Quy định về chấm dứt ủy quyền và quy định về yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm trong thi hành án

Bản án số 60/QĐST-DS ngày 24/3/3016 của Tòa án nhân dân thành phố C buộc ông Nguyễn Văn Bình phải trả cho tôi là 100.000.000đ. Tôi đã làm đơn yêu cầu thi hành án và Chi cục THADS thành phố C đã ra quyết định thi hành án. Do tôi bận công việc nên tôi ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Mặng thay tôi giải quyết thi hành án cho đến khi kết thúc thi hành án. Trong quá trình ông Mặng thực hiện theo ủy quyền của tôi thì ông  Mặng đã thống nhất với Chấp hành viên không xử lý tài sản của hộ gia đình ông Bình (do mẹ ruột ông Bình là bà Nguyễn Thị Ánh đứng tên). Tôi không đồng ý, vì ông Bình chỉ có tài sản chung nêu trên, không còn tài sản nào khác. Tôi đã làm giấy hủy giấy ủy quyền cho ông Mặng và tôi trực tiếp đứng đơn yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với tài sản hộ của ông Bình (hiện tại bà Nguyễn Thị Ánh đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng cho người khác tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất) nhưng Chấp hành viên không đồng ý áp dụng biện pháp ngăn chặn với lý do: Ông Mặng trước đây đã thống nhất không xử lý tài sản của hộ gia đình ông Bình và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là của bà Nguyễn Thị Ánh, bà Ánh không có nghĩa vụ gì trong Bản án số 60/QĐST-DS.
Hỏi: Trước đây người được tôi ủy quyền không yêu cầu xử lý tài sản hộ của ông Bình, hiện nay tôi đã hủy ủy quyền thì tôi có quyền yêu cầu xử lý tài sản của hộ gia đình ông Bình không? Việc Chấp hành viên không đồng ý áp dụng biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản của bà Nguyễn Thị Ánh có đúng không? Tôi phải làm gì để quyền lợi của tôi được bảo đảm theo quy định pháp luật?

Gửi bởi: nguyễn Thành Trí

Trả lời có tính chất tham khảo

Trường hợp bạn hỏi chúng tôi không có hồ sơ thi hành án, không rõ việc hủy ủy quyền của bạn được thực dưới hình thức nào (Tại Tòa án trường hợp Giấy ủy quyền được bạn lập tại tòa án; Tại Phòng công chứng trường hợp Giấy ủy quyền lập tại Phòng công chứng; Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền theo Điều 588 Bộ Luật dân sự). Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn đã hủy ủy quyền. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật bạn vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với những hành vi do bên nhận ủy quyền thay mặt bạn thực hiện trong thời gian bạn đã ủy quyền, cụ thể: bạn phải chịu trách nhiệm pháp lý về việc ông Mặng (người được bạn ủy quyền giải quyết việc thi hành án) đã thống nhất với Chấp hành viên không xử lý tài sản do mẹ ruột ông Bình là bà Nguyễn Thị Ánh đứng tên.
Hiện nay, việc ủy quyền đã bị hủy, bạn có quyền đề nghị cơ quan thi hành án tổ chức việc thi hành án cho bạn theo quy định pháp luật. Thông tin mà bạn cung cấp chúng tôi không rõ ông Bình có tài sản chung hay không có tài sản. Bạn cho rằng ông Bình có tài sản chung trong khối tài sản của hộ gia đình. Còn Chấp hành viên trả lời bạn tài sản là của bà Nguyễn Thị Ánh (mẹ ông Bình), bà Ánh không có nghĩa vụ gì trong Bản án số 60/QĐST-DS. Như vậy, theo Chấp hành viên thì tài sản mà bạn đề nghị Chấp hành viên áp dụng biện pháp ngăn chặn là tài sản riêng của bà Ánh, không phải là tài sản chung của hộ gia đình. Do đó, không có căn cứ để Chấp hành viên áp dụng biện pháp ngăn chặn tài sản riêng của người không có nghĩa vụ thi hành án.
Trường hợp bạn có căn cứ chứng minh tài sản do bà Nguyễn Thị Ánh đứng tên là tài sản của hộ gia đình ông Bình, bạn cần cung cấp cho Chấp hành viên tổ chức thi hành vụ việc để được giải quyết theo quy định pháp luật. Theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Thi hành án dân sự, người yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.

Trả lời bởi: Nguyễn Thị Thu Hằng