Nhìn chung, việc thực hiện các quy định tại 02 Thông tư đảm bảo đúng, đầy đủ và hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy đã phát sinh những hạn chế, bất cập yêu cầu phải được sửa đổi, bổ sung bằng việc xây dựng Thông tư liên tịch thay thế 02 Thông tư liên tịch (số 184/2011/TTLT-BTC-BTP và số 136/2012/TTLT-BTC-BTP). Bên cạnh những bất cập do các quy định có liên quan được sửa đổi, ban hành mới thì trong quá trình triển khai thực hiện còn có bất cập về mức chi cho cưỡng chế thi hành án, tiêu hủy vật chứng, mức chi hiện tại còn thấp chưa phù hợp với tình hình thực tế gây khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Về bố trí kinh phí cho hoạt động cưỡng chế thi hành án dân sự: hàng năm Bộ Tài chính giao kinh phí cưỡng chế thi hành án cho Bộ Tư pháp (gồm kinh phí ngân sách chịu và kinh phí tạm ứng) đã đáp ứng một phần nhu cầu kinh phí cho cơ quan thi hành án trong thực hiện nhiệm vụ này, đặc biệt kinh phí tạm ứng do nhu cầu của các đơn vị tương đối lớn nhưng kinh phí được giao chỉ đáp ứng được một phần (kể cả số đã thu hồi kinh phí tạm ứng của đương sự) nhu cầu kinh phí cho các đơn vị. Đây là khó khăn lớn đối với cơ quan thi hành án trong việc thực hiện nhiệm vụ này, cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện cho các cơ quan thi hành án dân sự hoạt động hiệu quả.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 và một số Luật khác mới được Quốc hội thông qua (như: Luật Phá sản năm 2014, Luật Tố tụng hành chính 2015.v.v.) có nhiều nội dung liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự, trong đó có những nội dung liên quan trực tiếp đến cơ chế quản lý kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự và kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự đòi hỏi phải được bổ sung, hướng dẫn phù hợp. Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Nghị định số 62/2015/NĐ-CP) có nhiều nội dung giao cho Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành liên quan trực tiếp đến cơ chế quản lý kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự và kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự. Hơn nữa, tại Quyết định số 55/QĐ-TTg ngày 15/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã giao cho Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch thay thế 02 Thông tư nêu trên. Do đó, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp cần sớm ban hành Thông tư liên tịch để thực hiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP về những nội dung này. Thực tiễn thi hành án dân sự cho thấy nhiều nội dung về quản lý kinh phí cưỡng chế thi hành án dân sự và kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự không còn phù hợp, do đó cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thực hiện hiệu quả.
Từ thực tiễn thi hành án dân sự và theo yêu cầu phù hợp với những quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Luật Phá sản 2014, cũng như một số văn bản quy pháp pháp luật liên quan, Tổng cục Thi hành án dân sự đề xuất các nội dung cần hướng dẫn về cơ chế quản lý tài chính đối với kinh phí cưỡng chế thi hành án, kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự như sau:
1. Gộp hai Thông tư thành 01 Thông tư
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc hạn chế ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các vấn đề có nội dung gần nhau và căn cứ Quyết định số 55/QĐ-TTg ngày 15/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự thì việc gộp 02 Thông tư liên tịch (số 184/2011/TTLT-BTC-BTP và số 136/2012/TTLT-BTC-BTP) thành một Thông tư là cần thiết, có cơ sở để hướng dẫn về cơ chế quản lý tài chính đối với kinh phí cưỡng chế thi hành án, kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự.
2. Không quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản
Phạm vi điều chỉnh của 02 Thông tư liên tịch (số 184/2011/TTLT-BTC-BTP và số 136/2012/TTLT-BTC-BTP) gồm 03 nội dung: Cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự; việc lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự và Tổ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản tại Thông tư liên tịch số 136/2012/TTLT-BTC-BTP để bảo đảm hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản theo quy định của Luật Phá sản năm 2004.
Tuy nhiên, Luật Phá sản 2014 và Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản thì Tổ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản không còn tồn tại. Quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hoạt động theo cơ chế của doanh nghiệp, được nhận thù lao từ nguồn tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản do Tòa án giải quyết việc phá sản quyết định. Do đó, không còn cơ sở để Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản.
Vì vậy, pham vi điều chỉnh của Thông tư không quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự và Tổ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản nữa.
3. Bổ sung nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động của cơ quan Thi hành án
Khoản 5 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định “Trường hợp sau khi phiên đấu giá kết thúc mà người trúng đấu giá tài sản từ chối mua hoặc đã ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá nhưng chưa thanh toán thêm bất kỳ khoản tiền nào thì khoản tiền đặt trước thuộc về ngân sách nhà nước và được sử dụng để thanh toán lãi suất chậm thi hành án, tạm ứng chi phí bồi thường Nhà nước, bảo đảm tài chính để thi hành án và các chi phí cần thiết khác”.
Do đó, cần bổ sung khoản tiền đặt trước vào nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự trong Thông tư để có cơ sở quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng và thứ tự thanh toán cụ thể cho các khoản lãi suất chậm thi hành án, tạm ứng chi phí bồi thường Nhà nước, bảo đảm tài chính để thi hành án và các chi phí cần thiết khác.
4. Quy định rõ hơn về vấn đề nộp chi phí cưỡng chế thi hành án
Quy định rõ hơn về vấn đề nộp chi phí cưỡng chế thi hành án theo hướng “Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án, người được thi hành án, người thứ ba bị cưỡng chế thi hành án nộp hoặc được khấu trừ vào tiền thu được, tiền bán đấu giá tài sản kê biên, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ, thuê, vay, mượn, sửa chữa, trừ trường hợp chi phí cưỡng chế do ngân sách nhà nước bảo đảm”.
5. Quy định cụ thể đối tượng phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án và mức cụ thể chi phí cưỡng chế thi hành án của từng đối tượng phải chịu
- Bổ sung đối tượng phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự là “người thứ ba” (không phải là người được thi hành án, người phải thi hành án hoặc ngân sách nhà nước) cho phù hợp với Khoản 5 Điều 17 và Khoản 3 Điều 23 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
- Quy định cụ thể chi phí kê biên, xử lý tài sản theo tỷ lệ số tiền, tài sản mà những người được nhận tiền, tài sản (người được thi hành án, người phải thi hành án) thực nhận trong trường hợp v
iệc thi hành án khi có thay đổi giá tài sản tại thời điểm thi hành án theo quy định tại Điều 59 Luật Thi hành án dân sự và Khoản 4 Điều 17 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
- Bổ sung quy định cụ thể chi phí cưỡng chế do ngân sách nhà nước chịu trong trường hợp do sự kiện bất khả kháng quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 44 và Điều 73 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì việc xác minh điều kiện thi hành án thuộc trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự, người được thi hành án phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án. Do đó, cần phải loại bỏ khỏi Thông tư mới về chi phí xác minh điều kiện thi hành án do người được thi hành án chịu, đồng thời bổ sung quy định về chi phí xác minh điều kiện thi hành án do ngân sách nhà nước chịu (bao gồm cả chi phí xác minh điều kiện thi hành án và chi phí xác minh điều kiện cưỡng chế thi hành án) cho phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
6. Quy định cụ thể mức tạm ứng và việc thu, quản lý, sử dụng tiền tạm ứng chi phí cưỡng chế thi hành án
- Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 99 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì đương sự có yêu cầu định giá lại tài sản cưỡng chế thi hành án trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản phải nộp ngay tạm ứng chi phí định giá lại tài sản. Tuy nhiên, mức tạm ứng và việc thu, quản lý, sử dụng tiền tạm ứng chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự chưa được quy định cụ thể.
Vì thế cần bổ sung nội dung này vào Thông tư theo hướng: Cơ quan thi hành án dân sự căn cứ chi phí định giá tài sản lần liền kề trước đó và chi phí định giá tài sản thực tế ở địa phương tại thời điểm đương sự yêu cầu định giá lại tài sản để xác định tạm ứng chí phí định giá lại tài sản và thông báo cho người yêu cầu định giá lại tài sản nộp khoản tiền tạm ứng đó.
- Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 45 Nghị định số 62/2015/NNĐ-CP thì trên cơ sở dự trù chi phí cưỡng chế, kế hoạch cưỡng chế được phê duyệt, Chấp hành viên làm thủ tục tạm ứng kinh phí cho hoạt động cưỡng chế từ nguồn kinh phí được ngân sách nhà nước giao cho cơ quan thi hành án dân sự, trừ trường hợp đương sự tự nguyện nộp tạm ứng chi phí cưỡng chế. Tuy nhiên, việc thu và quản lý, sử dụng khoản tạm ứng chi phí cưỡng chế thi hành án do đương sự tự nguyện nộp trong trường hợp này chưa được quy định cụ thể.
Vì thế, cần quy định theo hướng trường hợp đương sự tự nguyện nộp tạm ứng chi phí cưỡng chế thì cơ quan thi hành án dân sự thu để chi theo quy định và phải theo dõi trên sổ sách kế toán.
7. Quy định cụ thể mức chi bồi dưỡng cưỡng chế thi hành án
Khoản 3 Điều 43 Nghị định số 62/2015/NNĐ-CP quy định Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định cụ thể mức chi phí bồi dưỡng và hướng dẫn cụ thể cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự. Do đó, ngoài việc quy định đầy đủ cụ thể cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự thì Thông tư cần quy định cụ thể mức chi phí bồi dưỡng cưỡng chế thi hành án dân sự
Mức chi hiện hành đã được quy định cách đây gần 4 năm, trải qua các các điều kiện kinh tế đã có nhiều thay đổi (tăng lương, trượt giá,…) theo chiều hướng tăng lên. Vì vậy, các mức chi cũng không phù hợp thực tế cần điều chỉnh tăng lên cho phù hợp góp phần đảm bảo điều kiện hoạt động cho các cơ quan thi hành án dân sự, cũng như bù đắp công sức, thu hút sự tham gia tích cực của những đối tượng được bồi dưỡng cưỡng chế vào quá trình thi hành án dân sự.
8. Quy định cụ thể việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí cưỡng chế thi hành án
Khoản 1 Điều 45 Nghị định số 62/2015/NNĐ-CP quy định việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí cưỡng chế thi hành án do Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện. Do vậy, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp cần quy định cụ thể các nội dung này trong Thông tư liên tịch hướng dẫn về cơ chế quản lý tài chính đối với kinh phí cưỡng chế thi hành án, kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự.