Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, địa hình rộng, hiểm trở, chia cắt, đường biên giới kéo dài tiếp giáp với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Có 8 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố trong đó có 4 huyện nghèo nằm trong Đề án 30a/CP của Chính phủ, dân số gần 53 vạn người, là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống với 19 dân tộc anh em. Trong suốt quá trình thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1993 cho đến nay, vượt lên trên những khó khăn vốn có do điều kiện đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới, xa các trung tâm kinh tế, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, tình hình kinh tế, xã hội chậm phát triển, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân còn hạn chế, toàn ngành Thi hành án dân sự trong tỉnh đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trước yêu cầu đổi mới của Ngành. Quá trình hình thành và phát triển trong những năm qua, công tác thi hành án dân sự của tỉnh Điện Biên luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, sự tạo điều kiện giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan Thi hành án trong tỉnh ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, góp phần vào việc giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
|
Tại buổi lễ kỷ niệm, đồng chí Lường Văn Sương- Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã thông qua diễn văn ôn lại truyền thống 70 năm xây dựng, trưởng thành của ngành Thi hành án dân sự. Cách đây 70 năm, ngày 19-7-1946 Chủ tịch nước đã ban hành Sắc lệnh số 130/SL quy định về thể thức thi hành các bản án của Tòa án. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự ra đời của ngành Thi hành án dân sự. Ngày 03-5-2013 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định chính thức công nhận ngày 19-7 hàng năm là ngày truyền thống Thi hành án dân sự. Trải qua các thời kỳ, ngành Thi hành án dân sự tỉnh Điện Biên đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt. Từ tháng 7/1993 đến 31/3/2016, các cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh đã thụ lý 41.094 việc, với số tiền phải thi hành là trên 209 tỷ đồng; kết quả đã thi hành xong 40.346 việc, với tổng số tiền là gần 187 tỷ đồng. Số việc thi hành xong với số tiền và tài sản thu được năm sau luôn cao hơn năm trước; nhiều vụ việc thi hành án phức tạp đã được giải quyết dứt điểm. Với những thành tích đạt được, nhiều tập thể và cá nhân cơ quan thi hành án tỉnh, huyện đã được Bộ Tư pháp- Tổng cục Thi hành án dân sự và Ủy ban nhân dân tỉnh tặng nhiều Bằng khen. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Điện Biên có 11 cơ quan Thi hành án dân sự, bao gồm: 01 Cục thi hành án dân sự tỉnh và 10 Chi cục THADS huyện, thị xã, thành phố; số biên chế toàn ngành hiện có là 105 biên chế công chức và 35 hợp đồng lao động. Hiện toàn tỉnh có 27 chấp hành viên, 06 thẩm tra viên, 32 thư ký thư ký thi hành án còn lại là công chức khác. Về trình độ chuyên môn: toàn tỉnh hiện có 01 thạc sỹ, 81 cử nhân, 07 cao đẳng, 16 trung cấp. Về trình độ lý luận chính trị: 06 cao cấp; 10 trung cấp. Về quản lý nhà nước: 01 chuyên viên cao cấp, 04 chuyên viên chính, 23 chuyên viên. Hàng năm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức luôn được chú trọng thực hiện, nhất là công tác tự bồi dưỡng. do đó, chất lượng đội ngũ công chức thi hành án ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới của ngành trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Giàng Thị Hoa- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy -Phó Chủ tịch HĐND tỉnh biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà các thế hệ lãnh đạo, công chức các cơ quan thi hành án dân sự trong toàn tỉnh đã đạt được trong suốt 70 năm qua; đồng chí đề nghị lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp- Tổng cục Thi hành án dân sự và của Tỉnh ủy- HĐND- UBND tỉnh về nâng cao hiệu quả công tác thi hành án. Tập trung đề ra các giải pháp để thực hiện công tác thi hành án bảo đảm đạt và vượt chỉ tiêu được cấp trên giao; phối hợp làm tốt công tác rà soát, đánh giá, quy hoạch cán bộ, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng công chức thi hành án, Chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo thi hành án dân sự 2 cấp chỉ đạo toàn diện công tác thi hành án trên phạm vi toàn tỉnh; tăng cường công tác phối hợp liên ngành, tổ chức thi hành án đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục; chú trọng công tác xác minh phân loại án để tập trung giải quyết những vụ việc có điều kiện, việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, các vụ việc có giá trị thi hành lớn, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo về thi hành án.
Đỗ Thành Trung
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Điện Biên