Lỡ nhận chuyển nhượng tài sản của người phải thi hành án, làm thế nào để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình?
Ngày 22/12/2016, tôi có nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà tại quận B thành phố H của ông Hoàng Văn T và bà Hồ Thị N. Trước khi nhận chuyển nhượng tôi đã đến Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố H chi nhánh quận B đề nghị cung cấp thông tin về tình trạng pháp lý tài sản trên của ông T và bà N và được cung cấp tài sản trên của ông T và bà N đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, tài sản trên hiện không có tranh chấp, không cầm cố thế chấp và không bị hạn chế quyền. Khi Văn phòng Công chứng thực hiện tra cứu trên hệ thống dữ liệu công chứng thì tài sản trên cũng không bị hạn chế giao dịch nên đã chứng thực hợp đồng chuyển nhượng cho tôi. Tôi đã nộp hồ sơ để làm thủ tục chuyển quyền sử dụng và sở hữu tài sản trên tại Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố H chi nhánh quận B.
Trong quá trình chờ Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố H chi nhánh quận B làm thủ tục thì ngày 28/2/2017, tôi nhận được quyết định tạm dừng đăng ký chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản trên của Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự quận B và sau đó, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố H chi nhánh quận B đã trả lại hồ sơ cho tôi. Đến ngày 10/3/2017, tôi nhận được thông báo của cơ quan thi hành án dân sự quận B về việc kê biên tài sản trên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của ông T và bà N theo quyết định của Bản án dân sự phúc thẩm số 776/2016/DSPT ngày 10/11/2016 của Tòa án nhân dân thành phố H. Tôi đã làm đơn trình bày về việc tôi đã nhận chuyển nhượng tài sản trên nhưng cơ quan thi hành án dân sự quận B không chấp nhận và ngày 31/3/2017 đã tiến hành kê biên tài sản trên của tôi.
Vậy, tôi phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình ? Tôi có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy quyết định kê biên của cơ quan thi hành án dân sự quận B không ?
Gửi bởi:
Tâm Hồng
Trả lời có tính chất tham khảo
Về vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin trả lời như sau: Về việc bạn nhận chuyển nhượng tài sản là quyền sử dụng đất, tại khoản 3 Điều 188 Luật đất đai năm 2013 quy định về hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, như sau: “Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”.
Về kê tài sản thi hành án, theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 thì: “Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự”.
Khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự quy định về giải quyết tranh chấp, yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án như sau: “Trường hợp tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế để thi hành án mà có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ được khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết”.
Theo phản ánh của bạn thì việc bạn nhận chuyển nhượng tài sản là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà tại quận B thành phố H của ông Hoàng Văn T và bà Hồ Thị N là ngay tình và hợp pháp. Tuy nhiên, theo quy định của Luật đất đai năm 2013 thì Hợp đồng chuyển nhượng của bạn chưa hoàn tất thủ tục cho nên về mặt pháp lý, tài sản trên vẫn thuộc quyền sử dụng và sở hữu của ông T và bà N. Mặt khác, do việc chuyển nhượng tài sản của ông Tvà bà N được thực hiện sau khi Bản án số 776/2016/DSPT ngày 10/11/2016 của Tòa án nhân dân thành phố H có hiệu lực. Do đó, nếu ông T và bà N không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì theo các quy định nêu trên, cơ quan thi hành án dân sự quận B có quyền kê biên tài sản là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà tại quận B thành phố H của ông T và bà N để đảm bảo thi hành nghĩa vụ. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bạn có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định hoặc công nhận tài sản trên thuộc quyền sử dụng, sở hữu của mình theo quy định tại khoản 12 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 75 Luật Thi hành án dân sự.
Về nội dung bạn hỏi về việc khởi kiện quyết định kê biên của cơ quan thi hành án dân sự: Tại Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vướng mắc về nghiệp vụ đã nêu: Theo khoản 12 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 75 Luật Thi hành án dân sự thì Tòa án chỉ xem xét giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế thi hành án; Tòa án không giải quyết việc cưỡng chế đúng hay sai; Tòa án không có quyền hủy quyết định cưỡng chế thi hành án như một quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức. Như vậy, trong trường hợp này bạn không có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu hủy quyết định kê biên của cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp bạn cho rằng quyết định kê biên đó làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bạn có thể khiếu nại theo quy định tại Điều 140 Luật Thi hành án dân sự.
Trả lời bởi:
Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự