Về thời hạn tiến hành xác minh điều kiện thi hành án

Tại Khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự quy định về thời hạn Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, như sau: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay”.
 Như vậy, đối với những trường hợp quyết định thi hành án có nhiều người phải thi hành án và họ có nơi ở, làm việc tại các địa chỉ khác nhau thì quy định thời hạn xác minh như vậy có đảm bảo cho Chấp hành viên thực hiện việc xác minh không? Có nên quy định tăng thời hạn này không?

Gửi bởi: Thuy Thủy

Trả lời có tính chất tham khảo

Về vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin trả lời như sau: Tại khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định “2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày chủ động ra quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh của người được thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải xác minh ngay” Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quy định trên yêu cầu Chấp hành viên phải tiến hành xác minh khi đang trong thời gian 15 ngày tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án là chưa phù hợp.Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã quy định về thời hạn xác minh điều kiện thi hành án rõ ràng hơn và phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. Cụ thể, với sự sửa đổi này, tại Khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự hiện hành quy định thời hạn xác minh như sau: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay”.
Như vậy, quy định trên đã xác định trách nhiệm của Chấp hành viên phải kịp thời tiến hành xác minh nhằm xác định rõ điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, không được để việc thi hành án chậm trễ, kéo dài. Khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án, trong thời hạn 10 ngày, là Chấp hành viên phải kịp thờibắt đầu tiến hành hoạt động xác minh.Trong thực tiễn, đối với những trường hợp việc thi hành án có nhiều người phải thi hành án mà họ có nơi ở và làm việc ở các địa chỉ khác nhau như bạn nêu hoặc việc xác minh có khó khăn, cần sự phối hợpcủa các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan hoặc có sự tẩu tán, có sự tranh chấp, cần sự phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản của người phải thi hành án...thì cần thời gian nhiều hơn để Chấp hành viên tiến hành các hoạt động xác minh, làm rõ. Quy định “trong thời hạn 10 ngày..thì Chấp hành viên tiến hành xác minh” không đồng nghĩa với việc “Chấp hành viên chỉ được xác minh trong thời hạn 10 ngày” hoặc “Chấp hành viên phải kết thúc việc xác minh trong thời hạn 10 ngày”.
Do đó, quy định thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án Chấp hành viên tiến hành xác minh là phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Trả lời bởi: Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự