Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính

14/08/2023


Thời gian qua, tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước đã có những chuyển biến và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có Ủy ban nhân dân các cấp, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, điển hình như người đại diện không tham gia đối thoại, tham gia phiên Tòa và việc chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án. Do đó, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có Ủy ban nhân dân các cấp. Tại Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự là cơ quan được giao giúp Bộ Tư pháp tham mưu giúp Chính phủ đối với công tác này. Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin nêu một số nội dung của công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính.
I. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính
1. Một số nội dung chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của Ủy ban nhân dân các cấp
a) Về trách nhiệm tham gia đối thoại
Tại khoản 1 Điều 134 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về nguyên tắc đối thoại đã quy định: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Tòa án tiến hành đối thoại để các đương sự thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án…”. Tại khoản 1 Điều 136 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định: Trước khi tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại giữa các đương sự, Thẩm phán phải thông báo cho các đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung của phiên họp.           Tại khoản 15 và 16 Điều 55 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về quyền và nghĩa vụ của đương sự đã quy định đương sự có trách nhiệm: Tham gia phiên họpPhải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án”.
          Trường hợp qua đối thoại mà người khởi kiện vẫn giữ yêu cầu khởi kiện, người bị kiện giữ nguyên quyết định, hành vi bị khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vẫn giữ nguyên yêu cầu thì Thẩm phán tiến hành các thủ tục để mở phiên tòa xét xử vụ án. Trường hợp người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện thì Thẩm phán lập biên bản về việc người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện, ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện. Trường hợp người bị kiện cam kết sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ quyết định bị khởi kiện hoặc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện cam kết rút đơn khởi kiện thì Tòa án lập biên bản về việc cam kết của đương sự. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản, người bị kiện phải gửi cho Tòa án quyết định hành chính mới hoặc thông báo về việc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện phải gửi cho Tòa án văn bản rút đơn khởi kiện. Hết thời hạn này mà một trong các đương sự không thực hiện cam kết của mình thì Thẩm phán tiến hành các thủ tục để mở phiên tòa xét xử vụ án.
Như vậy, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã dành riêng 1 chương để quy định về thủ tục đối thoại cùng với thủ tục chuẩn bị xét xử. Theo đó, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã quy định về trách nhiệm tham gia đối thoại của đương sự, trong đó có UBND các cấp với tư cách là đương sự, đây là quy định mang tính bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử, trừ một số ngoại lệ. Việc quy định trách nhiệm tham gia đối thoại của đương sự đã đóng vai trò rất lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho tòa án trong quá trình tiến hành các thủ tục đối thoại giúp quá trình giải quyết vụ án hành chính nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho đương sự. Mục đích của việc đối thoại là để các đương sự tìm được tiếng nói chung, thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác giải quyết các vụ án hành chính của tòa án.
b) Về trách nhiệm tham gia phiên tòa
Theo quy định tại khoản 9 Điều 38 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán quy định Thẩm phán có trách nhiệm: “Triệu tập người tham gia phiên tòa, phiên họp”. Đồng thời, khoản 15 và 16 Điều 55 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về quyền và nghĩa vụ của đương sự đã quy định đương sự có trách nhiệm: Tham gia phiên tòaPhải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án”. Như vậy, theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính, Tòa án có trách nhiệm triệu tập đương sự tham gia phiên tòa và đương sự có trách nhiệm phải có mặt và tham gia phiên tòa khi được Tòa án triệu tập.
Theo quy định tại Điều 157 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì sự có mặt hay vắng mặt của đương sự là căn cứ để Tòa án hoãn phiên tòa hay vẫn tiến hành xét xử vụ án. Theo đó, trường hợp Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Trường hợp Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa...
           Việc tham gia phiên tòa giúp cho đương sự nắm bắt đầy đủ nội dung vụ việc, quan điểm, lập luận của các bên, qua đó bảo vệ quyết định hành chính, hành vi hành chính do mình ban hành, thực hiện được đầy đủ và kịp thời. Trường hợp nhận thấy, quyết định hành chính, hành vi hành chính do mình ban hành, thực hiện không đúng quy định của pháp luật thì kịp thời hủy bỏ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính làm cơ sở để Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, tránh việc Tòa án phải đưa vụ án ra xét xử, tuyên án và phải tổ chức thi hành bản án với tư cách là người phải thi hành án.
c) Về trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ
          Theo quy định tại Điều 9 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hành chính quy định: Các đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp phápTòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ và tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án hoặc đương sự theo quy định. Đồng thời, tại khoản 10 Điều 38 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán quy định Thẩm phán có trách nhiệm: “Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định của Luật này và tại khoản 5 Điều 55 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về quyền và nghĩa vụ của đương sự đã quy định đương sự có trách nhiệm: “Cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Ngoài ra, tại Điều 78 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hành chính đã quy định: “Người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp bản sao quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, bản sao quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có), cung cấp chứng cứ khác để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; trường hợp không cung cấp được thì phải nêu rõ lý do. Người bị kiện có nghĩa vụ cung cấp cho Tòa án hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có) và bản sao các văn bản, tài liệu mà căn cứ vào đó để ra quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc có hành vi hành chính”.
          Như vậy, theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, việc thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của đương sự. Tòa án có trách nhiệm yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ. Đương sự có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó đương sự là người bị kiện có trách nhiệm cung cấp cho Tòa án hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có) và bản sao các văn bản, tài liệu mà căn cứ vào đó để ra quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc có hành vi hành chính.
          Mục đích của quy định trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ nhằm giúp cho đương sự chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, qua đó góp phần giúp Tòa án có đầy đủ hồ sơ, tài liệu để xét xử vụ án được toàn diện, đúng bản chất vụ việc và phù hợp với thực tế khách quan.
d) Về trách nhiệm báo cáo tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính
Luật Tố tụng hành chính năm 2015 chưa có quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc báo cáo tình hình và kết quả chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của Ủy ban nhân dân các cấp. Thực tế, thời gian qua, việc báo cáo tình hình và kết quả chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của Ủy ban nhân dân các cấp được thực hiện xuất phát từ các lần giám sát chuyên đề năm 2018 và 2022 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.
Hiện nay, tại khoản 14 Điều 2 Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp đã quy định Bộ Tư pháp có nhiệm vụ: “…theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính”. Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này quy định thẩm quyền của Bộ Tư pháp trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, là cơ sở pháp lý để Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, trong đó có nội dung đề nghị Ủy ban nhân dân báo cáo tình hình và kết quả chấp hành pháp luật tố tụng hành chính (theo định kỳ hoặc đột xuất).
2. Nhiện vụ, quyền hạn của các cơ quan trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân chấp hành pháp luật tố tụng hành chính
a) Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ
          Luật Tố tụng hành chính năm 2015 mới chỉ quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án hành chính mà chưa có quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước.
Trên thực tế, nội dung quản lý nhà nước về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước được Chính phủ chỉ đạo thực hiện thông qua công tác chỉ đạo, điều hành gắn liền với các lần giám sát chuyên đề năm 2018 và 2022 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.
Để triển khai thực hiện nội dung này, bên cạnh việc đưa nội dung về công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của Ủy ban nhân dân các cấp vào các nghị quyết hàng năm, các văn bản chỉ đạo chung toàn quốc hoặc địa phương cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Điều này thể hiện quan điểm của người đứng đầu Chính phủ đối với việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, trong đó, Chỉ thị số 26/CT-TTg đã chỉ đạo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chấp hành, chỉ đạo chấp hành nghiêm pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, nâng cao chất lượng ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm hạn chế khiếu kiện hành chính phát sinh.
b. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp
          Luật Tố tụng hành chính năm 2015 mới chỉ quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án hành chính mà chưa có quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp liên quan đến công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước nói chung, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nói riêng. Do đó, thời gian qua, việc thực hiện các nội dung này được Bộ Tư pháp thực hiện dựa trên các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tại Chỉ thị số 26/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giúp Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính; rà soát các quy định của Luật Tố tụng hành chính để kịp thời báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.
Hiện nay, nhiệm vụ này đã được Chính phủ giao Bộ Tư pháp tại khoản 14 Điều 2 Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Theo đó, Chính phủ đã quy định Bộ Tư pháp có nhiệm vụ: “…theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính”. Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định thẩm quyền của Bộ Tư pháp liên quan đến việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, là cơ sở pháp lý để Bộ Tư pháp giúp Chính phủ triển khai tổ chức thực hiện đối với công tác này.
c) Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Thi hành án dân sự
          Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án mới chỉ quy định trách nhiệm của Tổng cục Thi hành án dân sự trong công tác thi hành án hành chính mà chưa có quy định trách nhiệm của Tổng cục Thi hành án dân sự trong công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính. Do đó, thời gian qua, việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu Bô Tư pháp giúp Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính được Tổng cục Thi hành án dân sự tham mưu triển khai thực hiện dựa trên sự phân công chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp.

          Hiện nay, trên cơ sở Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 19/2023/QĐ-TTg ngày 02/8/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp. Theo đó, đã giao chính thức cho Tổng cục Thi hành án dân sự nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính. Đây là cơ sở pháp lý để Tổng cục Thi hành án dân sự tham mưu Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính. Như vậy, hiện nay, ngoài nội dung liên quan đến công tác thi hành án dân sự, Tổng cục Thi hành án dân sự còn được giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính.

d. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Thi hành án dân sự
          Theo quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, các cơ quan THADS địa phương mới chỉ được giao trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính và thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan đến công tác thi hành án hành chính mà chưa được giao nhiệm vụ liên quan đến công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính. Vì vậy, thực tế thời gian qua, việc thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính (nếu có) được triển khai thực hiện trên cơ sở chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự (chủ yếu là đề nghị phối hợp tổng hợp, thống kê số liệu chấp hành pháp luật tố tụng hành chính) hoặc được thực hiện theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cùng cấp (phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp dưới đề nghị cung cấp tình hình và kết quả chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, trên cơ sở đó, tổng hợp, xây dựng báo cáo trình cấp có thẩm quyền (Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp..)).
          Hiện nay, dự kiến khi tiến hành tổng kết, hoàn thiện pháp luật về tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, trên cơ sở xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Tổng cục Thì hành án dân sự sẽ tham mưu Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ đưa hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền đưa thêm nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự trong công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính để có cơ sở pháp lý giúp Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính.
II. Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính
        Để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước nói chung, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp nói riêng, trong thời gian tới, Tổng cục Thi hành án dân sự cần tham mưu Bộ Tư pháp giúp Chính phủ tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đối với người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương quán triệt, thực hiện, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật tố tụng hành chính nhằm khắc phục tình trạng người có thẩm quyền không tham gia phiên đối thoại, không tham gia phiên tòa, không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ cho Tòa án trong các vụ án hành chính.
Hai là, chỉ đạo Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức các buổi làm việc và tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp tại các địa phương có nhiều vụ khởi kiện hành chính, xác định rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp bảo đảm chấp hành nghiêm pháp luật tố tụng hành chính của Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp.
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nhất là Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính ở trên địa bàn, xem công tác công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính là một trong các nhiệm vụ công vụ cần phải được quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, đối với các địa phương thực hiện chưa nghiêm, Tỉnh ủy, Thành ủy cần ban hành chỉ thị riêng yêu cầu thực hiện nghiêm công tác này.
        Bốn là, chỉ đạo Bộ Tư pháp khẩn trương tiến hành tổng kết và có báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành việc thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cũng như phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Tòa án nhân dân tối cao trong việc rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015, làm cơ sở đề nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện pháp luật về tố tụng hành chính, khắc phục các khó khăn, vướng mắc đã phát sinh trên thực tế. Trong đó, đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng được Chủ tịch Ủy ban nhân dân ủy quyền tham gia tố tụng hành chính đến Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân - là cơ quan đã tham mưu ban hành quyết định hành chính bị khởi kiện để tham gia tố tụng. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung về thời hạn cung cấp tài liệu, chứng cứ bảo đảm tính khả thi đối với các bên đương sự trong vụ án hành chính.
Năm là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính. Trong đó, tập trung công tác phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp (thời gian phải tham gia tố tụng giải quyết vụ án hành chính; việc cung cấp tài liệu chứng cứ); phối hợp liên ngành hướng dẫn những vấn đề chưa rõ, còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan trong quá trình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính.
Sáu là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hồ sơ, tài liệu; củng cố, kiện toàn cơ sở vật chất, nâng cao năng lực, trình độ, chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ công chức tại các địa phương, trong đó, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước (được giao tham mưu ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính…) góp phần bảo đảm việc tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa và cung cấp tài liệu, chứng cứ đầy đủ, kịp thời và hiệu quả./.
Nguyễn Thanh Nam - Vụ NV3