khai thông tin về tình hình hoạt động, về khả năng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án sẽ giúp cho các giao dịch mới thận trọng hơn, đảm bảo hơn, tránh lặp lại quy trình tranh chấp, khiếu kiện, thi hành án.
5.9. Thời hạn tự nguyện thi hành án
Nội dung này được sửa đổi theo hướng rút ngắn thời hạn tự nguyện thi hành án từ 15 ngày theo quy định tại Điều 45 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 xuống còn 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Quy định này nhằm hạn chế việc kéo dài thời hạn thi hành án, đồng thời phù hợp với thời hạn Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án quy định tại Điều 44 Luật thi hành án dân sự.
5.10. Thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án
Nội dung này có 03 vấn đề được sửa đổi, bổ sung, cụ thể:
- Bổ sung khoản lệ phí Tòa án được thanh toán cùng hàng với án phí Tòa án (điểm b khoản 1 Điều 47 Luật thi hành án dân sự).
- Sửa đổi làm rõ hơn quy định về thứ tự thanh toán tiền thi hành án trong trường hợp bán tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể (khoản 3 Điều 47). Theo đó, kỹ thuật lập pháp quy định theo hướng xác định chủ thể là bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc không phải là người được thi hành án làm cơ sở cho việc thanh toán tiền thi hành để thống nhất với điều 90 Luật thi hành án dân sự. Về nội dung, bổ sung quy định án phí, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này được thanh toán trước khoản tiền bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể từ số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp, bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm của bản án, quyết định được thi hành đó.
Ngược lại, trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp không phải là người được thi hành án thì người nhận cầm cố, thế chấp được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán các khoản án phí, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này.
- Bổ sung quy định ngoài việc thanh toán tiền thi hành án thì quy định trả tài sản thi hành án vào tên của Điều luật và khoản 5 của Điều 47 Luật Thi hành án dân sự, đồng thời quy định dẫn chiếu phương thức xử lý tài sản tại Điều 126 của Luật này. Theo đó, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền, tài sản thi hành án, Chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án.
Trường hợp đương sự không đến nhận thì tiền, tài sản đó được xử lý theo quy định tại Điều 126 của Luật này.
5.11. Hoãn thi hành án
Nội dung này sửa đổi, bổ sung các trường hợp hoãn thi hành án. Cụ thể là Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp sau đây:
a) Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án;
b) Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định;
c) Đương sự đồng ý hoãn thi hành án; việc đồng ý hoãn thi hành án phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của đương sự; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác;
d) Tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này; tài sản được kê biên theo Điều 90 của Luật này nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm;
đ) Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại điểm b khoản 2 và điểm d khoản 3 Điều 170 của Luật này;
e) Người được nhận tài sản, người được giao nuôi dưỡng đã được thông báo hợp lệ 02 lần về việc nhận tài sản, nhận người được nuôi dưỡng nhưng không đến nhận;
g) Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 54 của Luật này chưa thực hiện được vì trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng;
h) Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 104 của Luật này.
5.12. Đình chỉ thi hành án
- Bỏ cụm từ “các” trong tiêu đề của trường hợp đình chỉ thi hành án. Theo đó, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp do Luật này quy định.
- Sửa đổi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 về đình chỉ thi hành án trong trường hợp đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự “không tiếp tục việc thi hành án”, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba bằng việc “đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sựđình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ quyền, lợi ích được hưởng theo bản án, quyết định,trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba”.
- Sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 50 “Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 103 của Luật này”. Theo đó, bổ sung quy định không đình chỉ thi hành án trong trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác.
- Sửa đổi điểm e khoản 1 Điều 50 theo hướng bỏ quy đinh đình chỉ thi hành án trong trường hợp có quyết định “giảm một phần nghĩa vụ thi hành án”. Vì vậy, theo khoản này thì đình chi thi hành án khi “ có quyết định miễn nghĩa vụ thi hành án”.
- Sửa đổi điểm h khoản 1 Điều 50 theo hướng bổ sung đình chỉ thi hành án trong trường hợp “người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định đã chết hoặc đã thành niên”.
5.13. Kết thúc thi hành án
Do bỏ cơ chế trả đơn yêu cầu thi hành án, vì vậy cũng bỏ trường hợp đã có quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án, do đó, việc thi hành án đương nhiên kết thúc chỉ còn trong 02 trường hợp sau đây:
- Đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình.
- Có quyết định đình chỉ thi hành án.
5.14. Chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án
Điểm d và điểm e khoản 1 Điều 54 được sửa đổi, bổ sung như sau:
- Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án đối với trường hợp doanh nghiệp giải thể do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp thì nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao theo quy định của Luật doanh nghiệp.
- Trường hợp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần mà trước đó chưa thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của mình thì sau khi chuyển đổi, công ty cổ phần tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án.
5.15. Điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước(khoản 1 Điều 61).
- Sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định điều kiện chung mà người phải thi hành án có thể được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và gia đình họ;
b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
- Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước có thể được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị dưới 5.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng.
- Người phải thi hành án đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước thì có thể được xét giảm một phần nghĩa vụ thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần tư số tiền còn lại phải thi hành án;
c) Hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án mà phần nghĩa vụ còn lại có giá trị từ trên 100.000.000 đồng, mỗi lần giảm không quá một phần năm số tiền còn lại phải thi hành án nhưng tối đa không quá 50.000.000 đồng/lần.
- Người phải thi hành án đã tích cực thi hành được một phần án phí, tiền phạt nhưng lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục thi hành được phần nghĩa vụ còn lại hoặc lập công lớn thì có thể được miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại.
- Người phải thi hành án (trừ trường hợp người phải thi hành án đã tích cực thi hành được một phần án phí, tiền phạt nhưng lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục thi hành được phần nghĩa vụ còn lại hoặc lập công lớn thì có thể được miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại) chỉ được xét miễn hoặc giảm một lần trong 01 năm đối với mỗi bản án, quyết định. Quyết định thi hành án lần đầu là căn cứ để xác định thời hạn xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
6. Các biện pháp bảo đảm thi hành án
6.1. Biện pháp phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ (Điều 67) được sửa đổi, bổ sung nội dung sau:
- Bổ sung biện pháp phong toả tài sản ở nơi gửi giữ.
- Bổ sung đối tượng “cá nhân” đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án” phải thực hiện quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm.
- Bổ sung quy định về lập biên bản và thực hiện lập biện bản trước khi ra quyết định áp dụng phong toả tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ. Trường hợp cần phong tỏa ngay tài khoản, tài sản của người phải thi hành án ở nơi gửi giữ mà chưa ban hành quyết định phong tỏa thì Chấp hành viên lập biên bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án phong tỏa tài khoản, tài sản đó. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản phải thực hiện ngay yêu cầu của Chấp hành viên về phong toả tài khoản, tài sản. Biên bản, quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản trong trường hợp này phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
- Sửa đổi nâng thời hạn từ 05 ngày làm việc lên thành 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong toả tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chếhoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa theo quy định của Luật này. Thời hạn này cũng phù hợp với thời hạn tự nguyện thi hành án được sửa đổi từ 15 ngày xuống 10 ngày, kể từ ngày đương sự nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
6.2. Biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự
Được sửa đổi, bổ sung những nội dung sau:
- Sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn trách nhiện của cơ quan, tổ chức và bổ sung trách nhiệm của cá nhân trong việc thực hiện quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ.
- Bổ sung rõ hơn việc tạm giữ tài sản, giấy tờ phải bằng quyết định, cũng như cách thức thực hiện quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ. Trường hợp cần tạm giữ ngay tài sản, giấy tờ mà chưa ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ thì Chấp hành viên yêu cầu giao tài sản, giấy tờ và lập biên bản về việc tạm giữ. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ.
- Bổ sung nội dung “Chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng và thông báo cho đương sự, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ. Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định người có quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ”.
- Thay đổi quy định về xử lý quyết định tạm giữ theo hướng chuyển đổi thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc chấm dứt việc tạm giữ thành “trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV của Luật này; trường hợp có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì phải ra quyết định trả lại tài sản, giấy tờ cho người có quyền sở hữu, sử dụng.
6.3. Biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản (Điều 69)
- Sửa đổi, bổ sung rõ hơn quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản phải được gửi ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó.
- Bổ sung quy định Chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản.
Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản và yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản theo quy định của pháp luật.
- Thay đổi quy định về xử lý quyết định tạm dừng theo hướng chuyển đổi thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc chấm dứt việc tạm dừng thành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV của Luật này; trường hợp có căn cứ xác định tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì Chấp hành viên phải ra quyết định chấm dứt việc tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.
7. Về cưỡng chế thi hành án dân sự
7.1. Kế hoạch cưỡng chế thi hành án
Được sửa đổi, bổ sung cho rõ hơn: Chấp hành viên lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án trong trường hợp cần huy động lực lượng chứ không phải trong bất kỳ trường hợp là như trước đây và bổ sung kế hoạch cưỡng chế thi hành án phải có tên người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Mặt khác, bổ sung quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kế hoạch cưỡng chế của cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp, cơ quan Công an có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và lập phương án bảo vệ cưỡng chế. Cơ quan Công an có trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để giữ gìn trật tự, bảo vệ hiện trường, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi tẩu tán tài sản, cản trở, chống đối việc thi hành án, tạm giữ người chống đối, khởi tố vụ án hình sự khi có dấu hiệu phạm tội.
7.2. Chi phí cưỡng chế thi hành án (điểm a khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 73)
Được sửa đổi, bổ sung theo hướng người được thi hành án phải không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án, chi phí này được chuyển về ngân sách nhà nước trả.
7.3. Xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án
Được sửa đổi, bổ sung theo hướng:
- Đổi tên điều luật từ “Cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung” thành “Xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án”.
- Quy định rõ hơn Chấp hành viên phải tự xác định phần tài sản chung của người phải thi hành án để xử lý. Trong trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản đó biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận, thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.
Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Toà án.
- Bổ sung và quy định rõ hơn về quyền của chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung. Trước khi bán tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung, Chấp hành viên thông báo và định thời hạn cho chủ sở hữu chung mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định trong thời hạn ba tháng đối với bất động sản, một tháng đối với động sản; đối với những lần bán tài sản tiếp theo thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ (khác với Nghị định 125 chỉ ưu tiên lần đầu).
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn ưu tiên mà chủ sở hữu chung không mua tài sản thì tài sản được bán theo quy định tại Điều 101 của Luật này.
7.3. Giải quyết tranh chấp, yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án
Điều 75 được sửa đổi, bổ sung những nội dung sau:
- Thay tên điều từ “Xử lý đối với tài sản khi cưỡng chế có tranh chấp” thành “Giải quyết tranh chấp, yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án”.
- Quy định về quyền khởi kiện của người tranh chấp: Trường hợp tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế để thi hành án mà có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ được khởi kiện tại Toà án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì việc xử lý tài sản được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại Toà án hoặc không đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì Chấp hành viên xử lý tài sản để thi hành án theo quy định của Luật này.
- Bổ sung quy định trường hợp có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.
Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.
- Bổ sung quy định trường hợp Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất trong khối tài sản chung, tuyên bố giao dịch vô hiệu hủy các giấy tờ liên quan đến giao dịch quy định để thi hành án thì không phải chịu án phí, lệ phí Tòa án.
7.4. Định giá lại tài sản kê biên
Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 và bổ sung khoản 3 vào Điều 99 theo hướng việc được thực hiện trong trường hợp sau đây:
- Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần và chỉ được chấp nhận nếu đương sự có đơn yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá và phải nộp ngay tạm ứng chi phí định giá lại tài sản.
- Giá thẩm định lại được lấy làm giá khởi điểm để bán đấu giá theo quy định.
7.5. Hủy kết quả bán đấu giá tài sản (Điều 102)
- Bổ sung vào khoản 1 việc hủy kết quả bán đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy thì việc xử lý tài sản để thi hành án được thực hiện theo quy định của Luật này.
- Sửa đổi từ “đương sự” tại khoản 2 thành “người mua được tài sản bán đấu giá”, Chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản.
7.6. Bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án
- Thay đổi tên Điều 103 từ “Giao tài sản bán đấu giá” thành “Bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án”, đồng thời bổ sung một số nội dung mới.
- Người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó.
- Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác.
- Việc cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án thực hiện theo quy định tại các điều 114, 115, 116 và 117 của Luật này.
7.7. Xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành (Điều 104)
- Bổ sung cơ chế xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, trả giá.
- Quy định rõ hơn về cách thức xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành:
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của tổ chức bán đấu giá về việc tài sản đưa ra bán đấu giá lần đầu nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì Chấp hành viên thông báo và yêu cầu đương sự thỏa thuận về mức giảm giá tài sản.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu đương sự không thoả thuận hoặc thoả thuận không được về mức giảm giá thì Chấp hành viên quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá.
+ Từ sau lần giảm giá thứ hai trở đi mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì người được thi hành án có quyền nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án.
Trường hợp người được thi hành án đồng ý nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì Chấp hành viên thông báo cho người phải thi hành án biết.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được thông báo về việc người được thi hành án đồng ý nhận tài sản để thi hành án, nếu người phải thi hành án không nộp đủ số tiền thi hành án và chi phí thi hành án để lấy lại tài sản đưa ra bán đấu giá thì Chấp hành viên giao tài sản cho người được thi hành án. Đối với tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng thì Chấp hành viên ra quyết định giao tài sản cho người được thi hành án để làm thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản đó cho người được thi hành án. Người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng tài sản không tự nguyện giao tài sản cho người được thi hành án thì bị cưỡng chế thi hành án.
+ Trường hợp người được thi hành án không đồng ý nhận tài sản để thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Nếu giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án vẫn không nhận để trừ vào số tiền được thi hành án thì tài sản được giao lại cho người phải thi hành án quản lý, sử dụng. Người phải thi hành án không được đưa tài sản này tham gia các giao dịch dân sự cho đến khi họ thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án.
+ Đối với tài sản bán đấu giá để thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc tài sản đưa ra bán đấu giá nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì Chấp hành viên quyết định giảm giá để tiếp tục bán đấu giá tài sản.
+ Mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần bán đấu giá liền kề trước đó.
7.8. Đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản
- Quy định rõ hơn hồ sơ đăng ký chuyển quyền sở hữu, sử dụng gồm có quyết định kê biên tài sản, nếu có; văn bản bán đấu giá thành hoặc quyết định giao tài sản, biên bản giao nhận tài sản để thi hành án.
- Bổ sung quy định trường hợp tài sản là quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đấtmà không có hoặc không thu hồi được giấy chứng nhận thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Chính phủ.
- Quy định cụ thể hơn giấy tờ được cấp mới thay thế cho giấy tờ không thu hồi được. Giấy tờ không thu hồi không còn giá trị.
7.9. Thủ tục cưỡng chế trả vật
Điểm c khoản 1 Điều 114 được sửa đổi, bổ sung theo hướng bỏ quy định trả đơn yêu cầu thi hành án ở Điều này trong trường hợp cưỡng chế đối với vật đặc định, nếu vật không còn hoặc bị hư hỏng đến mức không sử dụng được mà đương sự có thoả thuận khác về việc thi hành án thì Chấp hành viên thi hành theo thoả thuận. Trường hợp đương sự không thoả thuận được thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết về thiệt hại do vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không sử dụng được.
7.10. Cưỡng chế giao, trả giấy tờ (Điều 116)
- Bổ sung quy định về cưỡng chế giao giấy tờ cùng với trả giấy tờ như trước đây. Theo đó,trường hợp người phải thi hành án không giao, trả giấy tờ cho người được thi hành án theo nội dung bản án, quyết định thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc người phải thi hành án giao, trả giấy tờ đó.
Trường hợp xác định người thứ ba đang giữ giấy tờ phải giao, trả thì Chấp hành viên yêu cầu người đó giao, trả giấy tờ đang giữ, nếu người thứ ba không tự nguyện giao, trả thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc người đó giao, trả giấy tờ để thi hành án.
- Bổ sung quy định về trường hợp giấy tờ không thể thu hồi được nhưng có thể cấp lại thì Chấp hành viên yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định hủy giấy tờ đó và cấp giấy tờ mới cho người trúng đấu giá tài sản thi hành án.
- Bổ sung quy định trường hợp không thu hồi được giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 106 của Luật này.
Trường hợp giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được thì ra quyết định xác định việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành theo quy định tại Điều 44a của Luật này.
8. Tạm đình chỉ, đình chỉ và khôi phục thi hành án đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản
Sửa đổi khoản 2 Điều 137, đồng thời bỏ Điều 138, 139 cho phù hợp với Luật phá sản năm 2014. Theo đó, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ việc thi hành án về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án lâm vào tình trạng phá sản ngay sau khi nhận được quyết định của Tòa án về việc mở thủ tục phá sản.
Việc tiếp tục thi hành nghĩa vụ về tài sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án trong trường hợp này thực hiện theo quy định của Luật phá sản. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm chỉ đạo Chấp hành viên bàn giao cho Tòa án các tài liệu thi hành án có liên quan đến việc tiếp tục thi hành nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản.
9. Giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự
Bổ sung khoản 5 vào Điều 146 thời hạn giải quyết khiếu nại như sau: “Trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại.”
10. Trả lời kháng nghị của Viện kiểm sát
Khoản 1, điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 161 được sửa đổi, bổ sung như sau:
- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm trả lời kháng nghị của Viện kiểm sát đối với quyết định, hành vi về thi hành án của mình hoặc của Chấp hành viên thuộc quyền quản lý trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kháng nghị. Trường hợp chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có văn bản trả lời kháng nghị, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện kháng nghị của Viện kiểm sát;
- Trường hợp Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự không nhất trí với kháng nghị của Viện kiểm sát thì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện nơi có quyết định, hành vi bị kháng nghị phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh. Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh phải xem xét, trả lời trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo. Văn bản trả lời của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh có hiệu lực thi hành;
- Trường hợp xét thấy văn bản trả lời kháng nghị không có căn cứ thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét lại văn bản trả lời đã có hiệu lực thi hành của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan quản lý Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét lại văn bản trả lời đã có hiệu lực thi hành của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án cấp quân khu, Thủ trưởng cơ quan quản lý Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm xem xét và trả lời bằng văn bản cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong thi hành án dân sự
Điểm e khoản 1 Điều 167 được sửa đổi, bổ sung theo hướng Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, có nhiệm vụ, quyền hạnthanh tra việc sử dụng ngân sách, việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, thực hiện chế độ chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống tổ chức thi hành án dân sựthay cho việc thanh tra về công tác thi hành án dân sự nói chung. Do vậy, Thanh tra Bộ Tư pháp không thanh tra nghiệp vụ thi hành án dân sự như trước đây, bởi vì nhiệm vụ kiểm sát thi hành án dân sự do Viện kiểm sát nhân dân thực hiện.
12. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng trong thi hành án dân sự
Điểm c khoản 2 Điều 168 được sửa đổi, bổ sung theo hướng Bộ Quốc phòng thanh tra việc sử dụng ngân sách, việc thực hiện chế độ chính sách và bố trí, sử dụng cán bộ thi hành án;kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm về thi hành án trong quân đội.
13. Nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án nhân dân trong thi hành án dân sự (Điều 170)
- Bổ sung thẩm quyền của Tòa án cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương cho phù hợp với Luật Tổ chức Tòa án sửa đổi.
- Bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn mới của Tòa án: Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự báo cáo kết quả thi hành bản án, quyết định trong trường hợp cần thiết;giải quyết kháng nghị về quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định của Luật này v.v.
- Nâng thời hạn trả lời kiến nghị của cơ quan Thi hành án dân sự về việc xem xét lại bản án, quyết định của Toà án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn 45 ngày lên thành90 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị;
- Một số nhiệm vụ, quyền hạn khác quy định tại Điều 170 Luật Thi hành án dân sự.
14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thi hành án dân sự
- Sắp xếp lại các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thi hành án dân sự cho khoa học hơn.
- Bổ sung 04 nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thi hành án dân sự:
+ Giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự.
+ Cho ý kiến đối với báo cáo của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh trước khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp.
+ Đề nghị cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp kiểm tra công tác thi hành án dân sự ở địa phương.
+ Kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý kịp thời vi phạm pháp luật về thi hành án dân sự.
15. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thi hành án dân sự (Điều 174).
Bổ sung 02 nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thi hành án dân sự:
- Giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự.
- Kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý kịp thời vi phạm pháp luật về thi hành án dân sự.
16. Một số nội dung khác
- Bổ sung “Phán quyết của Trọng tài thương mại” cũng được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự. Quy định rõ “mỗi quyết định thi hành án là một việc thi hành án.”
- Đối với các việc thi hành án đã được thi hành xong theo quy định của Luật thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 trước thời điểm Luật này có hiệu lực mà đương sự còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Luật thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 để giải quyết.
Đến thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành mà việc thi hành án chưa được thi hành hoặc chưa thi hành xong thì áp dụng các quy định của Luật này để thi hành. Các quyết định, hành vi của cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên đã được thực hiện theo đúng quy định của Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 có giá trị thi hành.
- Đối với trường hợp đã trả đơn yêu cầu thi hành án thì cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án khi đương sự yêu cầu theo quy định của Luật này.
- Người có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 hoặc điểm a khoản 3 Điều 18 của Luật này, cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Chấp hành viên sơ cấp hoặc Chấp hành viên trung cấp không qua thi tuyển.
Thời hạn thực hiện việc bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển theo quy định tại khoản này là 05 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Chính phủ quy định danh sách các cơ quan Thi hành án dân sự thuộc địa bàn được tuyển chọn, bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển theo quy định tại khoản này.
- Đối với người phải thi hành án là người bị kết án thuộc trường hợp quy định tại điểm c mục 3 Nghị quyết số 32/1999/QH10 của Quốc hội và điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 33/2009/QH12 của Quốc hội thì được miễn nghĩa vụ thi hành án phí trong bản án hình sự mà người đó phải chấp hành.
- Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều, khoản được giao trong Luật này.
Trên đây là những nội dung mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự. Với những nội dung sửa đổi, bổ sung, quy định mới nêu trên, công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn./.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp