Về thủ tục thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ
Tại Điều 81 Luật thi hành án dân sự có quy định: “Trường hợp phát hiện người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu khoản tiền đó để thi hành án”.Tuy nhiên, khoản 1 Điều 23 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP lại quy định “khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án thì Chấp hành viên lập biên bản làm việc hoặc có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản giao nộp cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án”.. Như vậy, quy định của Luật và Nghị định về hình thức (ra quyết định, lập biên bản) thực hiện thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ có mâu thuẫn nhau hay không?
Gửi bởi:
Thu Hương
Trả lời có tính chất tham khảo
Về vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin trả lời như sau: nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án, pháp luật thi hành án dân sự quy định quyền của Chấp hành viên trong việc xử lý tài sản của người phải thi hành án kể cả đang do người thứ ba giữ. Tại Điều 81 Luật thi hành án dân sự quy định: “Trường hợp phát hiện người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu khoản tiền đó để thi hành án. Người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án có nghĩa vụ giao nộp tiền cho Chấp hành viên để thi hành án. Chấp hành viên lập biên bản thu tiền, cấp biên lai cho người thứ ba đang giữ tiền và thông báo cho người phải thi hành án…”. Đồng thời, tại khoản 1 Điều 23 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự có quy định “khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án thì Chấp hành viên lập biên bản làm việc hoặc có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản giao nộp cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án. Tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc giao nộp số tiền, tài sản đó thì bị áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để thi hành án. Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án chịu”.
Từ các quy định trên cho thấy, khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân (người thứ ba) đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án thì Chấp hành viên lập biên bản làm việc hoặc có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản giao nộp cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án. Tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án phải thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên. Khi thực hiện việc thu tiền thì Chấp hành viên phải lập biên bản thu tiền, cấp biên lai cho người thứ ba đang giữ tiền và thông báo cho người phải thi hành án. Trường hợp người thứ ba không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc giao nộp số tiền, tài sản đó thì Chấp hành viên áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để thi hành án. Đối với tài sản là tiền thì Chấp hành viên ra quyết định thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ để thi hành án. Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án chịu. Như vậy, Luật thi hành án dân sự và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã quy định thống nhất trong việc xử lý khoản tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ; Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã làm rõ thêm trình tự, thủ tục áp dụng trong việc thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ mà Điều 81 Luật Thi hành án dân sự quy định.
Trả lời bởi:
Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự