Ra quyết định thi hành án đối với người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù

Theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT/BTP-BCA-BTC ngày 06/02/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Tài chính thì biên bản tự nguyện nộp tiền của phạm nhân (hoặc thân nhân của phạm nhân) là căn cứ để ra quyết định thi hành án. Xin cho biết như vậy có trái với quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật Thi hành án dân sự vì trong trường hợp này không có đơn yêu cầu thi hành án? 

Gửi bởi: Bùi Khắc Chung

Trả lời có tính chất tham khảo

Về nội dung bạn hỏi nêu trên, đúng là tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT/BTP-BCA-BTC ngày 06/02/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Bộ Tài chính tại Điều 9 có quy định về thủ tục tạm thu tiền, giấy tờ do phạm nhân phải thi hành án dân sự hoặc thân nhân của họ tự nguyện nộp khi trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện chưa nhận được quyết định thi hành án. Theo đó quy định như sau: “Trường hợp chưa nhận được quyết định thi hành án dân sự do cơ quan thi hành án dân sự chuyển giao, Giám thị trại giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận tiền, giấy tờ do phạm nhân là người phải thi hành án dân sự hoặc thân nhân của họ nộp; đồng thời, lập biên bản theo mẫu 2c ban hành kèm theo Thông tư này và tạm thu tiền, giấy tờ của phạm nhân theo thủ tục quy định tại Điều 7 của Thông tư này.
Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày thu tiền, giấy tờ của phạm nhân là người phải thi hành án dân sự hoặc thân nhân của họ tự nguyện nộp để thi hành án, trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thông báo việc thu tiền, giấy tờ kèm theo biên bản tự nguyện nộp tiền, giấy tờ cho cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án xét xử sơ thẩm để ra quyết định thi hành án dân sự theo quy định.
Căn cứ thông báo của trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo và các giấy tờ khác có liên quan, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án xét xử sơ thẩm phải ra quyết định thi hành án dân sự, gửi quyết định đó và thông báo bằng văn bản cho trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện biết số tài khoản, địa chỉ của cơ quan thi hành án dân sự.
Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án dân sự và thông báo của cơ quan thi hành án dân sự, trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm chuyển số tiền thu được vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự; gửi trực tiếp giấy tờ thu được cho cơ quan thi hành án dân sự hoặc gửi qua phương tiện vận chuyển khác.”
 Quy định trên xuất phát từ việc người phải thi hành án là phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù giam nên việc tự mình nộp đơn yêu cầu thi hành án không hoàn toàn thuận lợi như những trường hợp bình thường khác, việc nắm bắt thông tin về việc thi hành án, việc tự nguyện thi hành án có những đặc thù. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các bên đương sự thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình được tuyên trong các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, khuyến khích người phải thi hành án (và thân nhân của họ) chấp hành pháp luật nghiêm chính, đảm bảo quyền yêu cầu thi hành án, quyền tự nguyện thi hành án, liên bộ đã thống nhất quy định tại Điều 9 Thông tư nêu trên, cho phép “biên bản tự nguyện nộp tiền, giấy tờ” của phạm nhân (hoặc thân nhân của phạm nhân) làm căn cứ cho cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án. Mặt khác, “biên bản tự nguyện nộp tiền, giấy tờ” mà bạn nêu trên cũng đã thỏa mãn các điều kiện về yêu cầu thi hành án, được quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự năm 2014 (quy định: “Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan. Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi”); khoản 3 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự năm 2014 (quy định: “Trường hợp người yêu cầu trực tiếp trình bày bằng lời nói thì cơ quan thi hành án dân sự phải lập biên bản có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, có chữ ký của người lập biên bản; biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu”; khoản 2 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự năm 2014 (quy định: đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây: a) Tên, địa chỉ của người yêu cầu; b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu; c) Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;d) Nội dung yêu cầu thi hành án;đ) Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;e) Ngày, tháng, năm làm đơn;g) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có).
Như vậy, việc Thông tư trên quy định “biên bản tự nguyện nộp tiền” của phạm nhân (hoặc thân nhân) là căn cứ để ra quyết định thi hành án là phù hợp với khoản 1 Điều 36 của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 và các quy định liên quan.

Trả lời bởi: Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự