Quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án trong thi hành án dân sự
Xin hỏi người được thi hành án có quyền, nghĩa vụ gì trong thi hành án dân sự ?
Gửi bởi:
Trần Thu Dân
Trả lời có tính chất tham khảo
Căn cứ Điều 7 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014 thì người được thi hành án có các quyền, nghĩa vụ sau đây trong thi hành án dân sự:
1. Các quyền của người được thi hành án trong thi hành án dân sự
Người được thi hành án có 11 nhóm quyền, gồm:
a) Yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định trong Luật Thi hành án dân sự;
b) Được thông báo về thi hành án;
c) Thỏa thuận với người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án;
d) Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án;
đ) Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án;
e) Không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án do Chấp hành viên thực hiện;
g) Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ;
h) Ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;
i) Chuyển giao quyền được thi hành án cho người khác;
k) Được miễn, giảm phí thi hành án trong trường hợp cung cấp thông tin chính xác về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;
l) Khiếu nại, tố cáo về thi hành án.
2. Người được thi hành án có các nghĩa vụ sau đây trong thi hành án dân sự:
a) Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định;
b) Thực hiện các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án; thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú;
c) Chịu phí, chi phí thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Điều 7 Luật Thi hành án dân sự quy định các quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án theo hướng xác định những nhóm quyền, nghĩa vụ chung, khái quát nhất. Vì thế, để hiểu và áp dụng quy định về các quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án thì phải xác định theo từng điều khoản cụ thể tương ứng với từng nội dung liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án trong Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự, ví dụ: Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự, Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN ngày 14/01/2014 của Bộ tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để thi hành án dân sự, Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản nộp ngân sách Nhà nước, Thông tư số 02/2016/TT-BTP ngày 01/2/2016 của Bộ Tư pháp quy định quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự, Thông tư số 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án.
Trả lời bởi:
LS. Lại Thu Trang và TS. Lê Anh Tuấn