Quy định giao tài sản bán đấu giá không nên tạo áp lực cho chấp hành viên

13/04/2015
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự và Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung đang được lấy ý kiến để hoàn chỉnh. Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm và cũng là vấn đề mà Ban soạn thảo chưa thống nhất quan điểm, đó là: Thời hạn thanh toán tiền bán đấu giá tài sản thi hành án. Điều đó, cho thấy sự phức tạp của vấn đề cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, vì thực tiễn rất nhiều vụ việc giao tài sản chấp hành viên rất gian nan, khổ sở, có người còn phải bị xử lý kỷ luật.


Không nên “Dồn ép” chấp hành viên  

Theo dự thảo, để đảm bảo quyền lợi cho người được thi hành án thì sau khi nhận được tiền bán đấu giá tài sản, cơ quan Thi hành án dân sự phải thanh toán tiền cho người được thi hành án trong thời hạn 10 ngày. Đồng thời, trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền, cơ quan Thi hành án dân sự phải tổ chức việc giao tài sản cho người mua được tài sản. Nếu quy định theo hướng này thì rất khó thực hiện trên thực tế, vì đã có rất nhiều trường hợp không thực hiện được do nhiều nguyên nhân. Quy định này chỉ có thể thực hiện được cần phải có qui định thật rõ ràng nhằm bảo vệ quyền lợi người mua trúng đấu giá tài sản ngay tình, tức là công nhận sở hữu sau khi mua tài sản, dù có thể bị khiếu nại hoặc bản án, quyết định có thể bị hủy. Và qui trách nhiệm cho cơ quan, cá nhân có lỗi dẫn đến không hoặc chậm giao (do kháng nghị, tạm dừng…) mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Thực tiễn, rất nhiều vụ việc bán đấu giá xong, thanh toán tiền cho người được thi hành án nhưng không giao được tài sản do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan (cơ quan có thẩm quyền kháng nghi bản án, vướng mắc từ qui hoạch…), người mua được tài sản bán đấu giá khiếu kiện rất nhiều nơi, họ tập trung đông người kéo đến cơ quan Thi hành án dân sự làm mất trât tự, trị an cơ quan thi hành án; cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan Tư pháp lên tiếng, dư luận xã hội phản ứng, mặc dù không phải là lỗi của cơ quan Thi hành án dân sự, đã gây áp lực cho cơ quan Thi hành án dân sự, rất nhiều trường hợp chấp hành hành viên phải gian nan, khổ sở do việc thanh tra, kiểm tra, dư luận xã hội trái chiều, có trường hợp phải bị xử lý kỷ luật.

Cần có quy định đảm bảo thực hiện được trên thực tế

Để tránh áp lực cho chấp hành viên, nên qui định, trong thời gian chưa giao được tài sản, cơ quan Thi hành án dân sự làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiện cho đến khi giao được tài sản; phần lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ được cộng vào số tiền gửi ban đầu để thi hành án. Quy định như vậy là hài hòa nhằm đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên, kể cả cơ quan Thi hành án dân sự, đặc biệt là người mua trúng đấu giá tài sản, vì có rất nhiều trường hợp chậm trễ hoặc không giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá do nhiều nguyên nhân hoặc bản án, quyết định bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Bên cạnh đó, cần qui định trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân do việc kéo dài giao tài sản. Thực tiễn, nhiều trường hợp kéo dài rất nhiều năm, nhưng không qui trách nhiệm được ai, gây thiệt hại cho người mua tài sản, ảnh hưởng đến quyền lơi của các bên.

Tạo niềm tin cho người mua tài sản thi hành án

Hiện nay, việc bán tài sản không có người mua là một thực trạng chung. Việc này, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường bất động sản còn đóng băng, chưa được khơi thông. Tuy nhiên, cũng có một nguyên nhân lớn, đó là tâm lý của người dân rất ngại mua tài sản thi hành án, vì pháp luật chưa bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ, có trường hợp mua rồi lại bị hủy, thu hồi, mặc khác do yếu tố tâm linh hoặc do sự phức tạp của việc tranh chấp trước đó, họ cho rằng có thể xảy ra nhiều rủi ro sau khi mua tài sản. Vì vậy, pháp luật cần có qui định rõ ràng, đảm bảo quyền của người mua tài sản để mọi người yên tâm khi tham gia mua tài sản thi hành án, giúp cơ quan Thi hành án dân sự giải quyết sự bế tắc trong việc bán đấu giá tài sản hiện nay.

Công Hoàng