Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực thi hành án dân sự và phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

13/09/2017
Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực thi hành án dân sự tại Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bỏ sung một số điều năm 2014 ở Chương VII gồm 03 điều từ Điều 162 đến Điều 165 và quy định chi tiết tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã”. Tuy nhiên, hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã cũng có nhiều nội dung quan đến cơ quan thi hành án dân sự. Vì thế, Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự cần lưu ý 02 nội dung này.


1. Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực thi hành án dân sự
1.1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai của người có thẩm quyền thi hành án nhưng không đến địa điểm ghi trong giấy báo, giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng.
1.2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không cung cấp thông tin, không giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền thi hành án mà không có lý do chính đáng.
b) Không thông báo cho cơ quan thi hành án khi có thay đổi về địa chỉ và nơi cư trú.
c) Không kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án.
1.3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định.
b) Trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án.
c) Không thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của Tòa án nhân dân.
d) Cung cấp chứng cứ giả cho cơ quan thi hành án dân sự.
1.4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Làm hư hỏng tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản.
b) Phá hủy niêm phong tài sản đã kê biên.
c) Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc trừ vào thu nhập.
1.5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản.
b) Sử dụng trái phép, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên.
c) Hủy hoại tài sản đã kê biên.
d) Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ.
đ) Cố ý không thực hiện quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án nhân dân hoặc bản án, quyết định phải thi hành ngay.
1.6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc khấu trừ tài khoản, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
b) Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án; về việc thu tiền của người phải thi hành án đang giữ.
1.7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án theo quyết định của người có thẩm quyền thi hành án.
1.8. Biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với hành vi:
a) Làm hư hỏng tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản.
b) Tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản.
c) Sử dụng trái phép, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên.
2. Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã
Có nhiều hành vi vi phạm hành chính, hình thức, xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, có những hành vi cơ bản sau đây liên quan đến công tác thi hành án dân sự.
2.1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền nộp đơn của những người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
2.2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi của Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
2.3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc phá sản mà không cung cấp đầy đủ, kịp thời hoặc cung cấp không chính xác tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc phá sản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của chủ nợ, doanh nghiệp, hợp tác xã, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản nếu không có lý do chính đáng.
2.4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản do không khách quan, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người nộp đơn có hành vi gian dối trong việc yêu cầu mở thủ tục phá sản, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà không thông báo công khai sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân.
2.5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản mà không báo cáo Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trước khi thực hiện một trong các hành vi: Hoạt động liên quan đến việc vay, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản; bán, chuyển đổi cổ phần; chuyển quyền sở hữu tài sản; chấm dứt thực hiện hợp đồng có hiệu lực; thanh toán khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản; trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và áp dụng biện pháp biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản mà có một trong các hành vi: Cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản; thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 49 của Luật Phá sản; từ bỏ quyền đòi nợ; chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
2.6. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà không thực hiện việc kiểm kê tài sản và không xác định giá trị các tài sản đó trong thời hạn quy định. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã và những người khác không hợp tác về việc kiểm kê tài sản hoặc cố tình làm sai lệch việc kiểm kê tài sản.
2.7. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với ngân hàng nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có tài khoản kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản mà vẫn thực hiện việc thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã đó, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của Tòa án nhân dân hoặc cơ quan thi hành án dân sự.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Ngân hàng nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có tài khoản kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản mà thực hiện việc thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản vay của ngân hàng, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của Tòa án nhân dân hoặc cơ quan thi hành án dân sự; ngân hàng nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có tài khoản kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định mở thủ tục phá sản mà thực hiện việc bù trừ nghĩa vụ đối với hợp đồng được xác lập trước khi có quyết định mở thủ tục phá sản mà không có sự đồng ý của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu hồi các khoản đã thanh toán hoặc bù trừ không đúng quy định đối với hành vi nêu trên.
2.8. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi che giấu tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã kể từ ngày Tòa án nhân dân quyết định mở thủ tục phá sản. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi tẩu tán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã kể từ ngày Tòa án nhân dân quyết định mở thủ tục phá sản.
2.9. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã không gửi báo cáo về tình hình thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong thời hạn quy định.
2.10. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong hành vi thực hiện hoạt động quản lý, thanh lý tài sản trong trường hợp là người có liên quan với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; khi có căn cứ cho rằng thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản, cơ quan thi hành án dân sự có yêu cầu trái với quy định của pháp luật, nguyên tắc hành nghề quản lý, thanh lý tài sản hoặc không phù hợp với Quy tắc đạo đức nghề nghiệp quản tài viên;
2.11. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản hoặc không gửi khoản tiền thu được vào tài khoản do Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng hoặc không báo cáo cơ quan thi hành án dân sự, thông báo để người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài sản theo quy định.
b) Không chấm dứt việc thanh lý tài sản và bàn giao toàn bộ giấy tờ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản cho cơ quan thi hành án dân sự xử lý, thanh lý tài sản theo quy định trong trường hợp sau 02 năm kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên mà không thực hiện được việc thanh lý tài sản.
2.12. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản hoặc không gửi khoản tiền thu được vào tài khoản do Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng hoặc không báo cáo cơ quan thi hành án dân sự, thông báo để người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài sản theo quy định.;
b) Không chấm dứt việc thanh lý tài sản và bàn giao toàn bộ giấy tờ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản cho cơ quan thi hành án dân sự xử lý, thanh lý tài sản theo quy định trong trường hợp sau 02 năm kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên mà không thực hiện được việc thanh lý tài sản.
Thanh Hà