Một số vướng mắc khi áp dụng các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự

11/01/2016
Việc xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự được quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THADS, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 sửa đổi bổ sung  một số điều Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định XPVPHC trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THADS, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.


Trên thực tế, việc áp dụng các quy định của pháp luật  xử lý vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự hiện vẫn còn gặp phải một số vướng mắc  như sau:

Thứ nhất: Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

 Theo Điều 49 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Điều 68, Điều 72 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định về Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của cơ quan thi hành án dân sự

1. Chấp hành viên thi hành án dân sự đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.

2. Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật này.

3. Chấp hành viên thi hành án dân sự là Tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản của vụ việc phá sản có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật này.

4. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Trưởng phòng Phòng Thi hành án cấp quân khu có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật này.

5. Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực thi hành án dân sự quy định tại Điều 24 của Luật này;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật này.

Theo Nghị định số 110/2013/NĐ-CP đã tách các hành vi vi phạm hành chính thành các hành vi riêng biệt và áp dụng 07 mức xử phạt theo các khung sau:

+ Khung 1: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đ;

+ Khung 2: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;

+ Khung 3: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;

+ Khung 4: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

+ Khung 5: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

+ Khung 6: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

+ Khung 7: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng

Căn cứ vào tính chất nguy hiểm, phức tạp của các hành vi vi phạm, Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và mục 36 Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 quy định mức xử phạt tương ứng với các hành vi như sau:

Thứ nhất, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai của người có thẩm quyền thi hành án nhưng không đến địa điểm ghi trong giấy báo, giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng.

Thứ hai, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi : Không cung cấp thông tin, không giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền thi hành án mà không có lý do chính đáng; Không thông báo cho cơ quan thi hành án khi có thay đổi về địa chỉ và nơi cư trú; Không kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án.

Thứ ba, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong 04 hành vi: không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định; trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án; không thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của Tòa án nhân dân; cung cấp chứng cứ giả cho cơ quan THADS.

Thứ tư, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong 03 hành vi: làm hư hỏng tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản; phá hủy niêm phong tài sản đã kê biên; không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc trừ vào thu nhập.

Thứ năm, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản; sử dụng trái phép, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc thay đổi tình trạng tài sản đã kê biên; hủy hoại tài sản đã kê biên; không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ; cố ý không thực hiện quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án nhân dân hoặc bản án, quyết định phải thi hành ngay.

Thứ sáu, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc khấu trừ tài khoản, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án; không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án; về việc thu tiền của người phải thi hành án đang giữ.

Thứ bảy, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án theo quyết định của người có thẩm quyền thi hành án.

Những điều luật trên đã quy định rất rõ về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong các hành vi trên, có rất nhiều các hành vi vi phạm mà cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện thường xuyên gặp phải nhưng  theo quy định trên thì lại không thuộc thẩm quyền xử phạt của cơ quan thi hành án cấp huyện. Ví dụ như các hành vi : Không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định; Trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án…….Các hành vi nói trên đều thuộc khung hình phạt trên 3.000.000đ, do đó không thuộc thẩm quyền xử phạt của các cơ quan thi hành án cấp huyện. Khi gặp phải các trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện phải lập hồ sơ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc làm này mất rất nhiều thời gian của chấp hành viên  và các cơ quan thi hành án, trong khi thực tế, các hành vi vi phạm hành chính diễn ra ngày càng nhiều.

Đối với một số hành vi như: Không cung cấp thông tin, không giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền thi hành án mà không có lý do chính đáng; Không thông báo cho cơ quan thi hành án khi có thay đổi về địa chỉ và nơi cư trú; Không kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án.(mục 36 Nghị định 67/2015/NĐ-CP)

Các hành vi  trên thuộc thẩm quyền xử phạt của cả cơ quan Thi hành án Dân sự cấp huyện và cấp tỉnh, do đó cần có các quy định rõ ràng hơn để định lượng được mức độ vi phạm của hành vi, quyết định mức xử phạt và phân định thẩm quyền xử phạt để thuận lợi và chính xác hơn khi áp dụng các quy định pháp luật.

Thứ hai, về trình tự, thủ tục

Tại khoản 4 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định. Nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả

4. Trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc sau đây:

a) Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;

b) Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt;

Nhưng tại Luật xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định 110/2013/NĐ-CP ; Nghị định  67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015 sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 110/2013/NĐ-CP không có quy định cụ thể các loại giấy tờ, thủ tục khi chuyển hồ sơ đến cấp có thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến việc các cơ quan thi hành án áp dụng không thống nhất, khó khăn cho các  cơ quan Thi hành án Dân sự khi chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền.

Trên đây là một số bất cập khi áp dụng các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét và có những quy định bổ sung, hướng dẫn chi tiết để thuận lợi hơn cho các cơ quan thi hành án khi áp dụng các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.  

Hoàng Thị Thanh Hoa