Bàn về nhiệm vụ của các cơ quan Thi hành án dân sự

25/04/2011
Nhiệm vụ của các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) được quy định tại Luật THADS năm 2008 và Nghị định 74/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Theo các văn bản này thì các cơ quan THADS có nhiệm vụ tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án được liệt kê tại điều 1 của Luật THADS. Ngoài ra các cơ quan THADS còn làm nhiệm vụ quản lý nội bộ ngành. Ở đây chúng tôi xin không bàn đến nhiệm vụ của các cơ quan THADS như đã xác định trong Luật THADS và Nghị định 74/2009/NĐ-CP của Chính phủ, mà xin bàn về nhiệm vụ của các cơ quan THADS ở một phương diện khác, như sau:


Hiện nay, trên thực tế, trong việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi hành án của mình, các cơ quan THADS đang phải phân ra thành hai loại việc: Những việc có điều kiện thi hành và những việc không có điều kiện thi hành. Đối với loại việc thuộc nhóm thứ hai này, phần lớn là những việc không có điều kiện thi hành ngay từ khi Tòa án tuyên bản án, quyết định đó. Có thể dễ dàng liệt kê ra đây rất nhiều loại việc thuộc nhóm này như: Bản án tuyên phạt tiền, truy thu tài sản đối với các bị cáo khi phạm tội nghiện ma túy, bản thân và gia đình khánh kiệt, không có thu nhập; Bản án tuyên nghĩa vụ bồi thường thiệt hại đối với các bị cáo không có tài sản, thu nhập; Bản án, quyết định về tiền phạt, tiền bồi thường, án phí đối với các bị cáo đang thi hành hình phạt tù hoặc vừa ra tù đã tiếp tục phạm tội; Bản án tuyên phạt tiền, bồi thường thiệt hại đối với các bị cáo phạm tội lừa đảo, đánh bạc mà nhà cữa, đất đai đã bị các ngân hàng xiết nợ.v.v. Tóm lại có rất nhiều bản án, quyết định không có điều kiện thi hành ngay từ khi Tòa án tuyên lại thuộc về nhiệm vụ của cơ quan THADS. Vấn đề đặt ra ở đây là có phải chúng ta đang giao cho các cơ quan THADS cả những nhiệm vụ bất khả thi? Bởi vì một điều có tính nguyên tắc là khi Pháp luật giao cho một cơ quan Nhà nước bất cứ một nhiệm vụ gì thì trước hết phải bảo đảm nhiệm vụ đó là nhiệm vụ có tính khả thi. Rõ ràng hiện nay các cơ quan THADS đang được giao tổ chức thi hành những bản án, quyết định không có điều kiện thi hành. Hệ lụy của vấn đề này là các cơ quan THADS luôn bị đánh giá là chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, để số án tồn đọng quá nhiều; không có giải pháp để tạo được sự chuyển biến trong công tác THADS.v.v.

Để khắc phục bất hợp lý này và góp phần làm giảm áp lực cho các cơ quan THADS, chúng tôi đề nghị nên phân định nhiệm vụ của các cơ quan THADS thành hai loại là: Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án và Theo dõi thi hành các bản án, quyết định của Tòa án chưa có điều kiện thi hành. Trên thực tế hiện nay các cơ quan THADS đang được giao chỉ tiêu nhiệm vụ và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo cách phân loại này. Tức là giao chỉ tiêu thi hành án xong/số án có điều kiện thi hành. Tuy nhiên đó là cách làm của ngành THADS, còn cách nhìn nhận, đánh giá và đòi hỏi của phần lớn cấp ủy, chính quyền các cấp và của xã hội thì không phải như vậy.

Thiết nghĩ việc Pháp luật phân định rõ ràng nhiệm vụ của các cơ quan THADS thành hai loại là: Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án và Theo dõi thi hành các bản án, quyết định của Tòa án chưa có điều kiện thi hành sẽ góp phần làm thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá và đòi hỏi của xã hội đối với các cơ quan THADS theo hướng phù hợp và đúng đắn hơn./.

                                                                                         Nguyễn Cường