Việc ra quyết định “trả lại tiền, tài sản”

Xin cho biết sự khác nhau giữa việc ra quyết định thi hành án chủ động “trả lại tiền, tài sản” tại điểm e khoản 2 Điều 36 với những trường hợp “trả lại tiền, tài sản” và quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật THADS?
 

Gửi bởi: Thu Hương

Trả lời có tính chất tham khảo

​Trả lời có tính chất tham khảo
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 36 Luật THADS thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án đối vớikhoản “trả lại tiền, tài sản” cho đương sự. Khoản tiền, tài sản phải trả này thuộc trường hợp trong quá trình tố tụng, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân…) đã thu giữ vật chứng, giấy tờ, tiền, tài sản của công dân, tổ chức phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Kết quả xét xử xét thấy tiền, tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, hoặc không liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người phải thi hành án... , cần thiết phải trả lại cho chủ sở hữu, sử dụng theo quy định của pháp luật thì được Bản án, quyết định của Tòa án tuyên phải trả lại cho chủ sở hữu, sử dụng. Việc Luật Thi hành án dân sự quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án trong trường hợp này thể hiện sự trách nhiệm của Nhà nước đối với người được nhận lại khoản tiền, tài sản đã thu giữ được trước đó.  Đồng thời, tại Khoản 1 Điều 126 Luật THADS được thiết kế để quy định cụ thể về trình tự, thủ tục khi Chấp hành viên thực hiện trả lại tiền, tài sản tạm giữ trong trường hợp bản án, quyết định tuyên trả lại tiền, tài sản cho đương sự và là một trong các trường hợp cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án chủ động theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự như đã nêu trên.
Mặt khác, việc thi hành án theo đơn yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự được áp dụng đối với trường hợp Tòa án tuyên buộc cá nhân, tổ chức trả tiền, tài sản, thực hiện (không được thực hiện) công việc hành vi nhất định cho cá nhân, tổ chức khác, như: trả nhà, trả quyền sử dụng đất, thanh toán nợ, trả giấy tờ, phân chia tài sản...Như vậy, những khoản bản án, quyết định của Tòa án tuyên về “trả tiền, tài sản” giữa cá nhân, tổ chức với nhau, thì cơ quan thi hành án chỉ ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án. Quá trình tổ chức thi hành các nội dung trên theo đơn yêu cầu thi hành án, việc trả tiền, tài sản thu được được thực hiện theo các điều luật liên quan đối với từng nghĩa vụ cụ thể của đương sự và theo thứ tự, thời hạn quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền, tài sản thi hành án, Chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành.Trường hợp đương sự không đến nhận thì tiền, tài sản đó được xử lý tương tự theo quy định tại Điều 126 của Luật Thi hành án dân sự nêu trên.Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo Điều 68 Luật Thi hành án dân sự tạm giữ tài sản, giấy tờ để thi hành án. Tuy nhiên, kết quả xác minh làm rõ cho thấy tài sản, giấy tờ đã tạm giữ không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án thì cũng phải trả lại tài sản, giấy tờ đó cho chủ sở hữu, sử dụng. Thủ tục xử lý tài sản, giấy tờ tạm giữ trả lại mà đương sự không nhận thì cơ quan thi hành án dân sự cũng áp dụng tương tự theo quy định tại Điều 126 Luật Thi hành án dân sự./.

Trả lời bởi: Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự