Về nghĩa vụ kê khai điều kiện thi hành án

Tôi là người được thi hành án theo Bản án của Tòa án nhân dân huyện B. Theo tôi được biết thì pháp luật có quy định người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình và khi tiến hành xác minh, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án.
Theo tôi, quy định này sẽ gây rất nhiều khó khăn trong việc tiến hành xác minh của cơ quan thi hành án vì người phải thi hành án luôn tìm cách trốn tránh nghĩa vụ thi hành án;việc yêu cầu họ kê khai, cung cấp thông tin trung thực về các tài sản của mình là không thể thực hiện. Việc này liệu có làm ảnh hưởng đến việc thi hành án và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi hay không? Nếu người phải thi hành án không kê khai hoặc kê khai không trung thực thì làm thế nào để quyền của tôi vẫn được bảo vệ?

Gửi bởi: Hoàng Thu Thủy

Trả lời có tính chất tham khảo

Về trường hợp bạn hỏi, tại khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự quy định về quyền, nghĩa vụ của người phải thi hành án như sau: “Người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình và khi tiến hành xác minh”.
Chi tiết nội dung này, tại Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự quy định như sau:
Khi tiến hành xác minh, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án. Nội dung kê khai phải nêu rõ loại, số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản; tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay, mượn; giá trị ước tính và tình trạng của từng loại tài sản; mức thu nhập định kỳ, không định kỳ, nơi trả thu nhập; địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Chấp hành viên phải nêu rõ trong biên bản xác minh điều kiện thi hành án về việc đương sự kê khai hoặc không kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án.
Trường hợp người phải thi hành án không kê khai hoặc phát hiện việc kê khai không trung thực thì tùy theo mức độ vi phạm, Chấp hành viên có thể xử phạt hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, quy định về việc người phải thi hành án phải kê khaitài sản, thu nhập, điều kiện thi hành ánlà quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Quy định này vừa khuyến khích sự tự nguyện thi hành án, nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, ràng buộc trách nhiệm của người phải thi hành án đối với nghĩa vụ thi hành án, vừa giảm tải trách nhiệm của Chấp hành viên, chi phí của nhà nước trong việc xác minh điều kiện thi hành án, đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.
Điều luật cũng đã quy định: Trường hợp người phải thi hành án không kê khai hoặc bị phát hiện việc kê khai không trung thực thì tùy theo mức độ vi phạm, Chấp hành viên có thể xử phạt hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.Theo đó, tại khoản 36 Điều 1 Nghị định 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạmhành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhânvà gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, đã sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 52 hành vi vi phạm quy định trong hoạt động thi hành án dân sựcủa Nghị định 110/NĐ-CP như sau:“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: c) Không kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án.
Bên cạnh đó, ngoài việc căn cứ vào  kết quảtự kê khai của người phải thi hành án thì tùy từng trường hợp cụ thể, thông tin về điều kiện thi hành án còn có thể có từ nhiều nguồn khác. Để tổ chức thi hành án, pháp luật đã giao cho Chấp hành viên là người có trách nhiệmxác minh điều kiện thi hành áncủa người phải thi hành án tại các cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân nơi người phải thi hành án cư trú, Sở Tài nguyên và môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Văn phòng Công chứng, tổ chức tín dụng...) tương ứng với từng loại tài sản của người phải thi hành án. Do đó, quyền và lợi ích hợp pháp của bạn vẫn được bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Trả lời bởi: Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự