Một số khó khăn trong việc thi hành phần lãi suất theo bản án tuyên

09/12/2015
Hiện nay phát sinh rất nhiều các vụ việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng hoặc tổ chức xã hội, trong đó ngoài phần tiền nợ gốc phải thanh toán, Tòa án còn tuyên cả phần lãi suất của số tiền nợ. Tuy nhiên để thi hành phần lãi suất này các Cơ quan thi hành án hiện đang gặp phải nhiều khó khăn.


Theo Thông tư 12/2010/TT-NHNN ngày 14/4/2010 của Ngân hàng Nhà nước cho phép các Tổ chức tín dụng cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng theo lãi suất thoả thuận. Vì vậy, khi giải quyết tranh chấp tín dụng Ngân hàng, Toà án không chỉ căn cứ vào thoả thuận của các đương sự về lãi suất cho vay, lãi quá hạn và phí chậm trả lãi ghi trong hợp đồng tín dụng mà còn phải đối chiếu với quy định của pháp luật về lãi suất từ thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng cho đến thời điểm xét xử sơ thẩm theo nguyên tắc “văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực...” ( Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008). Do đó, đối với các khoản vay của tổ chức tín dụng, Ngân hàng thì cách tính lãi suất và thời điểm tính lãi suất trong thi hành án dân sự sau khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật tính theo nội dung quyết định của Tòa án và thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.

Hiện nay, trường hợp các bản án chỉ tuyên nghĩa vụ của người phải thi hành án thanh toán theo hợp đồng tín dụng(tiền gốc, lãi…) mà không tuyên rõ nghĩa vụ bảo đảm (tiền nợ gốc và tiền lãi phát sinh trên nợ gốc) hoặc tuyên lãi suất theo hợp đồng tín dụng diễn ra rất phổ biến khiến cho cơ quan thi hành án gặp rất nhiều khó khăn khi tổ chức thi hành.

Ở đây xin nêu ra một số ví dụ thực tiễn liên quan đến vấn đề này:

Ví dụ thứ nhất: Tại Quyết định số 03/2015/QĐST- DS ngày 10/8/2015 của Tòa án nhân dân huyện Y tuyên:

Ông H và bà N  phải trả nợ cho Ngân hàng TMCP K số tiền tính đến ngày 30/7/2015 là 3.294.564.703 đ (Ba tỷ hai trăm chín mươi bốn triệu năm trăm sáu tư nghìn bảy trăm lẻ ba đồng), trong đó số tiền nợ gốc là 2.047.911.380 đ, tiền lãi trong hạn là 7.949.109 đ, lãi quá hạn là 853.774.089 đ, lãi phạt là 384.929.405 đ.

Kể từ ngày 31/7/2015, Ông H và bà N còn phải chịu lãi của số nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng số 41005/HĐTD/TH- TN/TCBTTB ngày 18/01/2011 cho đến khi thanh toán hết số nợ gốc cho Ngân hàng thương mại cổ phần K .

Căn cứ theo nội dung bản án tuyên thì số tiền mà ông H và bà N đã được chốt  đến ngày 30/7/2015 trong đó phân định rõ mức nợ gốc, lãi trong hạn  và nợ lãi quá hạn. Đồng thời kể từ ngày 31/7/2015 ông H, bà N phải chịu khoản tiền lãi của số nợ gốc tính theo hợp đồng tín dụng cho đến khi thanh toán hết số nợ gốc cho Ngân hàng thương mại cổ phần K .

Như vậy, việc tính lãi suất phải căn cứ  theo hợp đồng tín dụng, Chấp hành viên phải nghiên cứu và căn cứ vào Hợp đồng tín dụng để xác định mức lãi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi xem xét hợp đồng tín dụng thì Chấp hành viên như bị lâm vào một “ma trận”, bởi vì những hợp đồng tín dụng của Ngân hàng thường có rất nhiều điều khoản phức tạp với ngôn ngữ chuyên ngành rất khó hiểu. Mặt khác, trong hợp đồng tín dụng lại có quy định về rất nhiều loại lãi như lãi quá hạn, lãi phạt…và mức lãi khác nhau trên số tiền vay gốc, thậm chí có những loại lãi lại thu đồng thời…. khiến Chấp hành viên không biết phải tính theo loại lãi nào.

Ví dụ thứ hai: tại Quyết định số 01/2015/QĐST- LĐ ngày 06/10/2015 của Tòa án nhân dân huyện X tuyên:

Công ty cổ phần LG phải thanh toán trả Bảo hiểm xã hội huyện X các khoản tiền: Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và khoản tiền lãi phát sinh tính đến thời điểm 31/6/2015 tổng là 1. 643.705.072 đ (Một tỷ sáu trăm bốn mươi ba triệu, bảy trăm linh năm nghìn không trăm bảy hai đồng.

Công ty cổ phần LG còn phải chịu toàn bộ tiền lãi (tính từ ngày 31/6/2015 cho đến ngày tất toán tiền còn nợ đọng) theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các văn bản có liên quan.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu số lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi xuất nợ quá hạn do Ngân hàng nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Theo phần quyết định của bản án, Tòa án đã xác định được những nghĩa vụ phải thanh toán của công ty cổ phần LG đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, để tổ chức thi hành được phán quyết trên, cơ quan thi hành án gặp phải một số vấn đề sau:

Thứ nhất, Bản án tuyên: “ Công ty cổ phần LG còn phải chịu toàn bộ tiền lãi (tính từ ngày 31/6/2015 cho đến ngày tất toán tiền còn nợ đọng) theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các văn bản có liên quan” Như vậy, việc tính lãi đối với các khoản tiền nợ của công ty LG, cơ quan thi hành án phải căn cứ vào các quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các văn bản có liên quan. Để xác định mức lãi này Chấp hành viên phải nghiên cứu, tham khảo rất nhiều văn bản của Bảo hiểm xã hội, mất rất nhiều thời gian và công sức.

Thứ hai, căn cứ theo các quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì với mỗi một loại bảo hiểm: Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp lại tính theo một mức lãi riêng. Trong khi đó Bản án lại tuyên tổng các khoản tiền: Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và khoản tiền lãi phát sinh. Như vậy cơ quan thi hành án cần xác định rõ phần tiền nợ gốc của từng loại Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp mới có cơ sở để tính lãi. Đó là chưa kể đến trong quá trình đôn đốc án, các văn bản của Bảo hiểm có sự thay đổi, điều chỉnh về mức tính lãi nên chấp hành viên lại phải cập nhật kịp thời để tính toán cho đúng.

Đối với các trường hợp trên Chấp hành viên có thể yêu cầu Tòa án giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án làm rõ khoản lãi suất. Tuy nhiên, trong thực tế việc này mất rất nhiều thời gian và đôi khi không thu được kết quả như mong đợi, dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài.

Phân tích các vụ việc trên trên có thể thấy việc tính lãi suất theo bản án tuyên là một vấn đề rất phức tạp, cần có sự nghiên cứu, trao đổi, phối hợp để có phương án giải quyết cụ thể. Do vậy, để thuận lợi cho việc tổ chức thi hành án phần lãi suất cần có sự thống nhất giữa Tòa án, các tổ chức tín dụng, ngân hàng và cơ quan thi hành án về việc quy định cách tính lãi suất trong các trường hợp thanh toán trả nợ. Có thể xem xét việc áp dụng một mức lãi suất chung trên số tiền gốc còn phải thi hành đối với các vụ việc tín dụng ngân hàng thay cho việc tính toán lãi suất theo hợp đồng tín dụng như hiện nay; hoặc đề nghị Tòa án phải tuyên rõ mức lãi suất trên số tiền phải thanh toán trả nợ trong bản án để cơ quan thi hành án có cơ sở tính lãi suất một cách chính xác nhất. Góp phần rút ngắn quá trình đôn đốc thi hành án đối với các vụ án tín dụng, ngân hàng và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thi hành án dân sự.

Hoàng Thị Thanh Hoa, Chi cục THADS huyện Phú Xuyên, Hà Nội