Sign In

Công tác tư pháp 7 tháng đầu năm 2015: Hoàn thành 84% khối lượng công việc

17/08/2015

Công tác tư pháp 7 tháng đầu năm 2015: Hoàn thành 84% khối lượng công việc
Vừa qua (13/8), dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Hà Hùng Cường và các Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp giao ban cấp Vụ các đơn vị thuộc Bộ để nghe báo cáo kết quả công tác tư pháp 7 tháng đầu năm 2015 và nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2015, đồng thời tiến hành công tác nhân sự và quán triệt một số văn bản của Bộ Chính trị.
 
Tham dự cuộc họp giao ban còn có nguyên Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, đại diện lãnh đạo một số địa phương và đại diện các tổ chức, đoàn thể thuộc Bộ.

Đóng góp quan trọng vào thành tựu chung

Báo cáo tóm tắt kết quả công tác, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết: Nhìn chung, công tác tư pháp 7 tháng đầu năm 2015 đã bám sát các chủ trương của Đảng, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội do Quốc hội, Chính phủ đề ra, đã triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao. 

Trong số 50 nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành được xác định trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, đến nay Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành xong 42/50 nhiệm vụ (đạt 84%). 

Nhiều lĩnh vực đạt kết quả khả quan như công tác tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”; công tác xây dựng pháp luật nói chung, việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nói riêng; công tác kiểm soát thủ tục hành chính; kết quả thi hành án dân sự; công tác xử lý vi phạm hành chính; đã xuất hiện nghề mới là quản tài viên; việc tham gia với vai trò đại diện pháp lý cho Chính phủ giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tiếp tục được thực hiện tốt…

Tuy nhiên, theo Chánh Văn phòng Bộ, công tác tư pháp 7 tháng qua vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Vì vậy, trong những tháng cuối năm 2015 cần chú trọng một số giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện hiệu quả công tác tư pháp như đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, bộ máy của Bộ Tư pháp, pháp chế các bộ, ngành và các cơ quan tư pháp địa phương, đặc biệt là ở cấp xã; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung đột phá ở những lĩnh vực trọng tâm; phối hợp chặt chẽ hơn với các bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ Trung ương đến địa phương… 

Trong công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và khắc phục những hạn chế, yếu kém; kiên quyết xử lý nghiêm các biểu hiện lệch lạc, tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết yêu cầu của người dân, nhất là trong lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, công chứng, bán đấu giá tài sản, thi hành án dân sự.

Quyết liệt thực hiện Thông tư liên tịch 23

Cơ bản tán thành với đánh giá về những kết quả đạt được và những giải pháp nêu trên, các đại biểu tham dự cũng chia sẻ một số vướng mắc từ thực tiễn và đưa ra những giải pháp khắc phục. Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan phản ánh, báo cáo hành chính hiện đang khiến các địa phương đang rất vất vả nhưng vẫn khó đảm bảo chế độ báo cáo đúng quy định. Trước thực trạng ấy, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã giao Bộ Tư pháp xây dựng Đề án về chế độ báo cáo trong cơ quan hành chính nhằm cải cách ngay về báo cáo hành chính.

Liên quan đến công tác cán bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Tiến Châu thông báo, qua hoạt động kiểm tra một số địa phương và đơn vị thuộc Bộ thì cơ bản các địa phương chủ động triển khai Thông tư liên tịch số 23, có một số địa phương đã thành lập được phòng mới. 

Còn đối với các đơn vị thuộc Bộ, đa số cho rằng biên chế được giao thiếu so với chức năng, nhiệm vụ, với yêu cầu công việc. Trong điều kiện hiện nay, theo ông Châu, cần có những giải pháp phù hợp để khắc phục từng bước tình trạng thiếu cán bộ, trong đó Vụ sẽ phối hợp với các đơn vị để đánh giá lại đội ngũ cán bộ, xây dựng Đề án vị trí việc làm và quy hoạch cán bộ; về phía các đơn vị, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Đại diện lãnh đạo một số Sở Tư pháp phấn khởi cho biết, công tác tư pháp tại địa phương được cấp ủy, chính quyền ngày càng quan tâm. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh, từ đầu năm đến nay, Tư pháp thành phố rất áp lực về việc triển khai Luật Hộ tịch, phải thuyết phục UBND chờ áp dụng phần mềm thống nhất của Bộ Tư pháp. 

Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nam Lê Thị Liên cũng nêu khó khăn trong triển khai Luật Hộ tịch khi chưa có phần mềm thống nhất của Bộ Tư pháp. Bà Liên còn đề nghị cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thực hiện kiện toàn bộ máy theo Thông tư liên tịch 23 với bối cảnh nhiệm vụ tư pháp tăng thêm rất nhiều song biên chế không được tăng.

Ghi nhận những kết quả trong công tác 7 tháng đầu năm và ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Hà Hùng Cường yêu cầu nhận diện đúng, đầy đủ những tồn tại, hạn chế, yếu kém và những nguyên nhân để có giải pháp cụ thể khắc phục. Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của những tháng cuối năm còn rất nặng nề, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị phải rà soát lần nữa, đảm bảo hoàn thành những nhiệm vụ đã đề ra. 

Theo Bộ trưởng, năm 2015 phải chú trọng kiện toàn công tác tổ chức bộ máy của cả ngành trên cơ sở Nghị định số 22/2013/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 23, đặc biệt Đề án vị trí việc làm ở các đơn vị không được chậm trễ, trước ngày 30/9 phải được phê duyệt xong. 

“Chủ trương hiện nay là không tăng biên chế, giảm tải biên chế sự nghiệp, trong khi nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành là rất nhiều. Do đó, phải thực hiện quyết liệt Thông tư liên tịch 23 và Đề án vị trí việc làm, không có tư tưởng chờ đợi Bộ Nội vụ tăng biên chế” – Bộ trưởng lưu ý. 

Cũng tại cuộc họp giao ban, Bộ Tư pháp đã thông báo Công văn số 11062-CV/VPTW của Ban Chấp hành Trung ương về việc điều động, bổ nhiệm Phó Chánh án TANDTC đối với bà Nguyễn Thúy Hiền; Quyết định số 1177/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bà Nguyễn Thúy Hiền thôi giữ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng trao Quyết định nghỉ hưu đối với đồng chí Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Con nuôi và trao Quyết định bổ nhiệm lại đối với 4 đồng chí lãnh đạo cấp Vụ.
 
 


Theo baophapluat.vn

Các tin đã đưa ngày: