Trong trường hợp này Cục Thi hành án dân sự tỉnh B ra quyết định thi hành án dân sự mới và tổ chức việc thi hành án chứ không ra quyết định tiếp tục thi hành án bởi vì theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 thì đối với trường hợp đã trả đơn yêu cầu thi hành án trước ngày Luật này có hiệu lực thì cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án khi đương sự yêu cầu theo quy định của Luật này. Hơn nữa, tại khoản 5 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự” thì đối với trường hợp đã trả đơn yêu cầu thi hành án trước ngày 01/7/2015 mà đương sự yêu cầu thi hành án trở lại thì cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định trả đơn phải ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án. Yêu cầu thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự và phải kèm theo tài liệu liên quan, quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án, nếu có. Trường hợp không còn quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án, người được thi hành án có quyền đề nghị cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án xác nhận về việc đã trả đơn và thụ lý giải quyết việc thi hành án.
Trong việc thi hành án này, do người được thi hành án xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, vì vậy cơ quan thi hành án dân sự cần lưu ý bảo đảm quyền lợi của người được thi hành án về miễn, giảm phí thi hành án dân sự theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 7 Luật Thi hành án dân sự và Điều 7 Thông tư số 216/2016/TT-BTP ngày 09/11/2016 của Bộ Tài chính “quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự”. Người được thi hành án xác minh chính xác sau khi cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án theo quy định tại
khoản 1 Điều 44a Luật thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự xử lý được tài sản để thi hành án. Người được thi hành án được giảm phí thi hành án dân sự trong trường hợp sau đây: Giảm đến 80% phí thi hành án dân sự đối với người có khó khăn về kinh tế thuộc chuẩn hộ nghèo và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận; giảm 30% phí thi hành án dân sự tương ứng với số tiền thực nhận từ việc xử lý tài sản của người phải thi hành án mà người được thi hành án xác minh chính xác khi yêu cầu thi hành án và cơ quan thi hành án dân sự xử lý được tài sản để thi hành án mà không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế cần huy động lực lượng, trừ trường hợp tài sản đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại; giảm 20% phí thi hành án dân sự trong trường hợp quy định tại điểm b khoản này nếu phải áp dụng biện pháp cưỡng chế cần huy động lực lượng, trừ trường hợp tài sản đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại. Để được miễn, giảm phí thi hành án dân sự, đương sự phải làm đơn đề nghị miễn hoặc giảm phí thi hành án dân sự, kèm theo các tài liệu có liên quan chứng minh điều kiện miễn, giảm theo quy định. Đơn đề nghị miễn hoặc giảm phí thi hành án dân sự kèm theo các tài liệu liên quan được nộp cho tổ chức thu phí. Trường hợp đơn, tài liệu chưa đầy đủ thì tổ chức thu phí hướng dẫn người yêu cầu bổ sung theo quy định. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Thủ trưởng tổ chức thu phí có trách nhiệm xem xét, ra quyết định miễn hoặc giảm phí thi hành án dân sự hoặc thông báo bằng văn bản cho người phải nộp phí biết về việc họ không được miễn hoặc giảm phí thi hành án dân sự và nêu rõ lý do. Việc xét miễn, giảm phí thi hành án dân sự thực hiện đối với từng quyết định thu phí thi hành án dân sự.
Trả lời bởi:
Lê Anh Tuấn, Tổng cục Thi hành án dân sự