Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành là nguyên tắc hiến định đã được quy định tại Điều 106 Hiến pháp năm 2013. Trình tự, thủ tục thi hành án dân sự được quy định chi tiết tại Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Tại khoản 5 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự quy định cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án và phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án trong các trường hợp người yêu cầu không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung yêu cầu không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định; bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự theo quy định của Luật này; cơ quan thi hành án dân sự được yêu cầu không có thẩm quyền thi hành án; hết thời hiệu yêu cầu thi hành án. Quyền, nghĩa vụ trong thi hành án dân sự cũng như quyền con người, quyền cơ bản của công dân được ghi nhận tại Hiến pháp, pháp luật về thi hành án dân sự. Trong trường hợp nhất định, quyền, nghĩa vụ gắn liền với nhau “quyền đi liền với nghĩa vụ”, quyền của người này, đồng thời là nghĩa vụ của người khác và có thể có trường hợp quyền đồng thời là nghĩa vụ của một chủ thể.
Với nội dung quyết định của Tòa án công nhận sự thoả thuận của các đương sự đã xác định quyền, nghĩa vụ của các đương sự, về con chung, chị Trang và anh Hoàng công nhận vợ chồng có 01 con chung là cháu Khoa, sinh ngày 20/3/2014; nay ly hôn, theo thoả thuận hai bên là giao cháu Khoa cho chị Trang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cho đến khi cháu Khoa đủ 18 tuổi. Anh Hoàng tự nguyện cấp dưỡng tiền nuôi con hàng tháng là 2.500.000đ kể từ tháng 8/2015 đến khi cháu Khoa đủ 18 tuổi. Anh Hoàng có quyền đi lại, thăm nom con chung, không ai có quyền ngăn cản... và án phí
Quyết định của Tòa án đã xác định rõ theo thỏa thuận “hai bên” (chị Trang, anh Hoàng) tức là thỏa thuận của chị Trang và anh Hoàng giao cháu Khoa cho chị Trang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cho đến khi cháu Khoa đủ 18 tuổi, vì thế chị Trang có quyền yêu cầu thi hành án được giao cháu Khoa cho mình trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cho đến khi cháu Khoa đủ 18 tuổi. Mặt khác, quyết định nêu trên của Tòa án làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của anh Hoàng “tự nguyện cấp dưỡng tiền nuôi con hàng tháng là 2.500.000đ kể từ tháng 8/2015 đến khi cháu Khoa đủ 18 tuổi; anh Hoàng có quyền đi lại, thăm nom con chung, không ai có quyền ngăn cản và quyền của chị Trang yêu cầu anh Hoàng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, cũng như nghĩa vụ về án phí. Do đó, quyết định nêu trên của Tòa án làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự nên không thuộc trường hợp từ chối yêu cầu thi hành án.
Tuy nhiên, nội dung đơn yêu cầu thi hành án của chị Trang “yêu cầu anh Hoàng giao cháu Khoa chăm sóc, nuôi dưỡng” chưa đúng nội dung quyết định của Tòa án, vì thế cơ quan thi hành án dân sự cần hướng dẫn chị Trang làm đơn yêu cầu thi hành án đúng nội dung bản án để đảm bảo quyền của chị Trang được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, cũng như nhận tiền cấp dưỡng nuôi con hàng tháng từ anh Hoàng, bảo đảm hiệu lực thi hành quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và lợi ích của cháu Khoa. Nếu anh Hoàng đang nuôi con mà không tự nguyện giao con cho chị Trang thì Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.
Trả lời bởi:
Lê Anh Tuấn, Tổng cục Thi hành án dân sự