Việc ra quyết định thi hành án chủ động

Xin cho biết trong trường hợp trong một bản án có nhiều người phải thi hành án nhiều khoản chủ động khác nhau thì cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành án đối với mỗi người phải thi hành án hay ra một quyết định thi hành án cho mỗi khoản thuộc diện chủ động đối với mỗi người phải thi hành án?

Gửi bởi: Hoàng Thu Thủy

Trả lời có tính chất tham khảo

Về trường hợp bạn hỏi, tại điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã có quy định như sau: “Trong một bản án, quyết định có nhiều người phải thi hành nhiều khoản chủ động khác nhau thì ra một quyết định thi hành án chung cho các khoản thuộc diện chủ động thi hành án đối với mỗi người phải thi hành án”.
Ví dụ: Giả sử theo Bản án thì ông Nguyễn Văn A có nghĩa vụ phải thi hành khoản án phí hình sự sơ thẩm là 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) và khoản truy thu thuế cho ngân sách nhà nước là 15.000.000đ (mười lăm triệu đồng); bà Nguyễn Thị B có nghĩa vụ phải thi hành khoản án phí hình sự sơ thẩm là 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) và khoản truy thu thuế cho ngân sách nhà nước là 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng).
Như vậy, đối chiếu với quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP nêu trên, cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra 02 quyết định thi hành án chủ động. Quyết định thi hành án thứ nhất có nội dung cho thi hành án đối với ông Nguyễn Văn A; các khoản phải thi hành án bao gồmnộp án phí hình sự sơ thẩm 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) và nộp khoản truy thu thuế cho ngân sách nhà nước 15.000.000đ (mười lăm triệu đồng). Quyết định thi hành án thứ hai có nội dung cho thi hành án đối với bà Nguyễn Thị B; các khoản phải thi hành bao gồm nộp án phí hình sự sơ thẩm 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) và nộp khoản truy thu thuế cho ngân sách nhà nước là 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng).

Trả lời bởi: Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự