Những kết quả thi hành án dân sự năm 2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắc, tỉnh Đắc Lăk

06/07/2021
Năm 2020, mặc dù số việc thi hành án dân sự trên địa bàn huyện Krông Pắc phải thụ lý rất lớn, tính chất ngày càng phức tạp, nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, huyện ủy, UBND huyện Krông Pắc và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành địa phương, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắc đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao.


Nhiều kết quả tích cực
Ngay từ đầu năm, căn cứ vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà cấp trên giao, cấp ủy, lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự huyện đã xác định những lĩnh vực, nội dung công tác trọng tâm, trọng điểm về thi hành án để từ đó đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả để chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện. Năm 2020, Chi cục Thi hành án dân sự huyện được Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh giao chỉ tiêu thi hành xong đạt tỷ lệ 80% về việc và 38% về tiền trên số có điều kiện thi hành. Kết quả năm 2020, đơn vị đã thi hành đạt kết quả như sau: Tổng số phải thi hành là 1.384 việc, với số tiền 85.449.856.000 đồng, trong đó số có điều kiện thi hành là 1.205 việc, với số tiền là  36.974.738.000 đồng. Số việc đã giải quyết xong là 1.014 việc, đạt tỷ lệ 84,15% về việc. Số tiền đã giải quyết xong là 12.797.417.000 đồng, đạt tỷ lệ 34,61%. So với chỉ tiêu được Cục Thi hành án dân sự tỉnh giao, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắc đã giải quyết xong vượt 4,15% về việc, thiếu 3,39% về tiền. Việc giải quyết khiếu nại được chú trọng thực hiện theo phương thức thông qua đối thoại trực tiếp, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và đúng thời hạn, không có trường hợp nào để tồn đọng, kéo dài. Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắc đã chỉ đạo các Chấp hành viên thực hiện tốt phương châm mọi khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự đều phải được xem xét, giải quyết kịp thời. Mọi đơn thư khiếu nại, tố cáo đều được tiếp nhận, phân loại, xử lý và giải quyết đúng trình tự, thủ tục và đúng thời hạn. Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắc đã tăng cường quán triệt, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn, giáo dục về lập trường tư tưởng chính trị cho Chấp hành viên và cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Việc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo kết hợp giữa động viên, giải thích và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, từ đó nhiều trường hợp người khiếu nại đã tự nguyện rút đơn khiếu nại; chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng được nâng cao, tạo được niềm tin của người dân vào công tác giải quyết khiếu nại của đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được thì vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc nhất định ảnh hưởng đến chất lượng, kết quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn huyện Krông Pắc. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là những hạn chế về mặt con người. Hiện nay, mặc dù số lượng Chấp hành viên đã được bổ sung so với trước kia nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được khối lượng công việc ngày càng tăng cao, trong khi đó năng lực, trình độ chuyên môn của chấp hành viên, thư ký thi hành án không đồng đều.
Việc tổ chức thi hành án đối với các bản án giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp các ngân hàng, tổ chức tín dụng thẩm định không chặt chẽ, định giá quá cao tài sản bảo đảm dẫn đến khi kê biên bán đấu giá, mặc dù đã giảm giá tài sản nhiều lần nhưng vẫn không bán được. Bên cạnh đó, một số ngân hàng cho vay tín chấp theo diện chính sách, phát triển kinh tế cá thể, hộ gia đình, số tiền phải thi hành án không lớn khiến việc kê biên, xử lý tài sản không được thuận lợi.
Việc bán đấu giá tài sản thi hành án còn gặp phải tâm lý e ngại của khách hàng khi mua tài sản nên nhiều cuộc bán đấu giá không thành do không có khách hàng đăng ký tham gia. Hầu hết khách hàng khi tham khảo hồ sơ bán đấu giá tài sản là bất động sản và biết đây là tài sản thi hành án thì đều có chung một tâm lý là băn khoăn. Họ e ngại việc xem được tài sản trước khi mua và có thể gặp phải khó khăn trong việc giao tài sản sau khi trúng đấu giá thành, do người phải thi hành án không tự nguyện giao tài sản mà cơ quan thi hành án phải áp dụng biện pháp cưỡng chế để giao tài sản. Tâm lý này của khách hàng là rất khách quan và hoàn toàn có cơ sở vì trên thực tế có những trường hợp khách hàng khi đi xem tài sản đã bị người phải thi hành án không phối hợp, dọa nạt, xua đuổi... Chính những nguyên nhân nói trên đã dẫn đến việc khách hàng ngại mua tài sản đấu giá, ngay cả đối với những khách hàng rất có khả năng về tài chính hoặc tài sản bán đấu giá thực sự phù hợp về giá tiền đối với khách hàng. Dẫn đến tài sản bán đấu giá không có người mua phải giảm giá nhiều lần, kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.
Mặt khác, do nền kinh tế hiện nay bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, thị trường bất động sản khá trầm lắng, nên rất ít khách hàng đăng ký mua tài sản bán đấu giá để thi hành án, dẫn đến tài sản bán đấu giá phải giảm giá nhiều lần, kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.
Một vấn đề khác mà cơ quan thi hành án dân sự gặp phải đó là việc thi hành án đối với các khoản án phí, tiền phạt, tịch thu sung công trong các vụ án hình sự. Các đối tượng phải thi hành án trong các trường hợp này thường không có nghề nghiệp, thu nhập không ổn định, hoặc thuộc diện hộ nghèo, thu nhập chỉ đủ đảm bảo cuộc sống tối thiểu, tài sản duy nhất là nhà đất, có người phải chấp hành án phạt tù hoặc đi làm ăn, sinh sống ở nơi khác nhưng không xác định được địa chỉ cư trú mới nên không tổ chức thi hành án được. Mặt khác, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án, việc kê biên, phong tỏa tài sản, truy tìm tài sản chưa được quan tâm kịp thời, cơ chế quản lý, kiểm soát thu nhập cá nhân còn chưa hoàn thiện khiến cho việc xác minh thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án gặp khó khăn, ảnh hưởng đáng kể kết quả thi hành án.
Bên cạnh những khó khăn trên thì ý thức chấp hành bản án của người phải thi hành án chưa cao, nhiều trường hợp cố tình chây ỳ, không tự nguyện thi hành, lợi dụng quyền khiếu nại nhằm mục đích trì hoãn, kéo dài thời gian thi hành án. Ngoài ra hiện nay còn nhiều tài sản kê biên chưa xử lý được do đất và tài sản gắn liền trên đất có giá trị lớn nên rất khó bán hoặc không bán được do tâm lý ngại mua tài sản thi hành án của người dân.
Giải pháp đặt ra trong thời gian tới
Trong những năm tới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ trên các mặt đời sống, kinh tế - xã hội thì các tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân cũng sẽ gia tăng đồng nghĩa số lượng vụ việc thi hành án dân sự phải thụ lý, giải quyết là rất lớn. Tình hình trên đòi hỏi cơ quan thi hành án dân sự các cấp của tỉnh phải tiếp tục đổi mới các mặt công tác, tranh thủ tốt sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, tăng cường phối hợp với các đơn vị hữu quan mới có thể hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Trước mắt, để triển khai tốt nhiệm vụ công tác, bên cạnh tập trung khắc phục những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắc xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới đó là:
Thứ nhất, triển khai hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác thi hành án dân sự, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết Hội nghị Trung ương; các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ liên quan đến công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2020 và hướng dẫn, chỉ đạo của Ngành cấp trên.
Thứ hai, chú trọng việc xác minh, phân loại chính xác, đúng pháp luật thi hành án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành; cung cấp, cập nhật kịp thời, đầy đủ để Cục Thi hành án dân sự tỉnh đăng tải thông tin về các trường hợp người phải thi hành án chưa có điệu kiện thi hành theo quy định của pháp luật, quyết tâm phấn đấu thi hành xong đạt tỷ lệ 80% về việc và 38% về tiền trên tổng số việc, số tiền có điều kiện thi hành; phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ được Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh giao cho đơn vị.
Thứ ba, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành và hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ thi hành án dân sự. Tăng cường công tác kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ. Hạn chế đến mức thấp nhất những thiếu sót, sai phạm về chuyên môn, nghiệp vụ trong tổ chức thi hành án của Chấp hành viên, tránh tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự, không để xảy ra vi phạm trong kê biên, bán đấu giá tài sản thi hành án; ngăn ngừa không để xảy ra các vụ việc liên quan đến trách nhiệm bồi thường nhà nước và bảo đảm tài chính và các vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản.
Thứ tư, tiếp tục tăng cường kỷ luật, siết chặt kỷ cương, chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm của Chấp hành viên và công chức trong đơn vị.
Thứ năm, chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách Tư pháp, cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Thứ sáu, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác thi hành án và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện trong tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hướng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các Quy chế phối hợp liên ngành, tổ chức phối hợp tốt với các các cơ quan hữu quan trên địa bàn huyện để nâng cao hiệu quả công tác Thi hành án dân sự.