Tìm hiểu về các quy định liên quan đến hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-

17/03/2015
Lực lượng cán bộ, công chức và người lao động hợp đồng trong biên chế kế hoạch được giao đang công tác tại các cơ quan Thi hành án dân sự đã và đang được Đảng, Nhà nước quan tâm bằng những chủ trương, chính sách thích đáng, phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế xã hội của nước ta hiện nay. Trong bài viết này, tôi xin trao đổi một số quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến đối tượng hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, đây là một bộ phận có những đóng góp thầm lặng nhưng không kém phần quan trọng trong sự phát triển, trưởng thành của các cơ quan Thi hành án dân sự trong giai đoạn hiện nay.


Ngày 17/11/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 68/2000/NĐ-CP về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đây chính là cơ sở pháp lý vững chắc để cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp có thể tuyển chọn, ký hợp đồng với người lao động nhằm phục vụ cho một số nhu cầu mà lực lượng cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế kế hoạch không đảm nhiệm được (Điều 5). Các cơ quan Thi hành án dân sự nằm trong đối tượng điều chỉnh của Nghị định này (Điều 2), do đó có thể thực hiện ký kết hợp đồng với người lao động để phục vụ một số công việc (Điều 1), như: Lái xe, Bảo vệ, vệ sinh (hay Tạp vụ),...

Thủ trưởng đơn vị hoặc người được Thủ trưởng đơn vị ủy quyền sẽ trực tiếp ký hợp đồng với người lao động và người lao động phải đảm bảo các điều kiện, như: Có đủ sức khoẻ theo yêu cầu của công việc do cơ quan y tế cấp huyện trở lên xác nhận; Có lý lịch rõ ràng; Có năng lực và trình độ để hoàn thành công việc; Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hình sự, quản chế hành chính, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào các cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục và trong thời gian cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định có liên quan đến công việc ký hợp đồng (Điều 6). Kinh phí thực hiện hợp đồng do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm (Điều 7), cho nên các cơ quan Thi hành án dân sự phải đưa phần kinh phí này vào trong quá trình lập dự toán năm ngân sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để phục vụ cho công tác chuyên môn.

Hệ số lương của các đối tượng này được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, theo đó đối với Lái xe có hệ số lương khởi điểm tại thời điểm ký hợp đồng là 2,05; đối với nhân viên bảo vệ có hệ số lương khởi điểm tại thời điểm ký hợp đồng là 1,50; đối với nhân viên phục vụ có hệ số lương khởi điểm tại thời điểm ký hợp đồng là 1,00 và các đối tượng này đều được xét nâng lên thêm một bậc lương vào định kỳ 2 năm (đủ 24 tháng) với hệ số lương tăng tương ứng cho mỗi lần là 0,18.

Tại Điểm d Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ về chế độ phụ cấp công vụ quy định về đối tượng áp dụng đã ghi: "Người làm việc theo hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính nhà nước quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP...", do đó người lao động theo Nghị định 68 cũng được hưởng chế độ phụ cấp công vụ giống như cán bộ, công chức khác trong biên chế kế hoạch của các cơ quan, đơn vị.

Tương tự, họ cũng là đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ. Tuy nhiên, cần lưu ý đầy đủ tinh thần của chủ trương này trong hoàn cảnh thực tiễn của đơn vị, như trường hợp đối với hợp đồng bảo vệ thì đỏi hỏi phải đảm bảo an toàn, an ninh trụ sở cơ quan, đơn vị 24/24 giờ. Vấn đề này cũng đã được nêu rõ, khi thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ trong 5 ngày, các đơn vị phải bảo đảm các điều kiện sau: Hoàn thành khối lượng công việc được giao, bảo đảm số lượng, chất lượng và hiệu quả; Giữ nghiêm kỷ luật lao động; Đối với các đơn vị làm việc liên tục 24/24 giờ, phải sắp xếp, tổ chức chế độ ca, kíp hợp lý trên cơ sở biên chế hiện có để bảo đảm các điều kiện nêu trên; Đối với các đơn vị do tính chất công việc không thực hiện nghỉ hàng tuần vào ngày thứ bảy và chủ nhật thì sắp xếp nghỉ vào ngày khác trong tuần (Điều 2),... và  đối với các đơn vị chưa bảo đảm được các điều kiện đó thì tiếp tục thực hiện tuần làm việc 48 giờ trong 6 ngày (Điều 7). Cho nên, việc soạn thảo hợp đồng với bảo vệ cần ghi rõ vào trong nội dung về ca trực, thời gian trực,... để vừa đảm bảo thực hiện đúng quy định, vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động, cũng như đáp ứng được yêu cầu công việc đặt ra.

Về các khoản trích nộp theo lương, căn cứ vào quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan thì tỷ lệ các khoản này của người lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP cũng tương tự như đối với cán bộ, công chức trong biên chế kế hoạch, cụ thể bao gồm: Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và Kinh phí công đoàn (KPCĐ). Kể từ năm 2014 trở đi, đơn vị sử dụng lao động đóng 24% theo lương (Gồm: 18%BHXH, 3%BHYT, 01%BHTN, 02%KPCĐ) và người lao động đóng 10,5% theo lương (Gồm: 08% BHXH, 1,5% BHYT, 01%BHTN).

Trên đây là một số tìm hiểu cơ bản về hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, thiết nghĩ việc tìm hiểu các quy định hiện hành liên quan đến vấn đề này sẽ giúp các cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện tốt từ khâu lập dự toán kinh phí đến khâu tuyển chọn, ký kết hợp động, cũng như sử dụng hiệu quả người lao động và bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người lao động.

Thế Nam