Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng chặng đường 05 năm đổi mới và phát triển

06/07/2020
Giai đoạn 2015- 2020, phong trào thi đua yêu nước tại Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng luôn sôi nổi, đội ngũ cán bộ luôn đoàn kết, quyết tâm cao, nhiệt tình và tâm huyết hết mình vì nhiệm vụ chính trị và chuyên môn góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ công tác.

Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị loại 1, trung tâm du lịch, dịch vụ cảng biển, kinh tế trọng điểm phía Bắc, cực tăng trường quan trọng trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hải Phòng có diện tích đất liền: 1.561,8 km2; dân số: 1,963 triệu người (tính đến tháng 12/2016), là thành phố đông dân thứ 3 ở Việt Nam, sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hải Phòng gồm 7 quận nội thành, 6 huyện ngoại thành và 2 huyện đảo; (223 đơn vị cấp xã gồm 70 phường, 10 thị trấn và 143 xã). Những năm gần đây, Hải Phòng có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hoá nhanh, là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thành phố mặt trái của cơ chế thị trường cũng bộc lộ rõ nét hơn trong đó có các tranh chấp kinh tế thương mại, dân sự phát sinh dẫn đến số lượng án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại  gia tăng với nhiều vụ việc có giá trị rất lớn và tính chất phức tạp hơn. Đây là một trong những nguyên nhân chính tác động mạnh đến hiệu quả hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự ở địa phương.
Hàng năm, các cơ quan Thi hành án dân sự toàn thành phố Hải Phòng phải tổ chức thi hành trung bình  từ 17 nghìn đến trên 18 nghìn việc với số tiền trên 10 nghìn tỷ đồng (tổng số tiền phải thi hành lớn thứ 3 toàn quốc). Trung bình mỗi năm số thụ lý mới tăng khoảng 10% về việc, 50% về tiền so với cùng kỳ năm trước trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao cho các cơ quan Thi hành án dân sự phải hoàn thành năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước. Trước khó khăn và thách thức lớn như vậy, tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thành phố nhận thấy để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, quyết tâm vượt qua vị trí xếp hạng nhiều năm trước cần phải thực hiện đổi mới nhiều mặt với nhiều giải pháp có tính đột phá mới có thể thực hiện được mục tiêu đã định. Với quyết tâm cao, các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả, trong đó tập trung chỉ đạo ba khâu đột phá: thứ nhất, về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phát huy vai trò của lãnh đạo, nhất là người đứng đầu đơn vị. Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành phải sâu sát, kiên quyết, rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành; tăng cường phát động các phong trào thi đua trong toàn thành phố, có cơ chế khen thưởng, xử lý vi phạm rõ ràng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả các phần mềm, thực hiện việc họp giao ban trực tuyến, chỉ đạo công việc qua môi trường mạng...; thứ hai, về công tác tổ chức cán bộ: tổ chức bộ máy các cơ quan thuộc hệ thống không ngừng được củng cố, kiện toàn; kỷ cương, kỷ luật hành chính được tăng cường, nội bộ các cơ quan Thi hành án dân sự đoàn kết, nhất trí. Để tập trung tăng cường cho các địa bàn còn hạn chế hoặc có lượng việc và giá trị phải thi hành lớn, Cục Thi hành án dân sự thành phố đã thực hiện phân bổ lại biên chế các đơn vị theo hướng bổ sung biên chế cho các đơn vị có số lượng việc, giá trị phải thi hành lớn, số án tồn còn nhiều, tăng cường cán bộ của Cục về các Chi cục; thứ ba, về công tác tổ chức thi hành án và công tác kiểm tra: tập trung chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thi hành án, nhất là đối với những vụ án lớn, những vụ việc phức tạp, kéo dài, có ảnh hưởng đến tình hình trật tự của địa phương; tăng cường công tác phối hợp liên ngành; tăng cường chỉ đạo kiểm tra toàn diện, chuyên đề và kiểm tra đột xuất, phát huy hiệu quả công tác tự kiểm tra nội bộ.
Những giải pháp đồng bộ trên đã phát huy hiệu quả rõ rệt, kết quả thi hành án dân sự toàn thành phố luôn năm sau cao hơn năm trước, đạt và vượt chỉ tiêu được giao (năm 2015 đạt 01/4 chỉ tiêu, năm 2016 đạt 03/4 chỉ tiêu, năm 2017 đạt 04/4 chỉ tiêu, năm 2018 đạt 03/4 chỉ tiêu, năm 2019 đạt 02/2 chỉ tiêu); bộ máy tổ chức được quan tâm, củng cố và kiện toàn nhất là đối với các đơn vị có lượng án lớn; công tác hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn; ý thức trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật làm việc có nhiều tiến bộ; công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan, các trại giam, trại tạm giam được đẩy mạnh; các phong trào thi đua “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”…được triển khai liên tục, sâu rộng trong toàn thành phố; các mặt công tác khác (Đảng, đoàn thể…) đều hoạt động hiệu quả hơn.
Với những kết quả trên, tập thể Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng 02 năm liền được Bộ Tư pháp công nhận là Tập thể lao động xuất sắc (năm 2018, năm 2019); Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng tặng Bức trướng năm 2016; Ủy ban nhân dân thành phố tặng    Bằng khen năm 2018; Bộ Tư pháp tặng Bằng khen năm 2019.
Qua chặng đường 5 năm đổi mới và phát triển, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng nhận thấy bài học kinh nghiệm sâu sắc để khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao là phải thường xuyên đổi mới, biết lựa chọn giải pháp làm khâu đột phá, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành từ Cục cho đến các Chi cục; làm tốt công tác chính trị tư tưởng, xây dựng tập thể đoàn kết thống nhất từ đội ngũ lãnh đạo cho đến cán bộ, công chức. Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm đội ngũ chấp hành viên, thực hiện khen thưởng kịp thời kết hợp kỷ luật nghiêm minh đối với các trường hợp sai phạm, từng bước xây dựng và nâng cao kỷ luật, kỷ cương toàn ngành. Tranh thủ tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ của cấp trên, của chính quyền địa phương. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dựng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian thi hành án theo yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số thiết chế pháp lý góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Có thể nhận thấy, với kết quả đã đạt được trong 5 năm qua của các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng vẫn còn rất khiêm tốn, chặng đường phát triển phía trước còn nhiều khó khăn, nhiều mặt công tác cần tiếp tục kiện toàn và hướng tới ổn định lâu bền nên việc rất cần những tập thể luôn luôn đoàn kết, một bộ máy làm việc chuyên nghiệp với những con người tâm huyết với nghề…là mục tiêu Hải Phòng quyết tâm xây dựng trong chặng đường tiếp theo.
Lê Thị Minh Thúy-Văn Phòng Cục THADS