Qua nghiên cứu từ thực tiễn, tôi thấy rằng một số quy định của Luật THADS và các quy định của các Bộ luật, Luật khác có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đồng bộ, chưa thống nhất, cần được nghiên cứu, hoàn thiện trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật THADS và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, cụ thể:
1. Bộ luật Dân sự 2015
1.1. Tài sản thế chấp là tài sản hình thành trong tương lai
Theo quy định của khoản 2 Điều 108 Bộ luật Dân sự: “Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm: a) tài sản chưa hình thành; b) tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch”.
Thực tế qua công tác THADS thấy rằng, khi xử lý tài sản thế chấp hình thành trong tương lai, tại thời điểm kê biên hiện trạng tài sản thực tế có khi không đúng với tài sản hình thành trong tương lai tại thời điểm thế chấp, hoặc có trường hợp tài sản trong tương lai không thể hình thành.... Do đó, dẫn đến khó khăn trong việc xử lý tài sản loại này, đồng thời có thể mang lại rủi ro cho bên nhận thế chấp. Do đó, cần có quy định cụ thể về việc chấp là tài sản thế chấp hình thành trong tương lai.
1.2. Về việc xác định lãi suất chậm thi hành án
Điều 468 Bộ luật Dân sự đã quy định loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20% trong "trường hợp luật khác có liên quan quy định khác". Tuy nhiên, khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng) quy định: “ tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”. Có nghĩa là việc xác định lãi suất trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng là theo cơ chế thỏa thuận nhưng lại kèm cụm từ “theo quy định của pháp luật”, dẫn đến các tổ chức tín dụng, cơ quan thi hành án lúng túng. Bên cạnh đó, mỗi năm, Ngân hàng Nhà nước lại có quy định mức lãi suất trần khác nhau, cách tính biên độ lãi, lãi suất cho vay của mỗi ngân hàng khác nhau dẫn đến việc Chấp hành viên lúng túng trong việc tính lãi suất.
2. Luật Đất đai 2013
2.1. Về thẩm quyền thu hồi đất
Điều 66 của Luật Đất đai quy định về thẩm quyền thu hồi đất, trong đó không có thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan THADS. Tuy nhiên, tại điểm d khoản 2 Điều 36 của Luật THADS năm 2008 (được sửa đổi năm 2014, 2018 ) quy định “2. Thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định sau: …d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;”
Như vậy, Luật THADS năm 2008 quy định Thủ trưởng cơ quan THADS phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định về thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước, trong khi theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì Chấp hành viên không có thẩm quyền thu hồi đất là không bảo đảm tính thống nhất.
Phương án 1: Nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai theo hướng: bổ sung thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan THADS quyết định thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước.
Phương án 2: Nghiên cứu sửa đổi các quy định của Luật THADS năm 2008 theo hướng: cơ quan THADS đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất thực hiện thu hồi đất trong các trường hợp này.
2.2. Về đối tượng được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
Khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa”.
Trong khi đó, Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”; khoản 1 Điều 103 Luật THADS quy định, người nhận tài sản để thi hành án được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó. Như vậy, theo quy định của Luật Đất đai thì trong trường hợp người được thừa kế hoặc người được thi hành án là người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến quyền thừa kế của cá nhân, quyền được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi tổng thể trong quá trình xây dựng Luật Đất đai theo hướng: mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015.
2.3. Về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu
Luật Đất đai năm 2013 quy định, Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho những trường hợp sau đây: Khoản 1 Điều 99 quy định… d) Người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai; theo bản án hoặc quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành”; Khoản 3 Điều 100 quy định: “hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, thực tế sẽ xảy ra vướng mắc trong trường hợp từ các quyết định, bản án của Tòa án, tạo ra một hoặc nhiều thửa đất không đảm bảo các điều kiện về diện tích, kích thước tối thiểu được phép tách thửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (thẩm quyền quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đã được giao cho UBND cấp tỉnh tại khoản 2 Điều 143, khoản 2 Điều 144 Luật Đất đai năm 2013) dẫn đến việc tách thửa không thực hiện được, theo đó, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp nêu trên cũng sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tổng thể trong quá trình xây dựng Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi theo hướng: bổ sung quy định loại trừ việc áp dụng quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với trường hợp cá nhân, hộ gia đình nhận sử dụng đất theo quyết định hoặc bản án của Tòa án.
2.4. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất và các trường hợp người sử dụng đất không được cấp Giấy chứng nhận
Tại Điều 69 Luật THADS đã có quy định trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án, tài sản chung của người phải thi hành án với người khác. Theo đó, khi Chấp hành viên đã ra quyết định thì mọi giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất đều bị tạm dừng. Đây là một trong những biện pháp được áp dụng nhằm bảo đảm thi hành án. Do đó, cần bổ sung tại dự thảo Luật Đất đai điều kiện để người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khác để đảm bảo thi hành án theo quy định của pháp luật THADS.
Do đó, cần bổ sung quy định người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có điều kiện: Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật THADS. Đồng thời, bổ sung quy định các trường hợp người sử dụng đất không được cấp Giấy chứng nhận bao gồm: Đất đang có tranh chấp, đang bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật THADS.
2.5. Nguyên tắc cấp giấy chứng nhận
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 110 Luật THADS thì cơ quan THADS được kê biên quyền sử dụng đất của người phải thi hành án, trong trường hợp người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Thực tế, sau khi cơ quan THADS kê biên quyền sử dụng đất thuộc trường hợp nêu trên thì nhiều cơ quan có thẩm quyền về đăng ký đất đai không thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho người mua trúng đấu giá, với lý do đất chưa được cấp giấy chứng nhận cho người phải thi hành án. Để giải quyết, cơ quan THADS thường phải tổ chức họp liên ngành với các cơ quan, đơn vị có liên quan, báo cáo Ban Chỉ đạo THADS để đề nghị cơ quan có thẩm quyền về đất đai cấp giấy chứng nhận cho người mua trúng đấu giá. Đồng thời, tại Khoản 3 Điều 106 Luật THADS có quy định hồ sơ đăng ký chuyển quyền sở hữu, sử dụng cho người mua trúng đấu giá gồm: Văn bản đề nghị của cơ quan THADS.
Do đó, đề nghị bổ sung nguyên tắc cấp giấy chứng nhận là theo đề nghị của cơ quan THADS, nhằm phù hợp với Luật THADS và giải quyết vướng mắc nêu trên. Theo đó: Giấy chứng nhận được cấp theo từng thửa đất, cho người có quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu, đề nghị của cơ quan THADS cấp cho người mua trúng đấu giá và đủ điều kiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2.6. Đính chính, thu hồi, hủy Giấy chứng nhận đã cấp
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 106 Luật THADS thì trường hợp cơ quan THADS kê biên, xử lý quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án không thực hiện việc giao nộp bản gốc giấy chứng nhận thì cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận cho người mua trúng đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, Khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/ 2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ Tài nguyên và môi trường đã quy định rõ hồ sơ đăng ký biến động bao gồm bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ trường hợp thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo yêu cầu của Tòa án, cơ quan thi hành án mà không thu hồi được bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp. Tuy nhiên, thực tế, rất nhiều địa phương không thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua trúng đấu giá tài sản trong trường hợp người phải thi hành án không giao nộp bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, đề nghị thu hút quy định nêu trên tại Thông tư 09/2021/TT-BTNMT vào quy định của Luật Đất đai.
Do đó, đề nghị bổ sung quy định Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong trường hợp: thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo yêu cầu của Tòa án, cơ quan thi hành án mà không thu hồi được bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
3. Luật Phá sản năm 2014
3.1. Định giá tài sản trong trường hợp nào được coi là định giá không chính xác
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 68 Luật Phá sản danh sách người mắc nợ được lập trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày ra thông báo mở thủ tục phá sản. Với thời gian như vậy không đảm bảo cho việc lập danh sách người mắc nợ trong trường hợp số lượng người mắc nợ lớn; bên cạnh đó, pháp luật về phá sản không có quy định việc lập danh sách người mắc nợ phải được thực hiện như thế nào nên dẫn đến tình trạng Quản tài viên, Thẩm phán chỉ căn cứ vào sổ sách, tài liệu của công ty mà không triệu tập người mắc nợ đến để đối chiếu công nợ hay cung cấp tài liệu dẫn đến thiếu chính xác cả về họ tên, địa chỉ, khoản nợ không xác định được là khoản nợ theo giao dịch hợp đồng hay giao dịch khác. Vướng mắc nêu trên còn dẫn đến việc khi nhận được quyết định tuyên bố phá sản có khoản thu tiền từ người mắc nợ, cơ quan thi hành án theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 36 Luật THADS phải ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành đối với khoản thu từ người mắc nợ dẫn đến việc thi hành án gặp nhiều khó khăn do danh sách người mắc nợ không chính xác.
Do đó, cần có quy định cụ thể định giá tài sản trong trường hợp nào được coi là định giá không chính xác để làm căn cứ kiểm kê, xác định lại giá trị tài sản; nghiên cứu sửa đổi Luật Phá sản hoặc có hướng dẫn để tháo gỡ vướng mắc liên quan việc lập danh sách, thông báo cho người mắc nợ.
3.2. Thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản
Điều 120 Luật Phá sản năm 2014 quy định về trách nhiệm của cơ quan THADS trong việc thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản. Trong khi đó, khoản 2 Điều 36 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) cũng quy định về trách nhiệm của cơ quan THADS trong việc thực thi quyết định của Tòa án . Tuy nhiên, các quy định của Luật Phá sản năm 2014 và Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định không thống nhất về thời hạn để cơ quan THADS ra quyết định thi hành án đối với quyết định tuyên bố phá sản.
Do đó, cần sửa đổi Luật Phá sản về thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản để tháo gỡ vướng mắc trong công tác THADS.
3.3. Về thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án
Điều 41 Luật Phá sản năm 2014 quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án thụ lý vụ việc phá sản, việc tạm đình chỉ thực hiện nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán cơ quan THADS phải tạm đình chỉ THADS về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án, trừ bản án, quyết định buộc doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự hoặc trả lương cho người lao động; việc tạm đình chỉ được thực hiện theo quy định của pháp luật về THADS. Trong khi đó, khoản 2 Điều 49 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định: “Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của Tòa án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án. Thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án”. Quy định trên cho thấy: Luật Phá sản và Luật THADS quy định khác nhau về thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án; Luật THADS không loại trừ “bản án, quyết định buộc doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự hoặc trả lương cho người lao động” khi quy định về việc ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Phá sản năm 2014.
Do đó, cần sửa đổi Luật Phá sản để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Luật THADS và tính khả thi của pháp luật.
3.4. Về giám sát hoạt động Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản:
Khoản 4 Điều 9 Luật Phá sản năm 2014 quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản là “giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản”. Khoản 3 Điều 17 Luật Phá sản năm 2014 quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS là “Giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản khi thực hiện thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo việc thanh lý tài sản”. Quy định tại khoản 4 Điều 9 và khoản 3 Điều 17 Luật Phá sản năm 2014 cho thấy cả Thẩm phán và cơ quan THADS đều có quyền giám sát hoạt đồng của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, trong khi đó lại chưa có quy định phân định rõ trách nhiệm của cơ quan THADS và Thẩm phán. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định cho rõ ràng, phù hợp với thực tiễn
4. Luật Trọng tài thương mại
4.1. Về quyền yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài
Luật THADS quy định người được thi hành án, người phải thi hành án đều có quyền yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên, Luật Trọng tài thương mại (Điều 66) chỉ quy định bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Vậy, trong trường hợp bên phải thi hành muốn làm đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài khi bên được thi hành chưa yêu cầu thì có được không? Do đó, cần bổ sung quy định bên phải thi hành phán quyết trọng tài cũng có quyền làm đơn yêu cầu án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.
4.2. Việc chứng minh phán quyết trọng tài không bị yêu cầu hủy
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 66 Luật Trọng tài thương mại 2010:
“Hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 69 của Luật này, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài”.
Nhưng trên thực tế, việc xác nhận tình trạng pháp lý của phán quyết trọng tài gặp nhiều khó khăn. Để yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài, người yêu cầu thi hành án phải chứng minh phán quyết trọng tài đó không bị Tòa án tuyên hủy. Tuy nhiên, hầu hết khi đương sự làm đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xác nhận phán quyết trọng tài không bị tuyên hủy đều không có trả lời của Tòa án. Thực tế, có những trường hợp ủy thác đi bị trả lại hồ sơ do không xác nhận được tình trạng pháp lý của phán quyết Trọng tài. Việc xác nhận tình trạng pháp lý của phán quyết trọng tài là trách nhiệm của cơ quan THADS hay đương sự dẫn đến khó khăn trong công tác thụ lý thi hành án.
Điều 69 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài, nếu một bên có đủ căn cứ chứng minh được rằng Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 của Luật này …”. Theo quy định này, để phán quyết trọng tài có hiệu lực thì người phải thi hành án phải nhận được phán quyết, khi nhận thì đã nhận được quá 30 ngày hay chưa và Tòa án có thụ lý yêu cầu hủy quyết định trọng tài hay không. Trong thực tế tổ chức thi hành án, khi cơ quan THADS yêu cầu người được thi hành án cung cấp các tài liệu chứng minh người phải thi hành án đã nhận được phán quyết của Trọng tài và Tòa án không thụ lý việc yêu cầu hủy phán quyết của Trọng tài thì họ cho rằng luật không quy định. Tuy nhiên khi chưa xác định là phán quyết Trọng tài có hiệu lực hay chưa thì cơ quan THADS không có căn cứ để thụ lý thi hành phán quyết của Trọng tài.
4.3. Thời hiệu yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài
Điều 67 Luật Trọng tài thương mại quy định phán quyết trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về THADS. Luật THADS năm 2008 quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên Điều 66 Luật Trọng tài thương mại quy định quy định hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 69 của Luật này (đối với phán quyết của Hội đồng Trọng tài) và sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định tại Điều 62 của Luật này (đối với phán quyết Trọng tài vụ việc), bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.
5. Luật Công chứng
Luật THADS quy định Chấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đất của người phải thi hành án thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận mà thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì vẫn được kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó. Tuy nhiên, điểm d khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng quy định khi công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn, hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau đây:… “Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.”.
Khi Chấp hành viên kê biên quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 110, nhiều Văn phòng Công chứng không thực hiện việc công chứng do vướng quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng, với lý do các cơ quan THADS không cung cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản gốc.
Do đó, cần có quy định thống nhất theo hướng: đối với quyền sử dụng đất của người phải thi hành án mà chưa được cấp Giấy chứng nhận nhưng thuộc trường hợp được cấp Giấy chứng nhận thì Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó. Trước khi kê biên, cơ quan THADS có văn bản trao đổi với cơ quan có thẩm quyền để xác định đất đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật. Khi yêu cầu công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, Chấp hành viên, cơ quan THADS phải cung cấp bản sao bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án, quyết định kê biên của cơ quan thi hành án, biên bản trúng đấu giá, văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định tài sản đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận để thay thế Giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản trong hồ sơ yêu cầu công chứng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng.
Đối với trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà không thu hồi được Giấy chứng nhận thì cơ quan thi hành án có trách nhiệm đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp bản sao Giấy chứng nhận hoặc có văn bản xác nhận tài sản đã được cấp Giấy chứng nhận để thay thế Giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản trong hồ sơ yêu cầu công chứng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng.
6. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
6.1. Về thẩm quyền tổ chức thi hành án
Khoản 2 Điều 35 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định: “Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được thi hành theo quy định của pháp luật về THADS”. Tuy nhiên Điều 2 Luật THADS chưa quy định quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.
Do đó, cần quy định rõ thẩm quyền thi hành án đối với Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành trong Luật THADS
6.2. Về việc xem lại Quyết công nhận hòa giải thành khi cơ quan THADS đã tổ chức thi hành án
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành có hiệu lực pháp luật ngay kể từ ngày ký ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Tuy nhiên, Luật này cũng quy định Quyết định này có thể bị xem xét lại theo đề nghị của các bên hoặc Viện kiểm sát trong thời hạn 15 ngày.
Như vậy, trường hợp đương sự có yêu cầu thi hành án trong thời hạn 15 ngày, cơ quan THADS đã thụ lý, ra Quyết định thi hành và đang tổ chức thi hành mà sau đó, đương sự yêu cầu xem xét lại Quyết định công nhận hòa giải thành thì trình tự, thủ tục về việc thi hành án (dừng, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ) được thực hiện như thế nào? Hiện nay, chưa được pháp luật quy định cụ thể nên cần được quy định trong Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành.