Cùng với việc xây dựng kế hoạch tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ án tham nhũng và các vụ án liên quan đến quản lý kinh tế có điều kiện thi hành, hàng năm Cục THADS tỉnh tiến hành kiểm tra toàn diện và chuyên đề đối với các đơn vị trực thuộc về kết quả công tác giải quyết đối với việc thi hành án liên quan đến các vụ án tham nhũng, các vụ án xâm phạm đến các quy định trong quản lý kinh tế. Do đó, đã kịp thời uốn nắn, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ để đẩy nhanh tiến độ giải quyết đối với những vụ việc khó khăn, phức tạp không để kéo dài gây ảnh hưởng đến việc thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách Nhà nước. Các cơ quan THADS trong tỉnh chỉ đạo chấp hành viên chủ động trong công việc được giao, tăng cường giáo dục, thuyết phục, tích cực trong việc xác minh, truy tìm, xử lý tài sản kê biên để thi hành án; rà soát, lập kế hoạch giải quyết cụ thể đối với từng vụ việc kinh tế, tham nhũng. Bên cạnh đó Cục THADS tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện và chính quyền các cấp áp dụng nhiều biện pháp hữu hiệu như giáo dục, thuyết phục, kê biên xử lý tài sản... từ các vụ án kinh tế, tham nhũng. Từ năm 2012 đến nay, Cục THADS tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh như Viện Kiểm sát nhân dân, Công an, TAND, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước xây dựng các Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác THADS. Từ đó giúp công tác thu hồi tài sản được thực hiện chặt chẽ, xử lý kịp thời, đúng quy định đối với các vật chứng là tài sản trong giai đoạn THADS. Năm 2020, các cơ quan THADS trong tỉnh đã thụ lý 111 việc về kinh tế, tham nhũng với tổng số tiền phải thu hồi theo bản án, quyết định trên 40 tỷ 505 triệu đồng; đã giải quyết xong 62 việc, chiếm 66,7% so với số việc có điều kiện thi hành; thi hành xong trên 3 tỷ 450 triệu đồng, chiếm 65% so với số việc có điều kiện thi hành. Hiện tại, Cục THADS tỉnh đang tập trung giải quyết 4 vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi gồm: Việc thi hành án của Phạm Văn Phước phải bồi thường cho Ngân hàng TMCP Đông Á số tiền trên 11 tỷ 379 triệu đồng, theo Quyết định ủy thác thi hành án của Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh. Việc thi hành án của Châu Thị Thu Nga và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng nhà đất còn phải liên đới bồi thường cho 30 người tổng số tiền trên 12 tỷ 115 triệu đồng, theo Quyết định ủy thác thi hành án của Cục THADS thành phố Hà Nội. Việc thi hành án của Vũ Chiến Khu phải nộp trên 105 triệu đồng để nộp vào ngân sách Nhà nước, theo Quyết định ủy thác thi hành án của Cục THADS tỉnh Phú Thọ. Việc thi hành án của Trần Việt Trường phải thi hành các khoản phạt 30 triệu đồng; nộp sung quỹ Nhà nước trên 229 triệu 645 nghìn đồng, theo Quyết định về việc ủy thác thi hành của Cục THADS tỉnh Phú Thọ. Đến nay, đã thi hành xong 1 việc số tiền trên 1 tỷ 536 triệu đồng. Kết quả trên đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi hành án, các cơ quan THADS trong tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến kết quả thi hành án như: Đối tượng trong các vụ án tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn; có trình độ học vấn, am hiểu pháp luật, có khả năng nhận biết những kẽ hở của hệ thống pháp luật để che dấu, tẩu tán tài sản vì đa phần tài sản đã đứng tên người khác nên việc xác minh, xử lý tài sản rất khó khăn, dẫn đến, nhiều vụ việc, số tiền, tài sản phải thu hồi lớn nhưng đương sự không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị nhỏ hơn nghĩa vụ phải thi hành nên không xử lý dứt điểm; một số trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù và không có điều kiện, tài sản để thi hành án. Mặt khác, do một số tổ chức tín dụng còn thiếu chặt chẽ trong việc thực hiện các quy định về cho vay nên khi tổ chức thi hành án thì không còn tài sản hoặc tài sản chỉ còn giá trị rất thấp nên không thể thu hồi đầy đủ vốn cho Nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Minh Đức, Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết: “Thời gian tới, Cục THADS tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, nhất là hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Phối hợp công tác giữa cơ quan THADS với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh trong quá trình giải quyết các vụ án; thực hiện tốt các nội dụng phối hợp Quy chế liên ngành; Quy chế phối hợp trong công tác THADS với các ngành chức năng, tạo chuyển biến và nâng cao hiệu quả công tác THADS của tỉnh”./.
Theo Văn Trọng - Báo Nam Định