Bàn về quy định trích lại tiền thuê nhà cho người phải thi hành án khi thi hành án cưỡng chế trả nhà, giao nhà

31/05/2016
Trong biện pháp cưỡng chế trả nhà, giao nhà theo Điều 115 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 có quy định về trường hợp Chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm. Đây là một quy định mang tính nhân đạo cao, hợp lý, hợp tình, tuy nhiên trên thực tế khi áp dụng quy định này vẫn có một số vấn đề phát sinh.


Tại khoản 5 Điều 115 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định:
“5. Trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu xét thấy sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được thi hành án, Chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm. Nghĩa vụ thi hành án còn lại được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật này.”
Đây là một quy định mới mang tính nhân văn cao trong Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, chấp hành viên vẫn gặp phải một số khó khăn khi áp dụng quy định trên.
Thứ nhất: Đối với chấp hành viên, việc xác định khoản tiền thuê nhà thế nào là “phù hợp” với giá nhà thuê trung bình ở từng địa phương cũng là rất khó, ngay trong một thành phố mức thuê nhà cũng rất khác nhau; trong khi chưa có một cơ quan chuyên môn xác định mức giá thuê này. Mặt khác, trong một số trường hợp, số tiền thuê nhà trong vòng một năm cũng không nhỏ, do vậy trong những trường hợp nhà bị cưỡng chế của người phải thi hành án có giá trị không lớn thì việc phải trích lại tiền một năm thuê nhà cũng là vấn đề nan giải…. Do đó chấp hành viên phải giải thích rất nhiều với người được thi hành án khi trích lại số tiền này, thậm chí còn có cả những trường hợp người được thi hành án khiếu nại về số tiền trích lại quá cao dẫn đến quá trình giải quyết việc thi hành án mất nhiều thời gian.
Thứ hai: Luật chỉ quy định trong trường hợp tài sản  là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án nhưng lại không quy định đối với trường hợp tài sản phải giao nhà, trả nhà của người thứ ba. Hiện nay có rất nhiều các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng trong đó tài sản thế chấp là nhà ở duy nhất của bên thứ ba (không phải là người phải thi hành án). Nếu theo câu chữ của điều luật thì không thể áp dụng được quy định về việc trích chuyển tiền thuê nhà cho những người này, vì luật quy định rõ đối tượng được trích tiền là “ người phải thi hành án”;  trong khi đó người có tài sản bảo đảm là bên thứ ba lại được xác định với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Điều này dẫn đến bất cập là trên thực tế người có tài sản bảo đảm cho người phải thi hành án bị quá nhiều thiệt thòi, trong khi đó quy định pháp luật chưa có cơ chế hỗ trợ.
Thứ ba: Theo quy định tại khoản 4 điều Điều 27 Nghị định 62 CP 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự :
“4. Cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá.
Trong thời gian chưa giao được tài sản, cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo hình thức gửi tiền có kỳ hạn 01 tháng cho đến khi giao được tài sản, phần lãi tiền gửi được cộng vào số tiền gửi ban đầu để thi hành án; trường hợp không giao được tài sản thì phần lãi tiền gửi thuộc về người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định khác.
Trường hợp đến hạn theo hợp đồng bán đấu giá tài sản mà không giao được tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá thì người này có quyền yêu cầu hủy bỏ hợp đồng.”
Như vậy, khi thực hiện cưỡng chế giao nhà cho người trúng đấu giá xong thì cơ quan thi hành án mới thực hiện xử lý và chi trả số tiền bán đấu giá tài sản. Vậy tiền thuê nhà sẽ được trích lại sau khi cưỡng chế trả nhà, giao nhà thành công. Đây là một quy định bảo đảm an toàn cho chấp hành viên và quyền lợi của người trúng đấu giá. Tuy nhiên để “Chấp hành viên buộc người phải thi hành án và những người khác có mặt trong nhà ra khỏi nhà, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra khỏi nhà;” theo quy định tại khoản 1 Điều 115 là rất khó khăn nếu như người phải thi hành án không có chỗ ở nào khác. Mặt khác Chính quyền địa phương, các cơ quan hữu quan và dư luận không đồng tình, không ủng hộ việc cưỡng chế vì cho rằng nếu đưa người phải thi hành án và gia đình họ ra ngoài đường sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, về quyền chỗ ở của công dân…
Do vậy cần quy định trước khi cưỡng chế, chấp hành viên cần thông báo cho người phải thi hành án về việc thuê nhà và trích tiền thuê nhà, số tiền được trích để cho người phải thi hành án biết về quyền lợi của mình. Đồng thời, cần bổ sung quy định về việc trích tiền cho đối tượng là “người phải thi hành án” cần quy định chung là “ người có nghĩa vụ trả nhà, giao nhà” để thuận lợi hơn cho việc áp dụng pháp luật; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong quá trình thi hành án.
Ths. Hoàng Thị Thanh Hoa, Chi cục THADS huyện Phú Xuyên, Hà Nội