MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ LÝ VỤ VIỆC CẠNH TRANH

24/08/2023
Bài viết phân tích một số vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật về thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự (Luật THADS) và Luật Cạnh tranh (Luật CT) hiện hành.


I.Đặt vấn đề:
Để phù hợp với mục tiêu xây dựng một kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, ngày 03/12/2004, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Luật Cạnh tranh 2004, chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2005. Luật Cạnh tranh 2004 đã tạo được hành lang pháp lý quan trọng, góp phần tạo lập và duy trì một môi trường kinh doanh bình đẳng, từ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước, phân bổ hiệu quả các nguồn lực xã hội.
Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thi hành, Luật Cạnh tranh năm 2004 cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong nội dung quy định. Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, cũng như phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế-xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, ngày 12/6/2018, Quốc hội khóa XIV, tại kỳ họp thứ V, đã thông qua Luật Cạnh tranh năm 2018 (Luật số 28/2018/QH14), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019. Đặc biệt, trong Luật Cạnh tranh 2018 này (sau đây xin gọi tắt là Luật CT), có điều khoản quy định việc sửa đổi, bổ sung, bãi bò quy định trong một số luật khác, trong đó có Luật Thi hành án dân sự[1]      
Bài viết sau đây, tác giả phân tích những nội dung mang tính đặc thù và những vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật về thi hành các quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh và các quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh (sau đây, tác giả xin phép gọi tắt trong bài viết này là “QĐXLVVCT”), được thi hành theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2018) (sau đây gọi tắt là “Luật THADS”), từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật nhằm đảm bảo hiệu quả của công tác thi hành án dân sự nói chung cũng như công tác tổ chức thi hành QĐXLVVCT nói riêng.
II. Một số vấn đề về tổ chức thi hành QĐXLVVCT theo quy định hiện hành:
II.1. Quy định của pháp luật về việc thi hành QĐXLVVCT:     
Hiện nay, Luật CT có các quy định về vấn đề thi hành QĐXLVVCT, cụ thể như sau: Theo Điều 114 của Luật CT về “thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”: “1. Sau 15 ngày kể từ ngày quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật mà bên phải thi hành không tự nguyện thi hành thì bên được thi hành, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thi hành quyết định. 2. Trường hợp quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành quyết định.
Đồng thời, liên quan đến việc“thi hành quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”, tại Điều 115 của Luật CT, có quy định: “1. Sau 15 ngày kể từ ngày quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật mà bên phải thi hành không tự nguyện thi hành hoặc không khởi kiện ra Toà án theo quy định tại Điều 103 của Luật này thì bên được thi hành, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thi hành quyết định. 2. Trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành thì bên được thi hành, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành quyết định”.
Ngoài ra, tại Điều 33 Nghị định số 75/2029/NĐ-CP ngày 26/9/2019 của Chính phủ, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh (sau đây gọi tắt là “Nghị định số 75/2019/NĐ-CP”), cũng có quy định tương đối chi tiết về “thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”, những nội dung của Điều 33 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP này sẽ được phân tích, trích dẫn trong phần tiếp theo của bài viết.  
Như vậy, theo quy định của Luật CT hiện hành thì các QĐXLVVCT “có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành”, thuộc thẩm quyền tổ chức thi hành của cơ quan thi hành án dân sự, việc tổ chức thi hành QĐXLVVCT có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành, tuân thủ theo các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, điều đó cũng có nghĩa là cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, sẽ có thể áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định của Luật THADS để tổ chức thi hành QĐXLVVCT.
Mặt khác, cũng theo các quy định như trên thì việc thi hành QĐXLVVCT là loại việc thi hành “theo yêu cầu”. Do xác định đây là loại việc thi hành “theo yêu cầu”, cho nên, tại Điều 28 của Luật THADS không có điều khoản nào quy định Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh hay Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh phải chuyển giao loại quyết định này cho cơ quan thi hành án dân sự[2].
Qua so sánh, đối chiếu, tác giả nhận thấy có những điểm tương đồng trong quy định của Luật THADS về vấn đề thi hành phán quyết trọng tài của Trọng tài thương mại (sau đây viết tắt là “PQTT”) với việc thi hành QĐXLVVCT[3]. Tuy nhiên, vấn đề thi hành QĐXLVVCT còn có những nội dung mang tính đặc thù cũng như những vướng mắc, bất cập của riêng nó, cụ thể như sau:     
II.2. Một số nội dung đặc thù trong quy định của pháp luật về thi hành QĐXLVVCT:
Thứ nhất, về thẩm quyền tổ chức thi hành QĐXLVVCT: Hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 114; khoản 2 Điều 115 của Luật CT nói trên và theo điểm e khoản 2 Điều 35 Luật THADS thì thẩm quyền tổ chức thi hành QĐXLVVCT chỉ thuộc về “cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh”. Cụ thể hơn, tại khoản 4 Điều 33 của Nghị định số 75/2029/NĐ-CP, có quy định: “4. Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có trụ sở, nơi cư trú hoặc nơi có tài sản của bên phải thi hành có trách nhiệm tổ chức thực hiện phần quyết định liên quan đến tài sản của quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo yêu cầu của bên được thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”. Đồng thời, liên quan đến vấn đề thẩm quyền tổ chức thi hành QĐXLVVCT, tại điểm a khoản 1 Điều 56 của Luật THADS cũng có quy định về thẩm quyền ủy thác thi hành án như sau: “1. Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh ủy thác thi hành các bản án, quyết định sau đây: a) Ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh nơi khác thi hành các bản án, quyết định về nhận người lao động trở lại làm việc…quyết định của Trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”. Như vậy, ở đây một lần nữa, chúng ta có thể thấy rõ sự tương tự trong quy định về thẩm quyền tổ chức thi hành PQTT với QĐXLVVCT[4] theo quy định của Luật THADS.  
Thứ hai, về chủ thể có quyền yêu cầu thi hành các QĐXLVVCT: Theo quy định tại khoản 2 Điều 114 thì chỉ có “Ủy ban cạnh tranh Quốc gia” có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, tổ chức thi hành “quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành”. Riêng đối với quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì ngoài Ủy ban cạnh tranh Quốc gia còn có “bên được thi hành” cũng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành “quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành”. Như vậy, “bên được thi hành” trong trường hợp thi hành quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh đã bị xử lý trong QĐXLVVCT, đã thi hành QĐXLVVCT[5], sau đó khiếu nại QĐXLVVCT và được giải quyết theo quy định tại Điều 101 Luật CT. (VD: trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh sửa một phần hoặc toàn bộ QĐXLVVCT, nên doanh nghiệp không phải nộp phạt nữa, hoặc không bị tịch thu khoản lợi nhuận thu được hay tang vật, phương tiên nữa).
II.3. Một số bất cập trong quy định của pháp luật về thi hành QĐXLVVCT:
II.3.1. Về khái niệm “quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành”:  Hiện nay, Luật CT và Luật THADS chưa có quy định cụ thể về vấn đề “liên quan đến tài sản của bên phải thi hành”, để có thể phân định một cách rõ ràng, chính xác trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan có thẩm quyền khác trong việc tổ chức thi hành QĐXLVVCT.
Tuy nhiên, ta có thể gián tiếp xác định được nội dung này qua các quy định của Luật CT như sau:
Căn cứ các quy định của Luật CT tại Điều 110 về “Nguyên tắc xử lý vi phạm, hình thức xử lý vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm pháp luật về cạnh tranh”;  Điều 111 về “Phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh” và Điều 113 về “Thẩm quyền và hình thức xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh”[6], sau đây; ta có thể tóm tắt các hình thức xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh, gồm có:
- Hình thức xử phạt chính: cảnh cáo và phạt tiền, Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh;
c) Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
- Ngoài các hình thức xử phạt trên, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền;
b) Loại bỏ điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng, thỏa thuận hoặc giao dịch kinh doanh;
c) Chia, tách, bán lại một phần hoặc toàn bộ vốn góp, tài sản của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế;
d) Chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ hoặc các điều kiện giao dịch khác trong hợp đồng của doanh nghiệp hình thành sau tập trung kinh tế;
đ) Cải chính công khai;
e) Các biện pháp cần thiết khác để khắc phục tác động của hành vi vi phạm[7].
Cụ thể hơn, tại Điều 33 về Thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Nghị định số 75/2019/NĐ-CP, có quy định : “1. Hết thời hạn quy định tại Điều 31 của Nghị định này, tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm không tự nguyện thi hành, không khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia theo quy định tại Điều 96 của Luật Cạnh tranh, bên được thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này tổ chức thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đó. 2. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương do mình đã cấp cho các doanh nghiệp vi phạm hành chính về cạnh tranh theo yêu cầu của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. 3. Các cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp buộc cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, hợp nhất hoặc buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua theo yêu cầu của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. 4. Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có trụ sở, nơi cư trú hoặc nơi có tài sản của bên phải thi hành có trách nhiệm tổ chức thực hiện phần quyết định liên quan đến tài sản của quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo yêu cầu của bên được thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.”
Như vậy, ngoài các hình thức xử phạt bổ sung là: “thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương” “tổ chức thực hiện các biện pháp buộc cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, hợp nhất hoặc buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua”, thì một trong hai hình thức xử phạt chính là “phạt tiền” và các hình thức xử phạt bổ sung khác như “tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh”, hoặc là: “tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm” đều có thể “liên quan đến tài sản của bên phải thi hành”, do đó thuộc thẩm quyền tổ chức thi hành của cơ quan thi hành án dân sự.
Ngoài ra, ở đây chúng ta có thể thấy rằng, có một số hình thức xử phạt bổ sung như: “buộc cải chính công khai”; hoặc buộc cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu”; hoặc “buộc khôi phục các điều kiện phát triển kỹ thuật, công nghệ mà doanh nghiệp đã cản trở”; hoặc “buộc loại bỏ các điều kiện bất lợi đã áp đặt cho khách hàng”; (theo quy định tại các điểm g,h,i khoản 1 Điều 3 Nghị định số 75/2019/NĐ-CP), đây là những hình thức xử lý không trực tiếp “liên quan đến tài sản của bên phải thi hành”, đồng thời Luật CT cũng chưa có hướng dẫn cụ thể biện pháp cưỡng chế để buộc bên phải thi hành thực hiện các hành vi này trong trường hợp họ không tự nguyên thi hành. Theo tác giả, những trường hợp này mặc dù chỉ liên quan đến “hành vi của bên phải thi hành”, tuy nhiên vẫn có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại khoản 6 Điều 71 của Luật THADS, cưỡng chế “buộc người phải thi hành thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định” để thi hành quyết định.   
 
II.3.2. Bất cập trong quy định về “loại việc” của vụ việc thi hành QĐXLVVCT: Hiện nay, theo quy định của Luật CT thì vụ việc thi hành QĐXLVVCT là loại việc thi hành “theo yêu cầu”, với chủ thể có quyền yêu cầu là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia hoặc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và bên được thi hành, đối với trường hợp thi hành quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Tuy nhiên, quy định như trên là không phù hợp với quy định của Luật THADS về “ra quyết định thi hành án”; cụ thể, tại Điều 36 Luật THADS có quy định: “1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này…2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định sau: a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án; b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự; c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước; d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước; đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; e) Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án…”.
Trong khi đó, như phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy các khoản phải thi hành theo QĐXLVVCT mà có “liên quan đến tài sản của bên phải thi hành”, có thể là hình thức “Phạt tiền” hay “Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh”; hoặc là “Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm”, đều là các khoản mà cơ quan thi hành án dân sự phải “chủ động” ra quyết định thi hành án, theo quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật THADS.  
Ngoài ra, còn có một vấn đề đặt ra ở đây là:  Theo quy định tại khoản 2 Điều 114 Luật CT: “2. Trường hợp quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành quyết định.”. Vậy, trong trường hợp mà QĐXLVVCT chỉ có một phần liên quan đến tài sản, còn lại những phần khác có thể là hình thức xử phạt bổ sung không liên quan đến tài sản của bên phải thi hành (ví dụ: hình thức “buộc cải chính công khai”), thì thẩm quyền thi hành QĐXLVVCT là như thế nào? Do vậy, theo tác giả thì nên thay thế cụm từ: “quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh” bằng cụm từ “phần quyết định xử lý vụ việc cạnh tranhtại điều khoản này của Luật CT[8].
III. Một số đề xuất, kiến nghị:
         Như vậy, từ phân tích những vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật hiện hành về thi hành QĐXLVVCT trên đây, chúng ta có thể thấy rằng việc tổ chức thi hành QĐXLVVCT có nhiều tính chất đặc thù và phức tạp. Do đó, để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác tổ chức thi hành QĐXLVVCT, đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự, tác giả xin có một số đề xuất, kiến nghị như sau:
- Trước mắt, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan thi hành án dân sự với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong quá trình tổ chức thi hành QĐXLVVCT. Do vậy, việc ký kết một quy chế phối hợp trong vấn đề thi hành QĐXLVVCT giữa Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia[9] với Tổng cục Thi hành án dân sự là cần thiết[10]; Riêng tác giả bài viết này xin có đề xuất là Tổng cục Thi hành án dân sự cần làm “đầu mối” duy nhất để tiếp nhận các yêu cầu về thi hành QĐXLVVCT từ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, rồi sau đó phân công về cho các Cục THADS tỉnh, thành phố trực thuộc TW có liên quan để thụ lý và tổ chức thi hành.    
- Tuy nhiên, trong thời gian tới khi tiến hành sửa đổi Luật THADS, đối với việc thi hành QĐXLVVCT, chúng ta cần nghiên cứu thay đổi từ cơ chế “thi hành theo yêu cầu” như hiện nay sang cơ chế “chủ động thi hành”, cụ thể như sau:
- Đề xuất bổ sung tại khoản 2 Điều 36 của Luật THADS, thêm nội dung: “Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”;
- Đồng thời, đề xuất bổ sung tương ứng tại Điều 28 Luật THADS, thêm nội dung: Yêu cầu Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh; Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh phải chuyển giao quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Ngoài ra, tại Chương V của Luật THADS về “Thi hành án trong một số trường hợp cụ thể”, cũng cần bổ sung một Mục quy định cụ thể trình tự, thủ tục, các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế được áp dụng, để tổ chức thi hành đối với loại việc mang tính chất đặc thù và phức tạp này.
 

[1] Cụ thể tại Điều 116 Luật CT quy định: “Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ quy định trong một số luật khác
1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2014/QH13 như sau:
a) Thay cụm từ “quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh” tại Điều 1, điểm e khoản 2 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 56 bằng cụm từ “quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”;
b) Thay cụm từ “Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh” tại Điều 26 và Điều 27 bằng cụm từ “Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”;
c) Điểm đ khoản 1 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“đ) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 15 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Tòa án;”.
2. Bãi bỏ khoản 6 Điều 19 của Luật Viễn thông số 41/2009/QH12….”
 
[2] Cụ thể Điều 28 Luật THADS, quy định về Chuyển giao bản án, quyết định” như sau: 1. Tòa án đã ra bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b, c, d và g khoản 1 Điều 2 của Luật này phải chuyển giao bản án, quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
2. Tòa án đã ra bản án, quyết định quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 của Luật này phải chuyển giao bản án, quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định.
3. Tòa án, Trọng tài thương mại đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chuyển giao quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay sau khi ra quyết định.
4. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã kê biên tài sản, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc thu giữ các tài liệu khác có liên quan đến việc thi hành án thì khi chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án phải gửi kèm theo bản sao biên bản về việc kê biên, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc tài liệu khác có liên quan.
 
[3] Cụ thể theo Điều 28 Luật THADS thì Trọng tài thương mại chỉ phải chuyển giao “quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” mà không có yêu cầu chuyển giao đối với PQTT.
[4] Xuất phát từ thực tiễn tổ chức thi hành PQTT tại Cục THADS TP.HCM, do mỗi năm phải thi hành gần 500 việc thi hành PQTT, các CHV phải đi lại nhiều để tác nghiệp; do đó, có đề xuất sửa đổi tại điểm a khoản 1 Điều 56 Luật THADS, theo hướng cơ quan THADS cấp tỉnh được ủy thác việc thi hành PQTT cho các cơ quan THADS cấp huyện để thuận lợi hơn trong tổ chức thi hành. Tuy nhiên, đối với QĐXLVVCT thì tác giả cho rằng cần giữ nguyên quy định này, vì thực tế số vụ việc phải thi hành QĐXLVVCT này mỗi năm không phát sinh nhiều.           
[5] Cụ thể, tại Điều 99 Luật Cạnh tranh về “Hậu quả của việc khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”, có quy định như sau:”1.Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại vẫn tiếp tục được thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. 2.Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định đó. Quyết định tạm đình chỉ của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia hết hiệu lực kể từ ngày quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật”.
 
[6] Điều 113. Thẩm quyền và hình thức xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh
1. Trường hợp cơ quan nhà nước thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật này, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả. Cơ quan nhà nước được yêu cầu phải chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bị cấm quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật này, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh có các thẩm quyền sau đây:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 111 của Luật này;
c) Áp dụng biện pháp quy định tại điểm b, điểm c khoản 3 và điểm đ, điểm e khoản 4 Điều 110[6] của Luật này;
d) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 110 của Luật này.
3. Đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh có các thẩm quyền sau đây:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Luật này;
c) Áp dụng biện pháp theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 3 và các điểm a, b, d, đ, e khoản 4 Điều 110 của Luật này;
d) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp quy định tại điểm a khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 110 của Luật này.
4. Đối với hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có các thẩm quyền sau đây:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền quy định tại khoản 2 Điều 111 của Luật này;
c) Áp dụng biện pháp quy định tại điểm b, điểm c khoản 3 và các điểm a, c, d, e khoản 4 Điều 110 của Luật này;
d) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp quy định tại điểm a khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 110 của Luật này.
5. Đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm khác theo quy định của Luật này không thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có các thẩm quyền sau đây:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 111 của Luật này;
c) Áp dụng biện pháp quy định tại điểm b, điểm c khoản 3 và điểm đ, điểm e khoản 4 Điều 110 của Luật này;
d) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 110 của Luật này.
6. Các hành vi quy định tại khoản 7 Điều 45 của Luật này được xử lý theo quy định của pháp luật khác có liên quan.
 [7] Cụ thể, tại Điều 3 của Nghị định số 75/2019/NĐ-CP về “Hình thức xử phạt vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính về cạnh tranhcòn có quy định các hình thức xử phát bổ sung như sau:
b) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;…
g) Buộc cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu;
h) Buộc khôi phục các điều kiện phát triển kỹ thuật, công nghệ mà doanh nghiệp đã cản trở;
i) Buộc loại bỏ các điều kiện bất lợi đã áp đặt cho khách hàng;
k) Buộc khôi phục lại các điều khoản hợp đồng, hợp đồng đã thay đổi hoặc hủy bỏ mà không có lý do chính đáng;
l) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
 
[8] Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 33 của Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ngày 26/9/2019 của Chính phủ, quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực cạnh tranh, có nội dung: “4. Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có trụ sở, nơi cư trú hoặc nơi có tài sản của bên phải thi hành có trách nhiệm tổ chức thực hiện phần quyết định liên quan đến tài sản của quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo yêu cầu của bên được thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”.
[9] Ngày 10/02/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2023/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBCTQG.
[10] Hoàng Thị Thanh Hoa, “Đề xuất việc thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh”;https://pbgdpl.gov.vn/SMPT_Publishing_UC/TinTuc/PrintTL.aspx?idb=1&ItemID=2021&l=/noidung/tintuc/Lists/Nghiencuutraodoi